Nói với Zing.vn, ông Nguyễn Thái An - Quản lý Giải pháp Automotive của Luxoft Việt Nam cho rằng, kỹ sư trong nước không có lợi thế về công nghệ bởi ngành phần mềm xe hơi Việt xuất phát trễ hơn. Bù lại, họ có khả năng thích nghi với phong cách làm việc lại tốt hơn, nhất là với khách hàng châu Á.
Ông đưa ra ví dụ: Các kỹ sư châu Âu thường quen với lối làm việc rõ ràng. Đơn cử ở Đức, giai đoạn thiết kế rất rõ ràng, mạch lạc, khi đã hoàn thành, khách hàng thường dựa vào đó tiến hành các bước tiếp theo, ít thay đổi.
Ngược lại, các khách hàng ở châu Á như Nhật và Hàn Quốc thường bỏ qua các quy trình chặt chẽ, rất dễ thay đổi ý kiến, đường nét thiết kế ngay cả sau khi sản phẩm đã qua giai đoạn thử nghiệm.
Ông Nguyễn Thái An, Quản lý Giải pháp Automotive đang hướng dẫn về mô hình ứng dụng các giải pháp cho xe hơi tại Luxoft Việt Nam. |
Khác với châu Âu, các công ty châu Á thường chịu ảnh hưởng cả của các đội marketing hay bán hàng, do vậy người kỹ sư phải thay đổi theo rất nhiều. Trong khi nhiều kỹ sư châu Âu tỏ ra khó chấp nhận chuyện này thì kỹ sư châu Á, trong đó có Việt Nam lại thích nghi và hỗ trợ tốt hơn, nhờ vào tương đồng về phông văn hóa.
Khả năng hợp tác và phối hợp thời gian làm việc cũng là lợi thế. Theo ông An, các kỹ sư tại công ty phần mềm chỉ tham gia vào thiết kế, tùy theo yêu cầu khách hàng mà cách phối hợp khác nhau, do đó yêu cầu chung là sự hợp tác chặt chẽ giữa các đội kỹ sư tại nhiều nước trên thế giới.
Kỹ sư Việt Nam có lợi thế về múi giờ làm việc, gần hơn so với các đội tại Hàn Quốc Nhật Bản, do đó việc phối hợp sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, trình độ tiếng Anh cũng là kỹ năng đang được nâng cao dần.
Từng có nhiều năm theo đuổi lĩnh vực này, ông An cho rằng, tiềm năng của kỹ sư Việt Nam để gia nhập thị trường quốc tế vẫn còn rất lớn. Một lợi thế khi làm việc tại các công ty phần mềm về xe là người kỹ sư không cần biết nhiều kiến thức về xe, hệ thống mà sẽ được huấn luyện bởi công ty.
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện tại, với sự phong phú của các thể loại media, video, người kỹ sư đã dễ dàng tiếp cận và hiểu được cơ chế hoạt động cơ khí như hệ thống truyền động, máy móc… so với những cách đào tạo trước đây.
Một bộ phần mềm cho ôtô kết hợp với hệ thống giải trí được các lập trình viên Việt Nam xây dựng. |
Hiện tại đội ngũ kỹ sư Việt Nam tại Luxoft là 35 người, trong đó có 11 người thường xuyên công tác ở nước ngoài. Đây là đội ngũ mới, chỉ thành lập trong vòng chưa đến 2 năm.
Ngành công nghiệp phần mềm xe hơi tại Việt Nam xuất hiện khá muộn, do đó cần nhiều thời gian để tăng cả về chất lượng lẫn uy tín trên thị trường thế giới. Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore đang là những cái tên lớn trên thị trường này, Việt Nam đã có nhiều công ty thí điểm hoạt động chuyên sâu lĩnh vực trên nhưng chưa mấy thành công. Trong tương lai gần, các hãng sẽ tạo xu thế nâng cao chuyên môn cho nhân viên, từ đó cũng tạo nên tiếng tăng trên thị trường thế giới.
Vấn đề uy tín là một thách thức lớn, các hoạt động trong ngành này chia là 2 nhóm: Giải pháp và dịch vụ, các hoạt động giải pháp mang lại giá trị, lợi nhuận cao nhưng chủ yếu tập trung lại châu Âu, nơi các trung tâm khoa học phát triển mạnh.
Tương tự, Việt Nam nằm khá xa trung tâm phần mềm thế giới, khách hàng chưa thấy lợi thế của nước ta với Đông Âu, kể cả lợi thế về giá, bởi trong ngành công nghiệp cao cấp, yêu cầu về chất lượng luôn được đặt trên yêu cầu về giá thành.
Ngành công nghiệp sản xuất xe hơi tại Việt Nam còn yếu kém, vì thế khách hàng cũng dè dặt khi đặt hàng, bởi đây là ngành công nghiệp yêu cầu chính xác cao, người kỹ sư nếu không hiểu rõ hệ thống dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Thị trường phần mềm xe hơi trong nước cũng đang có dấu hiệu tăng sức cạnh tranh. Harman, LG đang tiến dần vào Việt Nam; vài tên tuổi phần mềm trong nước cũng tạo tiếng vang nhất định, ký được các hợp đồng giá trị ở thị trường miền Bắc, cùng với LG hay vài khách hàng tại Singapore.
Nhiều tên tuổi Việt Nam đã có những thành công nhất định, xu hướng nâng cao chất lượng nhân lực cũng từ đó xuất hiện. |
Ông An đánh giá mảng automotive có nhiều tiềm năng công nghệ hơn so với ngành kỹ thuật truyền thống. Dù còn non trẻ, ngành automotive của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu: 25 thương hiệu xe trên thế giới đã có dấu ấn các mã lập trình của Luxoft Programmer, họ cũng có tham gia vào phát triển vài mẫu xe cao cấp của Đức, Nhật và Hàn Quốc.
Các công nghệ phần mềm cũng được chuyển giao về Việt Nam nhiều hơn, với các kỹ sư nước ngoài sang để huấn luyện và cùng làm việc. Do đó, các kỹ sư Việt có nhiều cơ hội tham gia vào bất kỳ dự án nào, dù cho công nghệ cao hay thấp.
Tuy vậy, bất lợi của các kỹ sư theo ngành này là nó quá khác biệt và rất ít sách vở chuyên ngành, kể cả tài liệu nước ngoài. Các trường đại học Việt Nam cũng chưa đủ khả năng đào tạo chuyên sâu chuyên ngành này, hiện tại đa số chỉ dừng lại ở công nghệ lắp đặt, một phần do nhu cầu đào tạo chưa lớn. Đó là một mối quan hệ hai chiều, do đó chúng ta chưa khai thác được tiềm năng phát triển của thị trường.