Những ngày qua, dư luận trong nước phẫn nộ khi xem loạt video học sinh tại một trường THCS ở tỉnh Tuyên Quang vây cô giáo vào tường, văng tục và buông lời khiêu khích.
Khi vụ việc được đưa lên mạng, nhiều giáo viên, nhà giáo dục đau lòng vì ngành giáo dục xảy ra những vụ việc gây tổn thương cả cô lẫn trò. Họ nói rằng những năm gần đây, chuyện học sinh tấn công giáo viên xảy ra không ngừng vì cán cân giáo dục đang mất đi sự công bằng, thầy và trò cũng mất kết nối nên không thể hiểu nhau.
Thực tế, Việt Nam không phải nơi duy nhất xảy ra những vụ việc đau lòng như vậy. Nhiều nơi trên thế giới, tình trạng học sinh bắt nạt, tấn công giáo viên cũng xảy ra rất nhiều và dẫn đến cái kết đau đớn hơn. Người thì bị thương, tàn tật vĩnh viễn, người chọn cách rời ngành vì cảm thấy không được bảo vệ.
Cô Joan Naydich bị học sinh 17 tuổi đánh đến mức gãy xương sườn. Ảnh: Fox News. |
Bị học sinh đánh, đe dọa
Gãy 5 xương sườn, mất thính giác một bên tai, không thể nói nhanh, gặp vấn đề về thần kinh, đây là những điều mà Joan Naydich (57 tuổi), giáo viên ở bang Florida (Mỹ) phải chịu đựng sau khi bị một học sinh 17 tuổi cao lớn đánh đập dã man vào tháng 2/2023.
Hôm đó, Naydich đã yêu cầu học sinh Brendan Depa (khi đó mới 17 tuổi) ngừng chơi Nintendo Switch. Không hài lòng trước yêu cầu của giáo viên, nam sinh cao 1,98 m, nặng gần 120 kg đã tấn công cô giáo ngay lập tức.
Theo hình ảnh do camera ghi lại, Depa đã ném cô giáo xuống đất rồi sau đó đánh, đạp liên tiếp vào người cô giáo cho đến khi cô bất tỉnh.
Naydich phải nằm viện điều trị một thời gian dài. Đến tháng 8/2023, cô mới trở lại làm việc. Nhưng chỉ vài ngày sau khi nhận việc mới, cô lại bị cho nghỉ việc không lương, theo New York Post.
Queentiwa, giáo viên tại một trường tư thục ở Hàn Quốc, may mắn hơn vì không bị học sinh đánh, nhưng cô cũng từng bị một em kề kéo vào cổ và buông lời đe dọa.
Kể lại trong một video được đăng trên YouTube, Queentiwa cho biết nơi cô dạy tập trung những đứa trẻ con nhà giàu, cha mẹ là người nổi tiếng hoặc người có quyền lực.
Một lần, Queentiwa đứng ra bảo vệ học sinh bị bắt nạt và cố giải quyết một vụ bạo lực học đường. Thế nhưng, càng cố can thiệp, Queentiwa càng gặp rắc rối. Lần cô bị học sinh kề kéo vào cổ cũng là do cô nhúng tay vào chuyện học sinh bắt nạt bạn bè.
Ở Hàn Quốc, làm giáo viên được ví như tham gia môn thể thao mạo hiểm vì thiếu quyền lợi, thiếu sự tôn trọng từ học sinh và phụ huynh. Giữa tháng 7 vừa rồi, dư luận Hàn Quốc dậy sóng trước vụ việc một giáo viên tiểu học bị học sinh lớp 6 hành hung đến mức phải điều trị tâm lý.
Theo Korea Herald, học sinh lớp 6 này từng hành hung giáo viên nhiều lần. Vụ gần nhất xảy ra vào tháng 7 khi cô giáo này cố gắng thuyết phục học sinh tham gia buổi tư vấn nhưng học sinh lại từ chối với lý do muốn tham gia lớp thể dục.
Nổi điên vì bị giáo viên "làm phiền", học sinh này đã chửi, ném đồ vào người cô giáo rồi sau đó đấm hàng chục lần vào người cô trước sự chứng kiến của những học sinh khác. Kết quả, nữ giáo viên bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn và phải điều trị tâm lý 3 lần mỗi tuần.
Năm 2022, Hàn Quốc từng thực hiện một khảo sát với gần 9.000 giáo viên các cấp. Trong số đó, 61,3% giáo viên cho biết họ từng bị học sinh bắt nạt bằng lời nói hoặc bị lạm dụng thể chất. Nhiều giáo viên cho biết họ thường xuyên bị học sinh buông lời xúc phạm.
Cũng trong năm 2022, Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc cho biết chỉ trong năm 2021, nước này ghi nhận 347 trường hợp học sinh có hành vi bạo lực với giáo viên. Năm 2018, con số này chỉ ở mức 165 trường hợp.
Mỹ cũng ghi nhận những con số tương tự. Năm 2022, Education Week thực hiện một khảo sát với hơn 1.000 giáo viên, lãnh đạo giáo dục bậc phổ thông tại Mỹ. Kết quả, cứ 10 người thì 4 người nói rằng họ bị một học sinh tấn công về mặt thể chất trong năm 2021.
