Nhiều đứa trẻ nghiện mạng xã hội nặng đến mức tâm lý bị ảnh hưởng. Ảnh: LA Johnson/NPR. |
Vài tháng trước khi Selena, con gái của Tammy Rodriguez, qua đời vào năm 2021, hai mẹ con đang trên đường trở về nhà ở Enfield (bang Connecticut , Mỹ). Selena (lúc đó 10 tuổi) đang ngồi lướt điện thoại thì hết pin. Em xin dùng điện thoại của mẹ nhưng bị mẹ từ chối vì chỉ còn ít phút nữa, hai mẹ con sẽ về đến nhà.
Selena không muốn chờ và vẫn nằng nặc đòi điện thoại từ mẹ. Em bấu lấy cánh tay mẹ chặt đến mức những vết bầm trên tay bà Rodriguez phải hơn một tuần mới biến mất.
Nhiều tháng trước đó, Selena từng làm gãy mũi chị gái Destiny sau khi chị gái tịch thu điện thoại của em và từ chối trả lại.
Theo lời kể của chị gái và mẹ, Selena bị ám ảnh với mạng xã hội. Em ám ảnh với những lượt like, những bài đăng, bạn bè trên mạng, thậm chí ám ảnh với những kẻ bắt nạt em qua không gian ảo.
Bé gái dùng mạng xã hội cả ngày lẫn đêm nên tâm trạng của em thay đổi thất thường và sẽ "phát nổ" mỗi khi ai đó trên mạng bỏ theo dõi em. Một nhà trị liệu ở bang Connecticut (Mỹ) nói rằng Selena là trường hợp nghiện mạng xã hội nặng nhất bà từng gặp.
Selena nghiện mạng xã hội và qua đời vì sốc thuốc khi quay video để đăng lên mạng. Ảnh: Tammy Rodriguez. |
Cha mẹ đau đớn vì mất con
Selena qua đời vì sốc thuốc trong một lần uống Wellbutrin (thuốc điều trị trầm cảm) để quay video đăng lên mạng.
Mẹ của Selena kể với New York Magazine rằng vào tháng 7/2021, Selena uống hai viên Wellbutrin kèm nước ngọt. Trong lúc quay video để đăng lên mạng, em không ngừng nói rằng "tôi bị tê liệt cảm xúc", "cảm xúc của tôi ở đâu", "tôi không còn cảm nhận được điều gì nữa". Hôm đó, em được mẹ tìm thấy khi không còn thở.
Sau cái chết của con gái, bà Rodriguez mất ngủ trong nhiều tháng trời. Một lần, vì không ngủ được, bà lên Facebook và tình cờ bắt gặp một bài quảng cáo của công ty luật chuyên làm những vụ kiện liên quan trẻ nghiện mạng xã hội.
Khi người mẹ nhấp vào trang web của công ty, một biểu mẫu hiện ra cùng câu hỏi "Con tôi có nghiện mạng xã hội không?". Trong đêm đó, bà Rodriguez làm khảo sát và nhận được câu trả lời "con bạn nghiện mạng xã hội rất nặng".
Bà Tammy Rodriguez không phải trường hợp duy nhất mất con vì mạng xã hội. Bà Kristin Bride (sống ở Mỹ) cũng mất đứa con trai 16 tuổi vào năm 2020. Con bà tự tử sau khi bị bắt nạt không ngừng trên hai ứng dụng nhắn tin ẩn danh của Snapchat là YOLO và LMK.
Ban đầu, bà Bride không thực sự quan tâm đến việc kiện cáo. Nhưng sau khi liên hệ với YOLO 4 lần mà không được, bà quyết định tìm đến sự hỗ trợ.
Một lần, sau khi xem The Social Dilemma - bộ phim tài liệu nói về sự nguy hiểm của mạng xã hội, người mẹ quyết định liên hệ với Tristan Harris của Trung tâm Công nghệ Nhân đạo - một người xuất hiện trong bộ phim.
Harris giúp bà Kristin Bride kết nối với Fairplay - tổ chức phi lợi nhuận nhằm chấm dứt những quảng cáo độc hại nhắm đến trẻ em. Thông qua sự kết nối của Fairplay, người mẹ gặp được Joann Bogard - người đã mất con trai vì con làm theo thử thách bất tỉnh (blackout challenge) trên TikTok.
