Trong tập 6, bộ tứ quyền lực Bo, Suti, Tê Giác và Trần Bờm nhận được thử thách là hái dâu tây và đem đi bán, lầy tiền mua quà cho người thân. Trong vòng 30 phút, các bé đã được hướng dẫn chi tiết cách hái dâu. Với sự tài trí và nhanh nhẹn, cậu bé Tê Giác hay hờn dỗi đã hái đầy một giỏ dâu, được bố hết lời khen ngợi. Suti, Bo và Trần Bờm tuy hái ít hơn, nhưng cũng rất hài lòng với thành quả của mình.
Các bé đi bán dâu trong Bố ơi, mình đi đâu thế?. |
Sau đó, các ông bố tích cực tư vấn cho các con thủ thủ thuật bán hàng để hấp dẫn người mua. Hoàng Bách "ra giá" cho con trai là 1kg dâu 100.000 đồng. Bố Lực thì "tham mưu" cho Bờm là bán từng quả một. Còn Minh Khang dặn Suti hãy dùng tên bố mẹ để PR cho mình. Tuy nhiên, các bé lại dùng chiêu của riêng mình để bán dâu, dưới sự hướng dẫn của "trưởng phòng kế hoạch kinh doanh" Phan Bo.
Cuối cùng Bo là người bán hết dâu đầu tiên. Còn Bờm, sau khi vất vả tính nhẩm giá tiền, anh chàng cũng bán hết và còn giúp Suti hoàn thành nhiệm vụ. Bộ tứ quyền lực đã có tiển để thỏa thích đi sắm đồ cho người thân.
Các bố xin tiền mua vé cho con đi du lịch bằng tàu hỏa
Trong khi các con đi bán dâu thì 4 ông bố nhận nhiệm vụ kiếm tiền mua vé cho con đi du lịch bằng tàu hỏa. Họ liên tục đề ra phương án - người hát, người cầm mũ xin tiền.
Minh Khang đề nghị một nhóm khán giả trả tiền cho việc vẽ hình ký họa cùng Phan Anh. Mọi người tản ra làm việc, còn bố Trần Lực thì rút lui với lý do mình đã già. Tuy nhiên, khi Minh Khang hát bài Đứa bé do anh sáng tác và kêu gọi mọi người ủng hộ họ, cũng như chuyến từ thiện của anh, Hoàng Bách tỏ ra bất đồng quan điểm và tức tối lớn tiếng với Minh Khang. Anh không muốn quyên góp tiền cho các con đi chơi mà lại nói là để làm từ thiện. Mâu thuẫn lớn dần khiến Phan Anh phải đứng ra hòa giải.
Như vậy, chiến lược của các ông bố phải thay đổi. Họ thống nhất giữ nguyên số tiền quyên góp được dành cho quỹ từ thiện của Minh Khang. Còn họ sẽ vào cửa hàng ven đường, xin "ứng trước" một món hàng để đem bán, sau đó tiền vốn sẽ được trả lại cho chủ cửa hàng, tiền lời sẽ mua vé cho các con.
Minh Khang chọn một bức tượng Phật, Phan Anh là một số chậu kiểng, còn Hoàng Bách lấy một bình hoa sặc sỡ để đi bán. Sau thời gian vất vả, các bố đều đã hoàn thành thử thách.
Các ông bố vất vả kiếm tiền. |
Bất ngờ lúc đó, Trần Lực bị ốm, ba ông bố còn lại thống nhất sẽ trích tiền để mua vé cho Bờm thì Phan Anh đã lấy được vé tàu mà không tốn tiền. Phan Anh đã gặp trưởng ga Đà Lạt và thuyết phục tài trợ, không những 4 vé cho các con, mà cả 4 vé cho bốn ông bố. Thấy vậy, các bố quyết định toàn bộ số tiền kiếm được là 470 nghìn đồng, sẽ bỏ vào thùng từ thiện ủng hộ nạn nhân chất độc da cam đặt tại ga Đà Lạt.
Các bố rửa xe, cắt tóc, bán bánh xèo
Rời Đà Lạt, bốn cặp bố con được giao cho thử thách mới tại cù lao Ông Hổ (An Giang) -kiếm tiền đi chợ trang trải sinh hoạt của họ trong 2 ngày. Cả nhóm được đưa đến tiệm bánh xèo, tiệm hớt tóc và tiệm rửa xe.
Nhiệm vụ của họ được chia ra như sau - Phan Anh mở quán bánh xèo, Trần Lực trổ tài cắt tóc, Hoàng Bách và Minh Khang rửa xe thuê. Bộ tứ quyền lực Suti, Tê Giác, Bờm và Bo sẽ chia nhau giúp đỡ các ông bố những công việc vặt. Đây quả là một nhiệm vụ thật sự khó khăn với các ông bố nổi tiếng của showbiz.
