Thưa bác sĩ, con trai tôi năm nay 12 tuổi, cao 1m5, nặng 48 kg. Từ khi đi học trở lại, cháu thường xuyên kêu đói mỗi khi đi học về nên rất thích ăn vặt như xúc xích, kẹo, bim bim. Tôi khá lo lắng vì sợ những món ăn này dễ khiến con béo thêm.
Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi những đồ ăn chứa nhiều đường dễ khiến trẻ béo phì. Xin cảm ơn bác sĩ!
ThS.BS Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Với một bé trai 12 tuổi, cao 1m5, nặng 48 kg, cháu đang thừa 8 kg so với tiêu chuẩn thông thường. Bà mẹ này cũng đã nhận thấy tình trạng thừa cân của con và lo lắng khi trẻ ăn quá nhiều món ăn vặt thừa năng lượng, nhiều đường.
Trong tất cả món ăn có thể gây tăng cân, chất đường, ngọt là thủ phạm hàng đầu. Với trẻ em, những thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt, nước ngọt, ngay cả hoa quả quá ngọt cũng dễ khiến dư thừa năng lượng, tích tụ mỡ thừa hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng thừa cân, béo phì như của cháu bé trong tình huống trên.
Nhiều người quan niệm con ăn hoa quả sẽ không béo. Song, một số trái cây như xoài, chuối, mít, nhãn, vải, na… chứa rất nhiều đường mà thậm chí phụ huynh không hay biết. Ví dụ năng lượng một quả chuối tiêu đã bằng 1/2 bát cơm. Nếu trẻ ăn hai quả chuối một ngày đã bằng một bát cơm.
Chính vì vậy, bên cạnh những đồ ăn ngọt hiển nhiên như trà sữa, nước ngọt có ga, bánh kẹo, hoa quả nhiều đường cũng cần được hạn chế trong khẩu phần ăn của trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ ăn nhiều cơm cũng gây béo. Cơm là tinh bột, cung cấp gluxit, cần phải ăn ở lượng vừa phải. Nếu ăn quá nhiều cơm hay dư thừa bất kỳ món ăn nào thuộc nhóm ngũ cốc cuối cùng cũng khiến hấp thu vào cơ thể là đường glucose.
Trong tủ lạnh, mẹ tuyệt đối không dự trữ kẹo, bánh, nước ngọt. Thay vào đó, đồ ăn vặt tốt nhất cho cháu là các loại hạt như hạt hướng dương, macca, hạt điều, lạc với số lượng vừa phải, không quá 30 g/ngày. Nếu là sữa, trẻ nên uống sữa không đường, ít béo.
Với hoa quả, mẹ nên chọn cho trẻ ăn dưa chuột, ổi, thanh long, củ đậu, bưởi. Đây là những hoa quả ít ngọt, cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và giảm cơn đói cho cháu. Nhưng dù là thực phẩm nhiều đường hay ít đường, tất cả đều có calo (năng lượng).
Tôi vẫn muốn nhấn mạnh phụ huynh cũng không nên cho cháu ăn quá nhiều. Bữa sáng mẹ không nên cho trẻ ăn món quá nhiều tinh bột như bánh chưng, xôi… mà thay bằng một lát bánh mì, một quả trứng hoặc sữa. Ngoài ra, nguyên tắc để giảm thừa cân, béo phì là cho trẻ ăn tối càng sớm càng tốt, ít nhất 4 tiếng trước khi ngủ, không nên bắt cháu nhịn, chờ đến bữa.
Khi trẻ đi học về đói, cha mẹ có thể linh động cho con ăn bữa tối trước cả nhà để bữa ăn trong ngày của trẻ kết thúc sớm, tránh kéo dài sau 20h. Nếu trẻ đã ăn bữa phụ, bữa tối nên tinh giản bớt cơm, tập trung ăn rau và thức ăn nhưng cũng phải trong số lượng vừa phải.
Với tình huống này, bà mẹ có thể không cần phải cho con nhịn ăn để giảm cân nhưng nên cho con tới khám bác sĩ dinh dưỡng để có một chế độ dinh dưỡng, bữa ăn cụ thể phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của cháu.
Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình truyền thông “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam” vì một thế hệ trẻ em cao lớn, thông minh vượt trội, chuẩn BMI.