Từ TP.HCM về Quảng Bình ăn Tết vào ngày 26 tháng Chạp, Nguyễn Hà Thương (sinh năm 1996) dự định cuối tháng 2 âm lịch mới trở lại thành phố.
"Ra Tết, tôi đã xin nghỉ việc ở công ty cũ vì chính sách bắt buộc 100% nhân sự quay lại văn phòng. Trước mắt tôi chỉ muốn có chút thời gian nghỉ ngơi thay vì đi làm ngay. Khi quay lại thành phố, tôi dự định vừa học vừa làm nên không gấp gáp tìm việc mới", Thương nói với Zing.
Tình trạng thiếu lao động sau Tết luôn là bài toán đau đầu đối với các doanh nghiệp. Sau thời gian dịch bệnh kéo dài, xu hướng bỏ việc, nhảy việc, không muốn quay lại văn phòng nổi lên càng khiến nhiều ngành nghề thêm khan hiếm nhân lực.
Nhiều người trẻ chọn nhảy việc, bỏ việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết sau Tết, TP.HCM cần khoảng 45.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh thương mại, da giày, điện tử cơ khí, điện lạnh...
"Ngay sau Tết âm lịch, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên tổ chức sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện kết nối, giới thiệu người lao động đang ở các địa phương có nhu cầu trở lại thành phố và lực lượng lao động tại chỗ giới thiệu với các doanh nghiệp để có nguồn lao động ổn định", ông Lâm cho biết.
"Rơi rụng" nhân viên
Lâm Phương Linh, tuyển dụng nhân sự cho một công ty kinh doanh sản phẩm điện tử tại TP.HCM, cho biết sau Tết Nguyên đán hàng năm luôn là thời điểm phải tuyển lại khá nhiều nhân viên.
Năm nay, số nhân viên xin nghỉ việc sau Tết cao khiến bộ phận HR phải cố gắng tìm kiếm người thay thế.
"Từ giữa năm 2021, khoảng 20% nhân viên 'rơi rụng' do dịch bệnh kéo dài. Sau kỳ nghỉ Tết, có thêm 30% không trở lại làm việc. Bên cạnh những người nghỉ vì muốn tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp khác, có một số bạn chia sẻ sau hai năm dịch bệnh căng thẳng, họ muốn ở lại quê nhà và chưa có ý định quay lại thành phố".
Dân văn phòng quen với work from home sau dịch. Ảnh: Phương Lâm. |
Những vị trí mà công ty của chị Linh đang tuyển dụng là nhân viên bán hàng trực tiếp, telesales, sales admin, chăm sóc khách hàng và content marketing.
Theo chị Linh, trước đây công ty chủ yếu tuyển nhân sự làm việc toàn thời gian, nhưng sau dịch đã chuyển sang chấp nhận các bạn làm part-time hoặc làm việc từ xa (tùy thuộc đặc thù của vị trí công việc).
"Ngoài mức lương cạnh tranh trong thị trường, phía công ty tôi còn chú trọng vào việc linh hoạt thời gian và địa điểm làm việc cho nhân viên. Đào tạo nhân sự mới cũng là vấn đề chúng tôi rất quan tâm.
Để các bạn quen với nhịp độ công việc, hòa nhập nhanh với văn hóa công ty không phải dễ dàng. Chúng tôi cố gắng bảo đảm quyền và lợi ích cho nhân viên, đặc biệt trong thời điểm nhạy cảm khi dịch bệnh còn chưa kết thúc".
Tìm mọi cách để khuyến khích trở lại văn phòng
Với những ngành đang tăng trưởng mạnh và khát nhân lực như công nghệ thông tin, bài toán nhân sự vừa là cơ hội lẫn thách thức.
Nguyễn Ninh, đại diện bộ phận nhân sự của một công ty trong lĩnh vực IT tại TP.HCM, cho biết trong khoảng một năm nay, công ty của chị liên tục đăng tin tuyển người cho các dự án mới. Sau Tết, công ty này tiếp tục tuyển mới nhiều vị trí.
"Khi dịch bệnh căng thẳng, thành phố thực hiện giãn cách trong nhiều tháng vào năm ngoái là giai đoạn khó tuyển nhân viên nhất vì nhiều người còn e ngại nhảy việc. Tuy nhiên, sau đó, thị trường lao động nhanh chóng thích ứng và xu hướng nhảy việc bắt đầu trở lại.
Sau Tết Nguyên đán thực chất lại là lúc dễ tuyển dụng nhất vì nhiều người tìm kiếm cơ hội mới. Kế hoạch của công ty trong năm mới là tăng quy mô hoạt động nên chi phí cho tuyển dụng và đào tạo dự kiến có thể tăng gấp đôi".
Một số công ty đưa ra các chính sách mới nhằm khuyến khích người lao động trở lại văn phòng sau Tết. |
Chị Ninh cho biết một trong những điểm đáng lưu ý trong quá trình tuyển dụng nhân sự sau Tết là các ứng viên quan tâm hơn đến chính sách work from home của công ty.
"Trước đây hầu như ứng viên không đề cập đến vấn đề làm việc tại nhà hay đến văn phòng. Nhưng hiện tại, mọi người rất chú trọng việc công ty có bắt buộc trở lại văn phòng hay không. Sau thời gian dài dịch bệnh, hầu hết đều đã quen với làm việc từ xa hoặc một chính sách linh hoạt".
Hiện tại, công ty chị Ninh không bắt buộc 100% nhân viên quay trở lại văn phòng do hiểu được tình hình của nhiều nhân viên đã về quê khi thành phố thực hiện giãn cách trong thời gian dài.
"Nhưng để khuyến khích tinh thần tự nguyện, từ cuối tháng 11 năm ngoái cho đến tháng đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, công ty hỗ trợ thêm 50.000 đồng tiền ăn trưa/ngày cho những người chọn đến văn phòng làm việc".
Chị Ninh nói thêm chính sách này sẽ kết thúc trong tháng 3 tới. 100% nhân viên sẽ buộc phải trở lại văn phòng để đảm bảo năng suất lao động.