MC Phan Anh bán bánh xèo. |
Trong khi ông bố Trần Lực có vẻ khá nhàn nhã với tiệm hớt tóc kiêm mát xa miễn phí, Minh Khang – Hoàng Bách toát mồ hôi với công việc rửa xe. Nhưng họ có vẻ ăn nên làm ra khi khách ra vào tấp nập. Hoàng Bách còn được một vị khách trả hộ tiền cafe với điều kiện phải hát. Bố Phan Anh sau khi tập huấn các con cẩn thận, bắt đầu nhiệm vụ của mình.
Trong quá trình làm việc, Bo bị bố Phan Anh phạt vì không nghe lời ra mời khách vào quán ăn dù bố đã răn đe lẫn dỗ dành, khuyến khích mà Bo vẫn cương quyết không chịu. Lát sau, cô bé cũng đi mời khách với vẻ mặt không vui. Đến trưa, họ kiếm được số tiền kha khá. Tuy nhiên, do phải trả lại tiền vật liệu cho chủ quán nên họ chỉ đủ tiền mua mì gói và trứng.
Các bố đi đánh cá mang tiền về cho con đi chợ
Trong tập 13 của Bố ơi, mình đi đâu thế?, ba ông bố Trần Lực, Hoàng Bách, Phan Anh bất ngờ nhận nhiệm vụ ra biển đánh cá vào ban đêm. Riêng ông bố Minh Khang ở nhà chăm các con và không hề biết nhiệm vụ của những người còn lại.
Đối với họ, đây là một trải nghiệm chưa từng có. Mỗi người đều có những cảm nghĩ khác nhau. Trong khi đạo diễn Trần Lực bày tỏ thông cảm với nỗi lòng khi xa nhà của ngư dân thì MC Phan Anh lại cho biết anh rất hào hứng với cuộc sống của những người dân làng chài. Hoàng Bách bộc bạch anh rất yêu cuộc sống của những người trên biển.
Các ông bố tham gia đánh cá. |
Họ cùng tham gia vào cuộc sống ban đêm của ngư dân bám biển. Ba ông bố cởi trần, cùng kéo mẻ lưới đầu tiên. Công việc khá vất vả và họ chưa từng làm những việc nặng nhọc như thế này, nhưng Hoàng Bách, Phan Anh rất nhiệt tình. Còn bố Lực viện cớ mình "tuổi già sức yếu" nên không thể kéo lưới nhiều và tìm chỗ nghỉ ngơi.
Sau khi Phan Anh – Hoàng Bách lao động xong, chế biến cá nướng, mực nướng cho các anh em ngư dân, bố Lực mới thức giấc để cùng thưởng thức. Sáng sớm hôm sau, cả ba ông bố bất ngờ nhận được món tiền kha khá vì đã phụ giúp công việc của ngư dân.
Gia nhập thương trường: bán cao lầu
Trong tập 29, các cặp bố con nhận được nhiệm vụ tại phố cổ Hội An. Trong khi các con được phát một bản đồ ẩm thực để thưởng thức tất cả các món ăn tại đây, thì các ông bố hải tự học cách chế biến món cao lầu – món ăn nổi tiếng nhất ở xứ Quảng. Chưa hết, họ còn có nhiệm vụ khó nhằn hơn - bán hàng cho khách du lịch, trong đó phải có ít nhất 10 khách nước ngoài. Trong tập này chỉ còn Minh Khang, Hoàng Bách và Phan Anh. Riêng đạo diễn Trần Lực phải quay ra Hà Nội có việc gấp.
Các ông bố bán cao lầu. |
Để có thể hiểu được món ăn, các bố lên kế hoạch thưởng thức trước, sau đó mới quyết định "tầm sư học đạo". Bố Minh Khang, Hoàng Bách làm nhiệm vụ chế biến. Phan Anh tự nhận nhiệm vụ tường thuật cuộc tranh tài. Vì vốn bỏ ra là 900 nghìn đồng, nên cả nhóm có nhiệm vụ phải bán được 30 tô cao lầu. Với một gánh hàng, một xe ba gác, cả ba lên đường ra thương trường. Tiếc là dù đã vận dụng hết tài ăn nói, kể cả chặn xe khách đi đường nhưng các bố cũng chỉ bán được 200 nghìn đồng. Họ chấp nhận thua cuộc và quay về.
Trải qua tất cả những thử thách, bốn cặp bố con thêm hiểu được nỗi vất vả của những người lao động khắp mọi miền đất nước. Các bé ngày càng trưởng thành hơn, ngoan và yêu lao động hơn.