Hiệu trưởng là người có nhiều khả năng bị học sinh tấn công nhất (khoảng 20%), con số này ở giáo viên là 8% và lãnh đạo học khu cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực từ học trò, khoảng 5%.
Giáo viên ở Hàn Quốc tự tử vì không chịu nổi sức ép từ học sinh và phụ huynh. Ảnh: CNN. |
Giáo viên không được trao quyền để phạt học sinh
Bàn về tình trạng ngày càng nhiều học sinh tấn công giáo viên, giáo sư tâm lý học đường Amanda B. Nickerson tại Đại học Buffalo (Mỹ) nói rằng sức khỏe tâm thần của trẻ ngày càng suy giảm, tỷ lệ tự tử cũng tăng trong 10-15 năm gần đây.
Theo ông Nickerson, dịch bệnh, bạo lực, tổn thương chủng tộc là những nguyên nhân tác động sâu sắc đến tâm lý học sinh. Bức tranh sức khỏe tâm thần của trẻ vốn đã mong manh, nay lại còn yếu ớt hơn vì bị quá nhiều vấn đề gây ảnh hưởng.
Nhưng đó mới chỉ là khía cạnh tâm lý. Các chuyên gia giáo dục còn cho rằng giáo viên bị học sinh coi thường, tấn công vì họ đang mất đi quyền dạy dỗ học sinh. Họ không được trao quyền để phạt trẻ dù nhiều em có hành vi không đúng mực.
Trao đổi với New York Post, Daniel Buck, cựu giáo viên tại một trường công lập ở Wisconsin (Mỹ), nói rằng các chính sách không phạt trẻ do nhà trường đặt ra đã tạo ra sự hỗn loạn trong môi trường học đường.
Thầy giáo này đề cập đến một phương pháp kỷ luật mới ở trường học Mỹ là restorative justice (tạm dịch: Công lý phục hồi). Đây là phương pháp kỷ luật nhẹ nhàng hơn dành cho học sinh, các em sẽ không bị đình chỉ hay đuổi học nếu nhà trường áp dụng phương thức này.
Thông thường, công lý phục hồi tập trung vào hòa giải, thỏa thuận chứ không trừng phạt. Nhà trường sẽ cho học sinh gặp những người các em gây ảnh hưởng để thảo luận và tìm ra giải pháp giải quyết. Tuy nhiên, công lý phục hồi không mang lại hiệu quả như mọi người vẫn mong đợi.
Steve Carpentier, giáo viên THPT ở bang Texas (Mỹ), người từng bị học sinh đấm vào mặt vì yêu cầu em đó không dùng điện thoại trong giờ học, nói rằng học sinh ngày nay có mắc lỗi cũng chỉ nhận một cái đánh nhẹ vào tay hoặc cùng lắm là bị đình chỉ học vài ngày, thay vì phải nhận những hình phạt nặng hơn cho lỗi sai của mình.
"Rồi tóm lại những hình phạt kiểu thế thì dạy học cho học sinh điều gì vậy", thầy giáo đặt câu hỏi.
Giáo viên Hàn Quốc đã được phép tịch thu điện thoại của học sinh. Ảnh: Wall Street Journal. |
Hàn Quốc cũng tương tự. Trước đây, giáo viên bị cấm đưa ra hình phạt cho học sinh. Quyền của học sinh luôn được đề cao quá mức khiến giáo viên mất đi những quyền lợi quan trọng và họ cũng không còn nhận được tự coi trọng từ học sinh.
Mãi đến năm 2023, lệnh cấm này mới được thay đổi. Sau cái chết của cô giáo 23 tuổi vì bị học sinh, phụ huynh bắt nạt ở Seoul và vụ giáo viên bị học sinh lớp 6 hành hung ở Busan, hàng nghìn giáo viên đã đứng lên biểu tình để đòi quyền lợi cho nhà giáo.
Kể từ đó, Hàn Quốc quyết định cho phép giáo viên dùng hình phạt thể chất với học sinh trong trường hợp học sinh có hành vi bạo lực hoặc khi giáo viên dùng các biện pháp bằng lời nói nhưng không có tác dụng. Họ cũng có thể tịch thu điện thoại của những học sinh ngỗ ngược và đuổi học sinh ra khỏi lớp học.
Tuy nhiên, quy định mới của Hàn Quốc vẫn có lỗ hổng. Dù giáo viên được quyền phạt, học sinh và phụ huynh vẫn có thể phản đối phương pháp dạy dỗ của giáo viên với hiệu trưởng thay vì nộp đơn khiếu nại trực tiếp.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng quy định này sẽ không hoàn toàn bảo vệ giáo viên khỏi sự ngang ngược vô lý của phụ huynh. Luật sư Kim Ji-yeon nói với Korea Herald rằng sự thiếu thống nhất trong phương pháp giáo dục cũng là nguyên nhân gây ra mối quan hệ bất hòa giữa giáo viên và lãnh đạo trường.
"Dù giáo viên có quyền kỷ luật học sinh, hiệu trưởng vẫn có thể ra lệnh để giáo viên phạt nhẹ hơn. Giáo viên sẽ phải chịu áp lực vì phải tuân theo mệnh lệnh của một số hiệu trưởng - những người chỉ muốn giải quyết cho xong chuyện để trốn tránh trách nhiệm", bà Kim nêu quan điểm.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.