Những hình ảnh xấu của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế
Thứ ba, 22/5/2018 08:58 (GMT+7)
08:58 22/5/2018
Dù là điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế, du lịch Việt Nam vẫn tồn tại nhiều phản ánh tiêu cực do những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Việt Nam là điểm đến du lịch được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng. Theo thống kê của Tổng cục du lịch năm 2017, gần 13 triệu lượt khách quốc tế đã đến với Việt Nam. Năm 2018 cũng đón những tín hiệu khởi sắc từ ngành du lịch nước nhà khi lượng khách quốc tế trong tháng 4/2018 ước đạt hơn 1,3 triệu lượt khách. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, vẫn còn không ít hình ảnh xấu của một số "con sâu" trong ngành du lịch đã khiến những con số ấn tượng trong các năm vừa qua trở nên thiếu ý nghĩa.
Gần đây nhất là “Chuyến đi kinh dị” tới vịnh Hạ Long của nhóm du khách Australia. Lynne Ryan cùng nhóm bạn của cô đã quyết định du ngoạn vịnh Hạ Long, thông qua một đại lý du lịch. Chi phí cho chuyến đi 2 ngày của họ là 75 USD/người. Khác xa với quảng cáo, những gì nhóm du khách này nhận được là dịch vụ tồi tệ và chỗ ở xuống cấp: trên tàu du lịch có chuột, gián; nhà vệ sinh bẩn thỉu; máy lạnh hỏng. Ảnh: Facebook/Lynne Ryan.
Ngày 12/5, Jenny Kershaw, một nữ du khách đến từ Manchester, Anh, cũng đã than phiền trên Twitter của mình về sự thất vọng khi hình ảnh thực tế của khách sạn nơi cô tới ở, khác xa với những gì quảng cáo trên website trước đó.
Vấn đề càng trở nên nổi cộm hơn khi dân mạng soi kỹ vào dòng chữ "Welcome" thiếu chữ "E" trên bậc cầu thang của bể bơi. Nhiều người cho rằng điều này thể hiện sự cẩu thả "không thể chấp nhận" của các đơn vị làm du lịch. Được biết, vị khách này đã đặt khách sạn qua một trang trực tuyến.
Đầu tháng 4 năm nay, trong một tập của chương trình truyền hình thực tế Made in EXID mang tên Chợ Bến Thành, các thành viên của nhóm nhạc này đã tham gia trải nghiệm mua sắm và ăn uống. Công cuộc thưởng thức đồ ăn vặt tại Việt Nam lẽ ra đã rất thành công cho đến khi những cô gái tính tiền cho bữa ăn của mình. Chỉ với các món như bánh xèo, bún bò, nem nướng, rau muống xào và sinh tố xoài, hai thành viên LE và Hye Rin phải trả 430.000 đồng ở chợ Bến Thành.
Phản ứng bất ngờ của 2 cô gái đã tạo nên những ý kiến trái chiều.
Trước đó, đã có nhiều sự việc khiến hình ảnh du lịch Việt Nam hiện lên phản cảm trong mắt của du khách quốc tế. Chỉ cách đây mới hơn nửa năm, ngày 15/9/2017 vợ chồng ông Robert, khách du lịch người Hà Lan cũng đã có những kỷ niệm tồi tệ với Hà Nội. Với chuyến taxi từ phố Hàng Quạt đến bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), khoảng cách chừng 7 km, tài xế taxi đã yêu cầu vợ chồng du khách trả số tiền lên đến 870.000 đồng.
Cũng trong khoảng thời gian kể trên, du lịch ở thành phố biển Nha Trang đã
có những ấn tượng xấu. Cụ thể, ngày 25/07/2017 nhân viên nhà xe mà hai nữ du khách sử dụng dịch vụ vận tải đã hành xử to tiếng và đuổi họ xuống xe. Sự việc trên đã thực sự khiến không chỉ người làm du lịch chân chính bức xúc mà cả người dân thường cũng phản đối thái độ hành xử của người phụ xe.
Đêm 6/8/2017, một quán ăn tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng khiến 2 du khách người nước ngoài (1 người Thái Lan, 1 người Anh) bức xúc khi buộc thanh toán 460.000 đồng sau khi ăn 2 tô bún, 1 đĩa gỏi gà và 1 đĩa lòng gà. Bất bình vì phải trả số tiền quá cao so với các món ăn, hai du khách trên đã đến trụ sở Công an Phường 1 để khiếu nại. Ngay sau đó, lực lượng Công an Phường 1 đã đến chợ đêm để làm rõ vụ việc.
Câu chuyện buồn của du lịch Việt Nam những năm gần đây dường như vẫn chưa có hồi kết. Bên cạnh những sự việc nổi cộm, vẫn tồn tại vô số sự việc dù nhỏ khiến ngành du lịch vẫn chưa thể tạo bước phát triển vượt bậc. Nếu gõ từ khóa “Cần biết gì trước khi tới Việt Nam”, sẽ không thiếu những trang web, blog du lịch đem đến cho bạn hàng loạt lời khuyên bổ ích. Phần lớn trong số đó là lời khen dành cho thiên nhiên, con người và đất nước Việt Nam. Tuy nhiên 1/3 là tips để du khách “sống sót” ở Việt Nam.
Sẽ vẫn là những lời khuyên thông thường như không nên để đồ có giá trị ở khách sạn hay hostel; đừng nghe lời chèo kéo của người bán hàng rong hay đừng để bị “chặt chém”… Những tip du lịch tưởng như đã quá nhàm chán và trở nên bình thường nhưng lại nói lên một vấn đề: Du lịch Việt Nam vẫn chưa thực sự lột xác. Vậy khi nào hình ảnh Việt Nam mới thật sự trở nên đẹp đúng nghĩa trong mắt bạn bè quốc tế?
Hình ảnh thực tế khác xa quảng cáo, dịch vụ kém, chỗ ở tồi tàn là những gì nhóm du khách Australia trải qua trong 2 ngày du lịch tại nơi được cho là vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.
Sau thông tin về chuyến đi của nhóm khách Australia, chiều 21/5, Tổng cục Du lịch gửi công văn đề nghị UBND TP Hải Phòng kiểm tra thực trạng chất lượng của ngành du lịch nơi đây.