Ngày 25/1, một nhân viên 25 tuổi của gã khổng lồ công nghệ Tencent đã chỉ trích các cấp trên vì hoan nghênh văn hóa làm thêm giờ trong buổi đánh giá hàng năm của bộ phận. Người này cho rằng làm thêm giờ không nên được xem là điều đáng tuyên dương, theo Sixth Tone.
Lập trình viên này làm việc cho ứng dụng nhắn tin WeCom và chia sẻ quan điểm của mình trong một cuộc trò chuyện nhóm. Ảnh chụp đoạn chia sẻ nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.
"Các người nhất định phải bắt các nhà phát triển làm việc hơn 20 tiếng để tạo ra sản phẩm mình hài lòng sao? Ngày mai tôi sẽ từ chức", nam nhân viên viết, đề cập tài liệu thẩm định đã khen ngợi nhóm vì dành 20 tiếng mỗi ngày để hoàn thành mục tiêu công việc.
Những năm qua, lao động trong ngành công nghệ ở Trung Quốc đã đấu tranh chống lại văn hóa làm thêm giờ, phản đối các hành vi bóc lột của người sử dụng lao động. Lịch trình làm việc 996 - 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần - bị xem là nguyên nhân của nhiều cái chết do làm việc quá sức, dấy lên các cuộc thảo luận về quyền lao động và chiến dịch trực tuyến.
Văn hóa 996 là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua tại Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Trong ảnh chụp màn hình, nhân viên WeCom nói thêm rằng bạn thời trung học của mình, cũng là một lập trình viên, đã qua đời vì xuất huyết não sau khi làm thêm giờ.
Vào tháng 8/2021, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã đưa ra loạt phán quyết đảm bảo quyền lợi cho người lao động và tuyên bố văn hóa 996 là bất hợp pháp. Một số công ty công nghệ lớn bao gồm ByteDance, Meituan và công ty phát triển trò chơi thuộc Tencent cũng hạn chế làm thêm giờ và làm cuối tuần dù nhân viên cho rằng sự thay đổi là rất nhỏ.
Zhang, một lập trình viên khác tại Tencent, hoan nghênh người đồng nghiệp 25 tuổi đã lên tiếng phản đối văn hóa làm việc mệt mỏi. Anh cho biết ngành công nghiệp này cần có một "giải pháp triệt để" nhằm loại bỏ hoàn toàn 996.
"Đây không chỉ là vấn đề với Tencent mà còn với tất cả công ty công nghệ ở Trung Quốc. Chúng tôi phải liên tục cạnh tranh với các nhân viên khác để có được đánh giá tốt từ lãnh đạo. Đó là lý do chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài làm việc đến khuya mỗi ngày", Zhang nói, cho biết thêm anh thường làm việc theo ca hơn 10 tiếng từ thứ 2 đến thứ 6.
Văn hóa làm thêm giờ đặc biệt phổ biến ở các công ty công nghệ. Ảnh: Getty Image. |
Những chia sẻ đang lan truyền của đồng nghiệp Zhang một lần nữa khiến người lao động trong ngành công nghệ xích lại gần nhau, bày tỏ sự giận dữ và thất vọng của mình trên mạng xã hội. Nam nhân viên WeCom còn được nhiều người gọi là "anh hùng" vì đã dám thách thức các ông chủ của mình.
"Lời nói của anh ấy đã trực tiếp và gián tiếp cứu sống rất nhiều nhân viên công nghệ. Những nhân viên lâu năm vướng gia đình hay có khó khăn tài chính không dám lên tiếng khi đối mặt sự áp bức phải cảm ơn chàng trai này", một dân mạng viết.
Huang Tieming, giám đốc WeCom, cho biết ông "rất lấy làm tiếc" khi nhân viên của mình làm việc ngoài giờ. Ông đã đề xuất một cuộc cải tổ giờ làm việc, bao gồm cả một hệ thống đánh giá không dựa vào số giờ nhân viên làm việc.
“Tôi đánh giá cao phản hồi thẳng thắn của nhân viên, điều này thúc giục chúng tôi thực hiện điều chỉnh càng sớm càng tốt", Huang nói.