Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những hạn chế làm ‘xấu mặt’ K-Pop

Đạo nhạc, đạo ý tưởng, lời ca vô nghĩa…Những vấn đề này không chỉ làm K-Pop gặp sóng gió mà còn khiến hình ảnh dần xấu đi trong mắt khán giả yêu nhạc.

Đạo nhạc, đạo ý tưởng


Cho đến nay, tại Hàn Quốc vẫn chưa thiết lập được một hệ thống văn bản cụ thể để ngăn chặn những vấn đề xung quanh việc đạo nhạc. Điều này khiến tình trạng đạo nhạc ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Có lẽ chưa khi nào tại K-Pop lại xảy ra nhiều trường hợp sao chép nhạc, ý tưởng như 8 tháng đầu năm 2013. Từ những ngôi sao hàng đầu như SHINee cho đến thế hệ ca sĩ tân binh như Roy Kim, A.Pink, B.A.P… đều không tránh được sự việc đáng tiếc này.
B.A.P.

Vừa trở lại làng nhạc Hàn với MV bom tấn mang tên Bad man, B.A.P đã ngay lập tức gặp sóng gió. Theo đó, ca khúc chủ đề của nhóm bị cư dân mạng vạch trần là có quá nhiều điểm tương đồng với We Can Get It On – một bài hát ra mắt từ tháng 4/2008 của Shinhwa. Mang giai điệu nhạc hip hop độc đáo cùng bối cảnh hoành tráng, nếu không sự cố trên, chắc chắn Bad man sẽ trở thành một trong những ca khúc được yêu thích nhất những ngày gần đây.

Thê thảm hơn cả B.A.P, Kang Seung Yoon, cựu thí sinh K-pop star K2 vừa ra mắt chưa được bao lâu đã bị đưa lên thớt chặt chém vì lý do MV đầu tay của anh, It’s rain có phần giống với Hey Jude của The Beatles. Việc dính scandal ngay khi debut đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và con đường âm nhạc của Seung Yoon, tuy nhiên, trước vấn đề trên công ty quản lý YG vẫn không hề lên tiếng giải thích.

Kang Seung Yoon.

Nếu Seung Yoon, B.A.P điên đầu vì vấn đề đạo nhạc thì Crayon pop lại gặp rắc rối liên quan đến trang phục. Vốn là một tân binh không mấy tên tuổi, Crayon pop bỗng nhiên nổi tiếng tại K-Pop với ca khúc mang tên Bar bar bar. Ngoài giai điệu, nội dung có phần kỳ lạ, Crayon pop còn gây sốc khi sử dụng mũ bảo hiểm trong phần trình diễn. Tuy nhiên hình ảnh “độc nhất vô nhị” này ngay lập tức bị cư dân mạng nghi ngờ là bắt chước phong cách của nhóm nữ Nhật Bản Momoiro Clover Z.

Ca khúc càng vô nghĩa càng hot

Nếu có cuộc thi “những bài hát nhảm nhí và vô nghĩa nhất K-Pop”, có lẽ Bar bar bar sẽ dễ dàng đánh bật mọi đối thủ để giành ngôi vị quán quân. “Này mọi nguời, hãy theo tôi, hét to, nhảy lên, vui vẻ, nhảy lên nào mọi người...” là những câu văn xuất hiện chủ yếu trong bài hát. Không chỉ lộn xộn về mặt cú pháp, những ca từ trên còn hoàn toàn xáo rỗng về mặt ý nghĩa. Thế nhưng, chính sự kỳ quặc này cộng thêm vũ đạo và trang phục kỳ lạ đã giúp Bar bar bar được truyền tai với tốc độ nhanh chóng mặt và trở thành hiện tượng không chỉ ở làng nhạc xứ kim chi.

Crayon Pop.
Bên cạnh dòng nhạc điện tử bắt tai cùng phong cách cá tính, nhiều sắc màu, âm nhạc của f(x) còn được đặc trưng bởi những ca khúc có phần lời dễ thuộc dễ nhớ những không ai biết nó mang ý nghĩa gì. Từ các ca khúc xa xưa như Lachata, NuABO, Danger, Electric shock cho tới ca khúc gần đây nhất là Rum pum pum pum, f(x) đều dính phải trường hợp tương tự. Thế nhưng, kì lạ thay, hầu hết trong số chúng đều được đón nhận nống nhiệt. Thậm chí, MV Rum pum pum còn dễ dàng gom về 1 triệu luợt xem trên Youtube và giành hạng nhất trên các bảng xếp hạng, chương trình âm nhạc uy tín Hàn Quốc.

Ngoài f(x) tại K-Pop còn rất nhiều ca khúc vô nghĩa mà vẫn giữ thứ hạng cao như Roly poly (T-Ara), So cool (Sistar), To you (Teen top)...

F(x).

Sự nổi tiếng của Crayon pop và chiến thắng của f(x) cho thấy một thực tế là hầu hết khán giả yêu nhạc Hàn hiện nay đều chuộng phần giai điệu, vũ đạo hơn yếu tố truyền đạt cảm xúc và thông điệp mà người ca sĩ muốn gửi gắm. Đây chính là nguyên nhân khiến cho âm nhạc Hàn Quốc ngày càng kém chất lượng và đề cao tính giải trí hơn tính nghệ thuật .

Có tiền là có công bằng

Vị trí trên các bảng xếp hạng vốn là thước đo để đánh giá sự phổ biến và thành công của một ca khúc. Thế nhưng, chính thước đo đó lại đang bị fan nghi ngờ về tính chính xác và công bằng. Theo tiết lộ mới được đưa ra của tờ Ilgan sport, để trụ vững ở top 20 trong 4-5 ngày, các công ty sẽ phải chi ra 300.000 đô la Mỹ (khoảng 6 tỉ đồng) đối với nghệ sĩ nổi tiếng và 500.000 đô la Mỹ trong trường hợp “ma mới”.

Những nhà môi giới tham gia vào việc gian lận thứ hạng đều là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing nên họ có thể khiến một ca khúc tăng lên tới hàng trăm, thậm chí là hàng chục ngàn lượt nghe chỉ trong một thời gian ngắn. Một khi đã có được lượt nghe lớn, các thần tượng sẽ dễ dàng hơn trong việc chạm tay vào chiếc cup tuần danh giá của những chương trình âm nhạc như Music bank, Inkigayo, Music core... Nguyên nhân là do kết quả của những chương trình này phụ thuộc một phần rất lớn vào thứ hạng trên các bảng xếp hạng.

K-Pop đang dần trở thành một ngành công nghiệp đúng nghĩa khi yếu tố nghệ thuật – giá trị vốn có của âm nhạc đang dần bị thay thế bởi xu hướng thị trường và có sự ảnh hưởng lớn của giá trị đồng tiền.

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm