Như ANTĐ thông tin, cuối tháng 1/2024, Cơ quan điều tra CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Sen Tài Thu; bắt khẩn cấp Phạm Thị Hòa - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sen Tài Thu; Nguyễn Thị Thùy Linh - nguyên Phó tổng giám đốc (con gái bà Hòa), và Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên Tổng giám đốc) Công ty CP tập đoàn Sen Tài, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra bước đầu xác định từ đầu năm 2020, bà Phạm Thị Hòa và Nguyễn Thị Thùy Linh đầu tư vào việc mở rộng các cơ sở của hệ thống Sen Tài Thu trong thời gian dài, nên đã vay nợ số tiền lớn khoảng hơn 300 tỷ (trong đó tiền gốc khoảng 100 tỷ đồng, số còn lại là tiền lãi 200 tỷ).
Bà Phạm Thị Hòa tại CQĐT. |
Để thu hút được các nhà đầu tư, Công ty cổ phần Sen Tài Thu vẫn sử dụng chiêu bài lãi suất cao, đánh bóng tên tuổi, huy động vốn bằng hình thức lấy tiền người vào trước trả cho người vào sau.
Theo tìm hiểu, Sen Tài Thu được thành lập từ ngày 16/4/1992 với tiền thân là Trung tâm chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu - Bệnh viện Châm cứu Trung ương, là cơ sở tiên phong trong lĩnh vực trị liệu Y học cổ truyền Việt Nam.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam (tên ban đầu là Công ty cổ phần Sengroup Wellness Việt Nam) mới được thành lập từ 5/12/2018 với số vốn điều lệ ban đầu là 31,98 tỷ đồng, trong đó bà Phạm Thị Hòa sở hữu 62,289% vốn góp; hai cá nhân khác sở hữu gần 40% vốn góp. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty khi đó là bà Nguyễn Thị Thùy Linh.
Đến tháng 12/2020, Sengroup Wellness Việt Nam chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam, đồng thời vốn điều lệ cũng tăng từ 31,98 tỷ đồng lên 160,35 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Hòa - Chủ tịch HĐQT của Sen Tài Thu - từng là người đại diện pháp luật của công ty từ 15/3/2021 đến 30/12/2022, sau khi vai trò người đại diện pháp luật chuyển cho người khác.
Không phủ nhận, Sen Tài Thu đã trở thành thương hiệu được biết đến ở Hà Nội, và bà Phạm Thị Hòa có công trong quá trình gây dựng, phát triển thương hiệu này.
Thế nhưng, cũng chính bà Hòa đã đánh mất tất cả mọi thành quả gây dựng, thậm chí gây ảnh hưởng đến tên tuổi, uy tín của cố giáo sư Nguyễn Tài Thu.
Theo CQĐT, lợi dụng tên tuổi, thương hiệu, uy tín Sen Tài Thu, bà Hòa cùng các đồng phạm đã tự ý nâng khống vốn điều lệ công ty, tự đưa ra doanh thu lợi nhuận của hệ thống không đúng thực tế để huy động vốn trái pháp luật.
Năm 2022, Nguyễn Thị Thùy Linh bàn bạc với Nguyễn Thị Lan Hương (khi đó là Tổng giám đốc) nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 31 tỷ lên 160 tỷ đồng để phát hành cổ phần; đưa ra các thông tin gian dối về tình hình hoạt động của công ty, lợi nhuận của công ty, mức lãi suất hấp dẫn để các nhà đầu tư chuyển tiền ký kết hợp đồng; chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng cam kết mua lại cổ phần; đồng thời sử dụng cổ phần cá nhân của bà Phạm Thị Hòa để huy động vốn, ký hợp đồng bán cổ phần cho các nhà đầu tư.
Để thu hút nhiều người đầu tư, Nguyễn Thị Lan Hương đã xây dựng đội ngũ sale (nhân viên tư vấn, bán hàng, kêu gọi đầu tư) và chính sách trả thưởng hoa hồng % rất cao trên giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần được ký. Sau khi nhận tiền, công ty cắt 7-30% cho các sale. Chưa kể lãi suất công ty đưa ra là trên 12%, cộng với thương hiệu nổi tiếng nhiều năm nay, nên nhiều người tin tưởng, đổ tiền vào các hợp đồng đầu tư và cứ người vào trước kéo người vào sau.
Ban đầu, nhà đầu tư gửi tiền vào được trả đầy đủ cả lãi và gốc. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, nhiều người đã không còn nhận được cả gốc và lãi.
Kết quả điều tra sơ bộ xác định từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2023, có hơn 400 nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với Phạm Thị Hòa thông qua khoảng hơn 1.000 hợp đồng, chuyển số tiền khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (giá trị trên hợp đồng) đến Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu.
Tại buổi làm việc của lãnh đạo Sen Tài Thu với khách hàng vào tháng 7/2023, lãnh đạo cấp cao Sen Tài Thu cho biết số tiền 1.021 tỷ đồng …không được kê khai vào doanh nghiệp và đã thất thoát ngoài sổ sách.
Rất nhiều trường hợp “đau đớn” bởi quá tin vào thương hiệu Sen Tài Thu và những lời hứa hẹn, những chiếc “bánh vẽ” mà bà Hòa cùng các cộng sự đưa ra.
Như trường hợp chị N.T.T. (Hà Nội), nhân viên quán ăn, lương vài triệu đồng, nhưng vì tin lời “tư vấn” mà chị đã rút toàn bộ 2 tỷ đồng tiền tiết kiệm để mua 17.000 cổ phần của Sen Tài Thu. Theo lời quảng cáo của nhân viên tư vấn, thì chuyển sang đầu tư bên Tập đoàn Sen Tài Thu lãi hàng năm sẽ là 12%, cao hơn nhiều lần so với gửi tiết kiệm, mà không phải ai cũng có cơ hội vì Tập đoàn chỉ huy động số vốn rất ít. Đến giờ, chị T. chỉ còn lại hai bàn tay trắng.
Hay như trường hợp bà Y. (trú ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); trước tháng 4/2021, vợ chồng bà có khoản tiết kiệm hơn 1,3 tỷ đồng ở ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó giám đốc trung tâm khách hàng cá nhân của ngân hàng này đã tư vấn cho bà chuyển toàn bộ số tiền sang Sen Tài Thu để nhận lãi suất là 12%/năm, thời gian gửi là 1 năm. Hưởng lãi suất chưa thấy đâu, giờ, bà Y. có nguy cơ mất trắng bạc tỷ…
Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự.