Khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ vào tháng 3/2020, Michelle Li (27 tuổi) chuyển ra khỏi căn hộ 55 m2 tại Atlanta (bang Georgia, Mỹ) để trở về nhà bố mẹ ở vùng ngoại ô.
Ban đầu, cô nghĩ rằng việc phong tỏa chỉ là tạm thời và sẽ sớm kết thúc. Song khi hợp đồng thuê nhà hết hạn vài tháng sau đó, đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Li quyết định để trống căn hộ và dọn về sống với bố mẹ vô thời hạn.
Trở về ăn bám cha mẹ
Từ khi chuyển về quê, cô tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. “Việc đi dạo hàng ngày với bố mẹ là khoảnh khắc tuyệt vời nhất mà tôi trân trọng”, Li nói với The Lily.
Thế nhưng, không lâu sau, Li cảm thấy mình như một đứa trẻ 16 tuổi và dần trở nên tù túng. Cô bắt đầu nhớ bạn bè và cảm giác tự do trước đây. “Cha mẹ tôi hơi khô khan trong khi tôi là một người rất giàu cảm xúc. Mỗi ngày sống cùng họ giống như đi tàu lượn siêu tốc”, Li chia sẻ.
Nhiều người trẻ ở Mỹ trả nhà thuê ở thành phố lớn để về quê "lánh nạn" cùng bố mẹ. Hình: Getty. |
Li là một trong số rất nhiều người trẻ thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981-1996) chuyển đến sống cùng cha mẹ trong mùa dịch. Tại Mỹ, tỷ lệ thanh niên từ 18-29 tuổi đang sống với cha mẹ tăng cao hơn bao giờ hết, theo The Lily.
Một cuộc khảo sát vào tháng 7/2020 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 9% người thuộc nhóm tuổi này đã rời khỏi nơi cư trú khi virus SARS-CoV-2 hoành hành.
20% trong số đó nói rằng họ làm vậy là vì muốn ở bên gia đình trong lúc khó khăn. 18% số khác là vì tác động của vấn đề tài chính.
Bí bách khi về nhà
Khi cuộc sống ở Mỹ tiến vào thời kỳ “bình thường mới” với các hạn chế được dỡ bỏ và doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động, nhiều người bắt đầu suy nghĩ về việc trở lại không gian riêng của họ.
“Tác động tiềm ẩn đến sức khỏe tâm thần của việc chuyển đến sống với cha mẹ có thể khác nhau tùy theo trải nghiệm cá nhân. Có rất nhiều kết quả cần xem xét chẳng hạn mối quan hệ của họ với cha mẹ, cách người đó nhìn nhận mình với thế giới”, Saba Harouni Lurie, một nhà trị liệu tâm lý kiêm người sáng lập của Take Root Therapy, cho biết.
Họ bị quản thúc khi sống với bố mẹ. Ảnh: Pew Research Center. |
Tương tự như Li, khi các bang lần lượt “khóa cửa”, Sheeta Verma (20 tuổi) trả lại căn hộ nhỏ ở Boston để về nhà bố mẹ tại San Francisco. Cô gái 20 tuổi vui mừng khi được thưởng thức bữa ăn gia đình với bố mẹ thay vì ngồi ở Boston lo lắng cho sức khỏe của họ.
Tuy nhiên, 10 tháng làm việc từ xa tại quê là một thử thách lớn với Verma. Cô không có nhiều bạn bè ở đây và việc đó khiến cô cảm thấy cô đơn.
“Tôi sống như đứa trẻ khi chuyển về nhà bố mẹ. Có vẻ như điều này khiến tôi phải trả giá đắt cho sức khỏe tinh thần vì phải làm việc và vật lộn với nỗi bất an của chính mình. Tôi có cảm giác như mình đang sống lùi lại”, Verma nói.
Giống như Li và Verma, Lucie Wilkins, một bà mẹ 39 tuổi, cũng buộc phải ngừng việc kinh doanh vừa khởi động vì đại dịch. Công việc y tá thú y không đủ để nuôi cô và con trai. Vì vậy, 2 mẹ con đã trả lại nhà cho thuê và chuyển đến ở với bố mẹ.
Con trai của Wilkins, hiện 7 tuổi, thích nghi rất tốt. “Chúng tôi luôn cố gắng duy trì sự tích cực cho thằng bé. Nó dành phần lớn thời gian chơi cùng bà ngoại. Cha mẹ tôi đã giúp nấu ăn và chăm sóc cháu trai. Thật tuyệt khi được ở bên họ”, Wilkins kể.
Tuy nhiên, đôi khi Wilkins có cảm giác như cô và con trai đang xâm phạm không gian của cha mẹ và không thể sống đúng như mong muốn của mình.
Tuy nhiên, đây là cơ hội để bố mẹ và con cái hiểu nhau hơn, gắn kết gia đình. Ảnh: NBC News. |
Theo nhà trị liệu Lurie, thời gian ở bên ông bà có thể giúp ích cho trẻ em, tạo cơ hội cho các mối quan hệ thân thiết hơn. Nhưng điều đó có thể gây mệt mỏi cho các bà mẹ khi tìm kiếm sự trợ giúp từ nhà ngoại và cùng cha mẹ hòa nhập vào cuộc sống riêng.
Vào thời kỳ hậu Covid-19, những người rời thành phố về quê sẽ phải xem xét lại một số thay đổi khi họ chuyển chỗ ở. Đó có thể là tính độc lập khi tiếp nhận một không gian khác. Song dù thế nào đi nữa, sự lựa chọn này cũng mang lại nhiều mặt tích cực. Điều họ cần làm là duy trì kết nối với bố mẹ và sự thống nhất dưới mái nhà chung.
“Vì rất nhiều lý do, tôi thực sự biết ơn vì có thể chuyển về nhà trong thời gian đại dịch bùng phát. Tôi gần gũi với cha mẹ hơn bao giờ hết và thực sự bắt đầu lo lắng về việc không được gặp họ mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi vẫn thích cuộc sống một mình hơn”, Li kết luận.
Tháng 6/2021, Li đã chuyển đến nhà riêng của mình nhờ số tiền tiết kiệm trong một năm nghỉ tránh dịch.
“Tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều khi sống một mình và không còn bị ảnh hưởng bởi hội chứng sợ vụt mất, bỏ lỡ cơ hội. Tôi tìm ra đâu là thứ khiến tôi hạnh phúc thực sự”, Li bày tỏ.