Xe buýt, tàu hỏa hạng bình dân là phương tiện di chuyển thông thường của dân du lịch "mông sắt". Ảnh: limoo/Pexels. |
Lin En có thể dễ dàng đến đích trong 6 giờ nếu anh bắt một chuyến bay. Nhưng trong chuyến đi đầu năm nay, chàng trai 23 tuổi đã chọn đi xe buýt 3 ngày từ Tân Cương (Trung Quốc) đến Astana, thủ đô của Kazakhstan.
Đáng nói, trên xe không có dịch vụ giải trí cao cấp, ăn uống sang trọng hay ghế ngồi tiện dụng được thiết kế đặc biệt khiến chuyến đi trở nên đặc biệt thú vị.
Theo CNN Travel, chuyến đi thật sự rất khổ cực. Phải ngồi thẳng lưng trên ghế hàng chục giờ đồng hồ khiến Lin đau lưng không thể chịu nổi, anh đã xác thực điều này trong một vlog đăng tải trên Xiaohongshu - Instagram phiên bản Trung Quốc. Tuy nhiên, anh ấy vẫn tiếp tục làm như vậy hết lần này đến lần khác.
Không chỉ riêng Lin, ngày càng nhiều du khách Trung Quốc đang chuyển sang sử dụng các hình thức vận chuyển "cực đoan" cho kỳ nghỉ.
Một bức ảnh Lin En chụp những người bạn đồng hành "mông sắt" của anh đang tạo dáng bên ngoài một chuyến tàu trên đường đến Tây Tạng. Ảnh: Lin En. |
Họ tự gọi chính mình là những du khách "mông sắt" - lấy cảm hứng từ khoảng thời gian họ phải ngồi trên những chiếc ghế không thoải mái khiến da thịt bắt đầu có cảm giác như kim loại.
Xu hướng này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với 19,8 triệu lượt xem hashtag #ironbutttravel (du lịch mông sắt).
"Những người có mông sắt tận hưởng thế giới trước tiên" là khẩu hiệu của họ. Hầu hết họ là những người trẻ tuổi, bao gồm cả những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, những người có nhiều thời gian rảnh hơn tài chính.
Lin đã mất 20 giờ để đi từ Trung Quốc tới Lào. Ảnh: Lin En. |
Những bất ổn kinh tế do cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên khiến du khách trẻ có xu hướng tìm kiếm những chuyến phiêu lưu giá rẻ.
"Lý do chính là ngân sách. Du lịch Iron Butt - 'mông sắt' cho phép tôi đến nhiều nơi hơn với ít tiền hơn", Peng Fei (27 tuổi) - một du khách tự nhận là "mông sắt" nói với CNN.
Đi xe buýt đêm là hoạt động khá bình thường đối với dân du lịch ba lô trên khắp thế giới, nhưng người Trung Quốc đã đưa thử thách này lên một tầm cao mới.
Đối với chuyến đi của Lin đến Astana, hành trình bắt đầu lúc 6h từ một bến xe buýt ở Tân Cương. Trừ một vài lần nghỉ ngắt quãng, anh đã dành tổng cộng 46 tiếng ngồi thẳng lưng trên xe buýt.
Cảnh đồng cỏ phía Bắc Tây Tạng trong chuyến đi tàu của Lin En tới Lhasa, thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc. Ảnh: Lin En. |
"Tôi không thể ngủ được vì đau lưng, vì vậy tôi đành thức suốt đêm", anh nói trong video. "Đến sáng hôm sau, tôi đã hoàn toàn kiệt sức. Mỗi phút sau đó là một sự tra tấn, tôi mong đến nơi hơn cả tài xế". Cuối chuyến đi, nam du khách đã bị cảm lạnh.
"Khi bước xuống xe buýt, tôi cảm thấy như mình đã đứng cả đời và vừa được ngồi xuống", anh nói. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh và những người bạn đồng hành "mông sắt" phải hy sinh niềm vui.
Chia sẻ với CNN, Lin cho biết anh thích sự "chân thực" của trải nghiệm này so với việc đi máy bay.
"Tôi đã gặp rất nhiều câu chuyện thú vị trên đường, từ văn hóa, gia đình hay kiếm sống - tất cả đều rất hấp dẫn", Lin nói. Anh đã thực hiện 10 chuyến đi "mông sắt" kể từ cuối năm ngoái với tổng cộng hơn 300 giờ di chuyển.
Một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất của anh là hành trình 20 tiếng đi từ Côn Minh (Trung Quốc) đến Huay Xai ở Lào. Tại bến xe buýt, anh gặp nhóm công nhân nhập cư đang đi đến Tam giác vàng - một trung tâm buôn bán ma túy khét tiếng nơi biên giới 3 nước Thái Lan, Lào và Myanmar giao nhau. Nhiều người nói với anh rằng họ đang tìm việc ở đó vì họ không còn lựa chọn nào khác.
"Tôi hỏi họ có sợ không, họ nói họ phải nuôi gia đình, nuôi con", anh nhớ lại. "Và lòng tôi chùng xuống một chút".
Bên trong chiếc xe buýt mà Lin đã dành nhiều ngày để đi đến Kazakhstan. Ảnh: Lin En. |
Các tuyến xe buýt và tàu hỏa đường xa thường cung cấp các lựa chọn giá rẻ cho hành khách, tuy nhiên những du khách mông sắt đang dần định nghĩa lại hoặc có lẽ là làm sang trọng hóa hình thức di chuyển này.
"Bạn có thể nhìn thấy được nhiều thứ trên đường hơn so với khi di chuyển bằng máy bay", nam du khách nói về trải nghiệm trên chuyến tàu kéo dài 53 tiếng đi từ Quảng Châu đến Lhasa hồi đầu năm. Anh được tận mắt chứng kiến cao nguyên Tây Tạng rộng lớn, sa mạc Gobi và những dãy núi hùng vĩ.
Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội cho họ gặp gỡ những người có cùng chí hướng.
Peng Fei đã chi 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) để đi du lịch đến 7 quốc gia trải dài từ Trung Á đến châu Âu. Trong những chuyến đi này, du khách dành hàng chục giờ ngồi cạnh nhau. Vì vậy, trò chuyện là cách tự nhiên nhất để họ giết thời gian và điều này đã khiến tình bạn phát triển mạnh mẽ.
Peng cho biết cô đã gặp rất nhiều người trẻ có cùng chí hướng trên đường, nhiều người đang gap year, có người mới tốt nghiệp, "Hầu hết họ đều háo hức khám phá những năng lực khác của bản thân", cô nói. Họ còn cho cô thêm cảm hứng để sống trọn từng ngày.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.