Trong trường đại học chuyên ngành Luật, bộ môn Tội phạm học thường gây tò mò ngay từ tên gọi. Nhiều người có thể nhầm lẫn bộ môn này với Tâm lý học tội phạm.
Nếu Tâm lý học tội phạm nghiên cứu mục đích, động cơ, các đặc tính tâm lý đặc thù của tội phạm, mong muốn phán đoán tâm lý, hành vi, nhân thân, phá án, sử dụng trong quá trình điều tra tội phạm, thì Tội phạm học mang đặc thù học thuật - nghiên cứu. Vì vậy, thực chất, Tội phạm học lại là môn không hề dễ "ăn điểm" với sinh viên.
Tại Đại học Luật Hà Nội: Ngoài các môn học chuyên ngành mang tính ứng dụng trực tiếp, tập trung những quy định của pháp luật hiện hành như Luật hình sự, Luật dân sự, Luật doanh nghiệp còn có môn Tội phạm học.
Bùi Phú – cựu sinh viên Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: Tội phạm học nhìn nhận tội phạm dưới góc độ là một hiện tượng xã hội. Quá trình nghiên cứu đánh giá các yếu tố xã hội tác động lên tình hình tội phạm, nguyên nhân của các tội phạm, các yếu tố cá nhân của người phạm tội, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa và dự báo tội phạm.
Mặt khác, Tội phạm học giúp sinh viên hiểu được bản chất ý nghĩa các quy định của Bộ Luật hình sự, Luật Tố tụng hình sự. Các môn học liên quan tội phạm không chỉ nằm trong câu hỏi: Tội danh gì – bao nhiêu năm? Hình phạt do đó cũng được hiểu rõ từ bản chất là một hình thức ngăn chặn, giáo dục mang ý nghĩa xã hội, chứ không phải sự trả đũa của xã hội lên người phạm tội.
Vì vậy, nếu muốn trở thành một luật sư giỏi, hiểu được thực chất ý nghĩa công việc của mình đối với xã hội, thì Tội phạm học là môn cần thiết.
Bùi Phú cũng cho hay, ngoài các phần nghiên cứu thuần xã hội học, Tội phạm học dành riêng một chương khá thú vị giới thiệu về các trường phái Tội phạm học trong lịch sử. Đây được coi là phần gợi nhiều hứng thú nhất cho sinh viên.
Bùi Phú kể lại, đó có thể là tội phạm học cổ điển, các đặc trưng và ảnh hưởng lên tư duy pháp luật phương Tây.
Tội phạm học chứng thực có thể chỉ ra các đặc điểm bên ngoài của cá nhân như hình dạng khuôn mặt, dáng đi, cử chỉ, nguồn gốc gia đình, môi trường sống của những người có khả năng phạm tội.
Mặc dù không hoàn toàn được công nhận trong xã hội hiện đại, nhưng đó là những gợi mở thú vị cho sinh viên nếu muốn nghiên cứu sâu thêm.
Tại Đại học Luật TP HCM: Môn Tội phạm học nằm trong khoa Luật hình sự. Khoa quản lý chuyên môn và giảng dạy ba môn thuộc các học phần bắt buộc bao gồm: Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Tâm lý học tư pháp, Khoa học điều tra hình sự…
Bộ môn Tội phạm học trang bị cho sinh viên kiến thức về phòng chống tội phạm ở tất cả các phương diện xã hội, pháp lý. Người học có thể ứng dụng kiến thức của các môn học này để tổ chức hoạt động phòng ngừa tội phạm tại địa phương, cộng đồng, nhằm giảm bớt tội phạm trong xã hội.
Trong tài liệu nghiên cứu tại trường, thạc sĩ Phạm Thái – Đại học Luật TP HCM cho biết: Các nhà nghiên cứu Tội phạm học ở Việt Nam, cũng như trên thế giới, đều có chung một quan điểm khi cho rằng, đây là ngành khoa học mang tính lý luận chung, làm cơ sở cho việc ứng dụng vào các lĩnh vực khoa học và thực tiễn của luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, điều tra hình sự, thống kê hình sự, tâm lý học tội phạm, tâm lý học tư pháp.
Tội phạm học được đánh giá là môn học có tính ứng dụng cao, bởi với những lập luận và kiến giải của nó chính là cơ sở quan trọng để các cơ quan bảo vệ pháp luật như các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan quản lý khác trong hoạt động thực tiễn có thể tiến hành nhiều biện pháp hiệu quả để kiểm soát và loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.