Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những giải pháp chưa từng có của kỳ thi tốt nghiệp THPT lịch sử

Thi hai đợt, bố trí phòng dự bị cùng hàng loạt giải pháp phòng, chống Covid-19 đã được triển khai cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Ngày mai, 9/8, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra trên cả nước (trừ Đà Nẵng, một số địa phương của Quảng Nam và thành phố Buôn Ma Thuột của Đắk Lắk thi đợt hai). Hơn 900.000 thí sinh sẽ thi để xét tốt nghiệp và là cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho biết ngành giáo dục quyết tâm thực hiện kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc trong bối cảnh kỳ thi diễn ra giữa lúc dịch Covid-19 tái phát.

thi tot nghiep thpt anh 1

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: T.D.

Kỳ thi đặc biệt khó khăn

- Đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT được triển khai trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do dịch bệnh. Đến nay, toàn bộ cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi, sắp xếp phòng thi, thông tin đến thí sinh, đều đã hoàn tất.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị như camera, máy tính xách tay, máy quét, hệ thống công nghệ thông tin đã triển khai tốt.

Lựa chọn cán bộ liên quan các khâu trọng yếu của kỳ thi như đánh phách, chấm thi, được các tỉnh, thành đặc biệt quan tâm. Nhiều địa phương xác minh phẩm chất chính trị, đảm bảo người tham gia có ý thức pháp luật, đạo đức, năng lực.

Phòng thi được giãn cách tối đa, đảm bảo thông thoáng, có quạt, đủ ánh sáng và an toàn. Phòng thi có cửa sổ gần đường đi, nhà dân, có nguy cơ lọt, lộ đề thi nên địa phương đặc biệt lưu ý.

- Đeo khẩu trang khi làm bài thi có tăng nguy cơ gian lận bằng thiết bị cao? Bộ GD&ĐT đã tính đến phương án này chưa?

- Nhiều năm gần đây, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Công an tổ chức chặt chẽ, triển khai quyết liệt với các địa phương về biện pháp phòng, chống gian lận có tổ chức và công nghệ cao.

Năm nay, Bộ Công an triển khai tinh thần thiết bị công nghệ cao có thể tinh vi hơn xuống PA03 để tập huấn cho thầy, cô về phương án nhận diện, xử lý.

Tuy nhiên, việc phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cao rất khó. Cán bộ coi thi phải quan sát được diễn biến tâm lý, tình huống cụ thể, hành động bất thường của thí sinh.

Các điểm thi có thể phát khẩu trang y tế, chuẩn bị khẩu trang dự phòng cho các em khi bước vào điểm thi, giảm nguy cơ sử dụng thiết bị gian lận bằng công nghệ cao.

Điều quan trọng, học sinh cần được tuyên truyền thông điệp rằng mọi gian lận, nếu bị phát hiện, thí sinh sẽ thiệt thòi nhất.

Thi hai đợt có công bằng?

- Với những địa phương thi sau, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh?

- Kỳ thi đã được tính toán đa chiều để đảm bảo quyền lợi của các bên. Thí sinh được tham gia kỳ thi, chăm sóc sức khỏe, làm bài trong điều kiện an toàn.

Với cách thức này, thí sinh phổ thông và thí sinh tự do tham gia thi đợt 2 đều được sử dụng kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khi có nguyện vọng. Để tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT, thầy cô, cán bộ địa phương rất vất vả nhưng vì quyền lợi của các em nên quyết tâm thực hiện.

Đề thi được xây dựng đảm bảo yêu cầu, mục đích của kỳ thi. Về giải pháp, Bộ GD&ĐT có cấu trúc đề thi ma trận, xuất phát từ ngân hàng câu hỏi phong phú, được xây dựng theo hướng chuẩn hóa.

Vì vậy, đề thi đợt một hay đợt 2 đều sử dụng các câu hỏi trong nguồn chung này. Đề thi sẽ có độ khó, tương đồng ở mức chấp nhận được so với đợt một để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho thí sinh thi sau.

- Năm nay, việc tổ chức thi được chuyển cho các địa phương. Công tác thanh tra của Bộ GD&ĐT và các trường đại học được thực hiện như thế nào?

- Bộ GD&ĐT triển khai kỳ thi với nhiệm vụ chính là chỉ đạo công tác chuyên môn. Ở các địa phương, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp.

Công tác thanh tra thi không phải giải pháp vạn năng nhưng được đẩy lên cao hơn trước một bước. Các trường cao đẳng, đại học không tham gia trực tiếp vào khâu coi thi, phòng thi nhưng là thành viên của đoàn thanh tra.

Đặc biệt, thanh tra Chính phủ hướng dẫn thanh tra tỉnh, thành phố khi tham gia các khâu của kỳ thi, tạo nên giải pháp căn bản, toàn diện.

Chuẩn bị phòng thi tốt nghiệp THPT riêng cho thí sinh ho, sốt Trường học ở Hà Nội chuẩn bị phòng thi dự phòng tốt nghiệp THPT cho thí sinh có biểu hiện ốm. Kỳ thi này sẽ diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/8.

Nghệ An chuẩn bị 300 phòng dự bị cho thí sinh ho, sốt

Ông Thái Văn Thành cho biết mỗi điểm thi có từ 5-7 phòng dự bị. Học sinh có sức khỏe bất thường sẽ được cán bộ y tế di chuyển đến phòng này.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm