Mới đây, Binz gây chú ý khi xuất hiện tại một sự kiện âm nhạc trong chiếc áo lông dày xụ, màu hồng nổi bật.
Một số dân mạng khen mẫu áo khiến cho nam rapper nhìn "chất ngầu". Bên cạnh đó, vài người nhận xét kích thước, sức nặng của thiết kế khiến anh tốn nhiều sức và nhanh mệt, đặc biệt là trong thời tiết nóng bức ở Hà Nội vào dịp cuối tuần vừa qua.
Giống như dây chuyền to bản hay mũ snapback, áo lông là món đồ thường thấy trong tủ đồ của những người đam mê hip hop. Kiểu áo khoác này được nhiều rapper nổi tiếng như Kanye West, Drake, Gucci Mane... lăng xê.
Binz diện áo lông màu hồng, có kích thước lớn lên sân khấu trình diễn. Ảnh: @binzpoet. |
Áo lông và hip hop
Lông động vật được xếp vào hàng những chất liệu may mặc đắt đỏ nhất thế giới. Vì vậy, trong nhiều thập kỷ qua, nó trở thành biểu tượng thượng lưu.
Có sở thích sưu tập những món đồ xa xỉ, nhiều ngôi sao như Marilyn Monroe hay Aretha Franklin không thể bỏ qua trang phục được may từ lông thú. Theo Medium, chúng thể hiện địa vị cao quý.
Giàu sang và nghèo đói là nghịch lý luôn tồn tại song song, việc mặc lên mình váy áo đắt tiền trở thành cách cho mọi người thấy thành công họ đã đạt được.
Rapper Cam'Ron mặc áo khoác lông thú. Ảnh: Discogs, Dazed. |
Mẫu áo khoác này có giá thành cao thấp tùy vào chất liệu của lông từ cáo, chinchilla đến chồn. Chúng bắt đầu được các rapper ưa chuộng từ những năm 2000, thường xuyên xuất hiện trong loạt hit đình đám.
Một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng của giới hip hop phải kể đến khi rapper Cam'Ron tham dự Tuần lễ thời trang New York 2002.
Anh diện áo lông màu hồng ngọt ngào, kết hợp cùng băng đô ăn nhập và cầm trên tay chiếc điện thoại nắp gập cổ điển. Diện mạo ấy nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng. Giới trẻ bắt đầu bắt chước, thậm chí hóa trang thành Cam'Ron, trong các bữa tiệc Halloween.
Tới năm 2010, Kanye West là người đại diện cho kỷ nguyên áo lông thú mới.
Đặc biệt, vào năm 2017, anh cho ra mắt bộ sưu tập Yeezy Season 5 với sự xuất hiện của các thiết kế làm từ lông động vật. Show diễn này sau đó vướng phải phản đối gay gắt từ những hội nhóm bảo vệ động vật.
Mẫu áo lông thú trong bộ sưu tập trình làng năm 2017 của Kanye West. Ảnh: Perez Hilton, Dazed Digital. |
Chất liệu gây tranh cãi
Nhà thiết kế Dapper Dan thừa nhận áo khoác lông thú đã mở đầu những ngày tháng huy hoàng trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, ông cũng dần nhận ra chất liệu này không bền vững.
Khi làn sóng bảo vệ động vật càng mạnh mẽ, áo lông cũng vì thế mất chỗ đứng. Hầu hết rapper như Cardi B hay Big Boi sử dụng loại trang phục này đều bị lên án gay gắt.
Rosé (BlackPink) cũng từng bị chỉ trích sau khi đăng ảnh khoác áo lông đến từ Saint Laurent. Dân mạng cho rằng hành động của nữ thần tượng Hàn Quốc sẽ khuyến khích các nhãn hàng làm trang phục trên thân xác động vật, đồng thời khiến người hâm mộ có suy nghĩ lệch lạc.
Tuy nhiên, fan nhanh chóng minh oan cho cô. Họ tìm ra Saint Laurent đã ngừng sử dụng lông thú thật từ lâu và sản phẩm thành viên BlackPink mặc là lông giả.
Những người phản đối áo lông thú. Ảnh: Getty. |
Những người yêu động vật cho rằng hành động dùng lông thú trong thời trang là man rợ, lãng phí và có thể khiến nhiều giống loài vốn có tên trong sách đỏ rơi vào bờ vực tuyệt chủng.
Năm 2019, luật về cấm buôn bán lông thú tại thành phố New York (Mỹ) đã được đề xuất. Sau đó, chính quyền California (Mỹ) chính thức đưa ra lệnh cấm tương tự.
"Việc mặc đồ lông thú đã trở thành một phần văn hóa của chúng tôi", một phụ nữ da màu chia sẻ với The Australian.
Thời kỳ lông thú thống trị các sàn diễn thời trang dần lụi tàn. Hàng loạt tên tuổi lớn như Gucci, Michael Kors, Jimmy Choo, Tommy Hilfiger, Versace chính thức cam kết ngưng sử dụng chất liệu lông thú thật trong sản xuất và thiết kế.
Thay vào đó, họ sử dụng chất liệu lông nhân tạo. Ưu điểm của loại lông này là bảo vệ động vật, dễ bảo quản, có thể nhuộm được nhiều màu sắc bắt mắt theo ý muốn của nhà thiết kế.
Dù vậy, một số dân mạng cho rằng lông nhân tạo vẫn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Khi giặt chất liệu này, chúng tạo ra những sợi có kích thước siêu nhỏ không thể phân hủy. Chúng đi qua nhà máy nước thải và ra biển, đe dọa môi trường sống của các loài động vật dưới nước.