Rachel Williams, nạn nhân đã bị kẻ lừa đảo Anna Sorokin (còn có tên Anna Delvey) chiếm đoạt 62.000 USD, không còn muốn nói thêm về Sorokin, người cô từng xem là bạn, theo Vanity Fair.
Cô đã xóa những hồi ức về tình bạn tệ hại đó bằng một bài viết trên Vanity Fair và cuốn sách My Friend Anna.
Nhưng khi Netflix được cho đã trả 320.000 USD cho Sorokin để làm phim về cuộc đời cô, những điều Williams muốn quên lại bắt đầu sống dậy.
Và khi bộ phim lấy tên là Inventing Anna được công chiếu hôm 11/2, Williams đã rất sốc và khó chịu vì nhiều chi tiết trong câu chuyện bị biến tấu theo hướng đồng cảm với tội phạm lừa đảo.
Williams cho rằng Netflix và nhà sản xuất phim Shonda Rhimes đã nhìn nhận Sorokin là một người đặc biệt và thậm chí truyền cảm hứng. "Họ không coi cô ta là một kẻ phạm tội đã bị kết án với 8 tội danh, bao gồm tội trộm cắp cấp độ hai và cố gắng thực hiện hành vi trộm cắp cấp độ một".
Diễn viên Julia Garner thủ vai người thừa kế giả mạo Anna Sorokin trong phim "Inventing Anna". |
Khi tội phạm được tán dương
Sorokin lần đầu tiên trở thành tâm điểm chú ý vào mùa xuân năm 2018 sau một câu chuyện trên tạp chí New York của nhà báo Jessica Pressler. Theo Pressler, Sorokin đã sử dụng danh tính giả là "người thừa kế Anna Delvey sinh ra tại Đức" để thâm nhập giới giàu có ở Manhattan và sống xa hoa trong các khách sạn Soho.
Cô đã lên kế hoạch huy động vốn từ các ngân hàng để phát triển Quỹ Anna Delvey, một không gian nhà hàng và nghệ thuật hỗn hợp.
Sorokin cuối cùng bị bắt vào năm 2017 và bị xét xử vào năm 2019. Cô bị kết tội 8 tội danh và được trắng án 2 tội - bao gồm cả tội nghiêm trọng nhất là cố gắng ăn cắp hơn 1 triệu USD từ City National Bank.
Thẩm phán Diane Kiesel, người giám sát vụ án này, đã kết án Sorokin 4-12 năm tù, bao gồm cả 2 năm cô đã ở nhà tù Rikers Island trước phiên tòa.
Anna Sorokin bị xét xử với 8 tội danh liên quan đến trộm cắp và lừa đảo. |
Sau khi ra tù vào tháng 2/2021, Sorokin bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ quản thúc vì quá hạn thị thực.
Dựa trên bài báo của Jessica Pressler, Netflix xây dựng nhân vật Sorokin trong Inventing Anna do diễn viên Julia Garner thủ vai.
Để nhấn mạnh tính "nửa thật, nửa giả" của bộ phim, trước mỗi tập, nhà sản xuất đều cho chạy dòng chữ: "This story is completely true, except for all the parts that aren’t" (Tạm dịch: Câu chuyện này hoàn toàn có thật, ngoại trừ những phần hư cấu).
Đối với Williams, đó là một lời rũ bỏ trách nhiệm một cách trắng trợn. "Bộ phim rêu rao rằng nó là một câu chuyện có thật nhưng cũng chối bỏ tính xác thực ngay từ đầu. Một nửa sự thật thậm chí còn nguy hiểm hơn cả lời nói dối. Ranh giới thật giả mờ nhạt và khán giả chẳng thể biết đâu là sự thật, đâu là hư cấu nữa".
Nhiều chi tiết trong phim "Inventing Anna" được hư cấu. |
Kẻ lừa đảo muốn đến Hollywood
Trước khi Inventing Anna được phát hành vài ngày, Netflix còn cho ra mắt bộ phim The Tinder Swindler, cũng lấy cảm hứng từ kẻ lừa đảo khét tiếng Simon Leviev (tên thật Shimon Hayut).
Khác với Inventing Anna, The Tinder Swindler là phim tài liệu được tường thuật lại qua lời kể của những nạn nhân.
Thay vì trả tiền cho hung thủ, Netflix được cho đã thỏa thuận tài chính với Cecilie Fjellhoy, Pernilla Sjoholm và Ayleen Charlotte - những phụ nữ đã bị Simon lừa gạt hàng trăm nghìn USD.
Dù không hưởng lợi trực tiếp từ bộ phim, Leviev được cho đang tận dụng sự thành công của The Tinder Swindler để tìm kiếm cơ hội nổi tiếng ở Hollywood.
Simon Leviev khoe khoang cuộc sống sang chảnh sau khi ra tù. |
Trên Instagram cá nhân, Leviev tuyên bố sắp công bố câu chuyện từ góc nhìn của mình.
Theo TMZ, Leviev đã ký hợp đồng với quản lý nghệ sĩ Gina Rodriguez từ công ty Gitoni Inc., để chuẩn bị lấn sân vào lĩnh vực giải trí. Kẻ lừa đảo cho biết đang cân nhắc viết sách về cuộc đời mình, tham gia một show hẹn hò hoặc mở podcast để chia sẻ lời khuyên hẹn hò.
"Cảm ơn sự ủng hộ của các bạn. Tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của mình trong thời gian tới. Tôi đã tìm được cách tốt nhất để kể sao cho tôn trọng chính mình lẫn các bên liên quan. Cho đến lúc đó, xin hãy giữ một tâm hồn và trái tim rộng mở", Leviev viết trên trang cá nhân.
Sự thành công của The Tinder Swindler và Inventing Anna cũng cho thấy người xem dường như bị thu hút, thậm chí ám ảnh bởi những thể loại phim truyện liên quan đến tội phạm lừa đảo.
Nhiều nạn nhân bị Simon Leviev lừa gạt hiện phải sống trong cảnh nợ nần. |
Nhà trị liệu tâm lý F. Diane Barth cho biết có một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ khán giả xem vì họ có thể liên quan đến các nạn nhân. Những người khác cảm thấy cuốn hút vì trong khi xem, họ có thể tự nhủ: "Tôi sẽ không bao giờ làm điều đó. Tôi sẽ không bao giờ bị cuốn vào một vụ lừa đảo như vậy".
"Chúng ta cảm thấy rất dễ bị tổn thương trong thế giới hiện tại. Tôi nghĩ mọi người đang tìm mọi cách để tự trấn an rằng chúng ta không dễ bị tổn thương, rằng chúng ta không gặp nguy hiểm".
Còn Pamela Rutledge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông, nói rằng con người "có tâm lý chú ý đến nguy hiểm" và điều đó giải thích niềm đam mê mãnh liệt của chúng ta với thể loại phim tội phạm.
"Mọi người xem vì tò mò, vì muốn học được điều gì đó có thể bảo vệ bản thân. Ví dụ khi xem The Tinder Swindler, khán giả sẽ đặt mình vào vị trí nạn nhân để trải qua hành trình cảm xúc từ đồng cảm cho đến sợ hãi, lo lắng và cả hy vọng", bà Rutledge nói.