Những người mẹ kết nối với nhau, thành lập nhóm chống tác hại của Internet. Sau một thời gian, nhóm phụ huynh tập hợp được hơn 40 thành viên, tất cả đều là những người có con bị mạng xã hội hủy hoại.
Con của bà Kristin Bride tự tử vì bị bắt nạt trên mạng. Ảnh: Kristin Bride. |
Hơn 100 phụ huynh đệ đơn kiện, đòi quyền lợi cho con
Sau cái chết của con gái Selena, bà Rodriguez liên hệ với một tổ chức tên là Trung tâm hỗ trợ luật dành cho nạn nhân của mạng xã hội. Sau khi được tư vấn, người mẹ quyết định đệ đơn kiện Meta và trở thành một trong những phụ huynh đầu tiên kiện nền tảng mạng xã hội này.
Khoảng 100 phụ huynh khác cũng đệ đơn kiện những gã khổng lồ truyền thông xã hội như Snapchat, Instagram và TikTok. Các phụ huynh yêu cầu những công ty này phải chịu trách nhiệm vì gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ nhỏ.
Dù con mất vì tự tử, làm theo thử thách trên TikTok hay bị rối loạn ăn uống, tất cả phụ huynh đều thống nhất một cáo buộc là các nền tảng mạng xã hội đã khuyến khích hành vi nghiện ngập, sự cực đoan và thù hận.
Phụ huynh ngày nay may mắn hơn phụ huynh ngày xưa vì họ có cơ hội đệ đơn kiện. Trước đây, mục 230 của Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số năm 1996 đã bảo vệ các nền tảng trực tuyến khỏi những trách nhiệm pháp lý. Theo đó, người dùng có thể tạo web và nội dung theo ý muốn mà không bị kiểm soát.
Đối mặt với tình trạng con cái bị hủy hoại vì mạng xã hội, phụ huynh yêu cầu các nhà lập pháp sửa đổi mục 230 này.
Trong khi nhiều người nhất trí với ý kiến sửa mục 230, nhiều luật sư và kỹ sư công nghệ lại cho rằng việc sửa đổi sẽ không mang lại hiệu quả, trái lại sẽ gây ra hậu quả.
Cathy Gellis, luật sư đại diện cho các công ty Internet, cho biết nếu không có mục 230, việc kiện tụng có thể khiến việc lưu trữ và vận hành trang web trở nên tốn kém hơn và có khả năng đẩy những trang web đi theo hướng mô hình độc quyền.
Điều này cũng có thể khuyến khích các công ty xóa bài đăng bị nghi ngờ vi phạm pháp lý, dù là nội dung nhỏ nhất.
Jess Miers, luật sư, đồng thời là cựu chuyên viên phân tích công nghệ tại Google, cũng nói rằng một khi mục 230 bị tác động, nó sẽ mang lại những câu hỏi pháp lý phức tạp, mơ hồ hơn.
Trong khi các luật sư, kỹ sư công nghệ muốn giữ mục 230, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Mỹ lại muốn xóa bỏ mục này. Khi còn cầm quyền, ông Donald Trump từng ký một sắc lệnh yêu cầu hạn chế mục 230 vì lo ngại những nội dung độc hại trên mạng ảnh hưởng đến người dùng.
Đến tháng 7/2021, Tổng thống Biden cũng kêu gọi bãi bỏ mục 230 do những thông tin sai lệch về Covid-19 lan tràn mạnh mẽ trên mạng xã hội. Ông Biden ví những thông tin đó không khác gì vũ khí giết người.
Theo đó, vài tuần sau, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar đã đề xuất Đạo luật thông tin sai lệch về sức khỏe nhằm buộc các nền tảng phải chịu trách nhiệm pháp lý khi thuật toán của họ quảng bá thông tin sai lệch về sức khỏe liên quan tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hiện có.
Hiện, việc bỏ mục 230 hay không bỏ vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Dù vậy, những phụ huynh có con bị mạng xã hội gây hại vẫn quyết kiện tụng đến cùng.
Sau khi khởi kiện vào tháng 9/2022, bà Rodriguez cảm thấy nhẹ nhõm vì đã đấu tranh đến cùng để đòi quyền lợi cho con. Bản thân bà cũng thấy thoải mái vì đã gặp được những người trải qua hoàn cảnh tương tự.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.