Là chương trình khởi nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm, Shark Tank thu hút nhiều nhà đầu tư và start up tới tìm cơ hội phát triển.
Bên cạnh những start up có tiềm năng, hứa hẹn khả năng sinh lời lớn, không ít nhà khởi nghiệp mắc sai lầm trong việc định giá công ty, đưa ra mức gọi vốn khiến nhiều Shark "cạn lời".
Bị gọi là "người ngoài hành tinh"
Trong tập 6 mùa 3 phát sóng ngày 28/8, start up về y tế DrExpedia tới kêu gọi 5,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần.
DrExpedia bị từ chối đầu tư vì gọi vốn "trên trời". Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam. |
Theo CEO & Co Founder Kim Phụng, mục tiêu của DrExpedia là giúp các bác sĩ có thêm thu nhập, giúp bệnh nhân có thể giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh và tạo ra các sản phẩm ứng dụng cho y tế.
Bên cạnh đó, 3 sản phẩm chính dự án hướng tới là: nền tảng y tế chia sẻ DrExpedia.com kết nối người dùng với y, bác sĩ; phần cứng được thiết kế dưới dạng OEM; DrExpedia Cloud - giải pháp số hóa cho các doanh nghiệp.
Chưa đợi phần trình bày của hai nữ founder kết thúc, Shark Bình ngỏ ý chốt deal sớm bằng lời từ chối đầu tư.
Ông còn gọi hai nữ founder là "người của hành tinh khác" khi đưa ra lời gọi vốn quá cao cho một start up thậm chí chưa phải là công ty.
"Các em là những sinh viên y khoa chưa có kinh nghiệm nhưng đã tiếp xúc với quá nhiều thuật ngữ công nghệ rồi tự định giá 110 tỷ", Shark Bình nói.
Shark Liên cũng đồng tình: "Đến giờ, tôi vẫn không biết các bạn bán gì, có gì mà tự định giá công ty hơn 100 tỷ".
Kết thúc màn gọi vốn, DrExpedia không được vị "cá mập" nào đầu tư.
"Em đừng ngáo giá"
Cũng xuất hiện trong tập 6 Shark Tank mùa 3, founder công ty Khánh Trình tới kêu gọi 5 triệu USD cho 10% cổ phần.
Sản phẩm chủ chốt của Khánh Trình là khung xếp đa năng giúp khách hàng kéo giãn cột sống, giúp trẻ em tăng chiều cao hiệu quả, giúp người dùng có thể tập thể thao tại nhà.
Bên cạnh đó, sản phẩm còn có thể làm khung treo thảm tập yoga trên không, treo võng, xích đu cho trẻ em vui chơi.
Theo lời founder, công ty này đã xuất khẩu hơn 1.000 sản phẩm tới hơn 40 quốc gia, mỗi bộ sản phẩm có giá hơn 7 triệu đồng và hiện đạt được doanh thu một tỷ đồng mỗi tháng, trong đó có 35% lợi nhuận.
Sản phẩm của Khánh Trình được các Shark nhận xét là không có gì đặc biệt. Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam. |
Sau màn giới thiệu của Lê Nguyễn Khánh Trình, Shark Bình thắc mắc: "Không hiểu start up Việt Nam bây giờ bị 'ngáo giá' hay sao ấy nhỉ?".
Vị "cá mập" cho rằng với doanh thu hiện tại, công ty Khánh Trình chỉ có giá trị khoảng 30 tỷ đồng.
Shark Hưng cũng cho rằng sản phẩm này quá đơn giản, chỉ là mấy khung sắt mà kêu gọi tới 5 triệu USD - một mức giá "điên rồ".
Có chung ý kiến rằng start up này không thực tế, các Shark đều từ chối đầu tư cho Khánh Trình.
Ra về tay trắng vì bị nghi "nổ" quá đà
Xuất hiện trong tập 5 mùa 3, Tommy Phạm, đồng sáng lập của Lass Group, tới gọi vốn 5 triệu USD cho 10% cổ phần.
Theo giới thiệu, công nghệ của Lass Group là hệ thống giám sát (tracking system), phục vụ việc quản lý của chính chủ các nước trên thế giới. Năm 2018, hệ thống này có thể theo dõi một triệu đối tượng, tối ưu hơn cả Palantir - công nghệ từng giúp quân đội Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden.
Bên cạnh đó, nam CEO cho biết đây là sản phẩm của anh em giáo sư Võ Bá Ngự và Võ Bá Tường – người nhận giải thưởng Eureka của Australia trong lĩnh vực an ninh quốc gia và quốc phòng năm 2010.
Tommy Phạm định giá công ty lên tới 50 triệu USD. Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam. |
Tommy Phạm chia sẻ tham vọng đưa Lass Group trở thành công ty tầm cỡ thế giới, sánh ngang với Google, Amazon.
Sau màn giới thiệu hoành tráng, các Shark yêu cầu Tommy Phạm đưa ra bằng chứng chứng minh lời nói của mình là sự thật. Tuy nhiên, nam CEO từ chối và nói chỉ đồng ý cho xem nếu các Shark ký hợp đồng.
Bên cạnh đó, Tommy Phạm cũng không nhận được phản hồi khi gọi điện cho hai nhà đồng sáng lập để chứng minh quan hệ.
Mập mờ trong việc chứng minh doanh nghiệp và con số gọi vốn quá cao, Tommy Phạm không nhận được cái gật đầu của "cá mập" nào.
"Trước khi nhìn lên trời phải nhìn xuống đất"
Một trong những màn gọi vốn gây tranh cãi ở mùa 2 là Smartlog - công ty chuyên tư vấn, số hóa hoạt động logistics cho doanh nghiệp - với lời mời chào 116 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần.
Theo CEO Trần Duy Khiêm, tại thị trường Việt Nam có khoảng một triệu xe tải thì mỗi ngày, 70% lượt xe chạy về là xe chạy rỗng, tổn thất 2 giờ/chuyến.
Đây là cơ hội để Smartlog có thể thay đổi ngành logistics Việt Nam và thế giới.
Nam CEO cũng được cho là có phần thách thức dàn "cá mập" khi cho rằng thị trường Việt Nam hiển nhiên trong tay mình, và muốn dành cơ hội đầu tư vào công ty trước tiên cho các nhà đầu tư Việt Nam.
Duy Khiêm - CEO Smartlog - đưa ra lời mời chào 116 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần công ty. Ảnh cắt từ clip. |
Tuy nhiên, tuyên bố hùng hồn là vậy, doanh thu của start up này trong năm 2017 lỗ khoảng 4 tỷ đồng.
Trước màn trình bày được nhiều người cho là "ảo tưởng sức mạnh", các Shark đều thẳng thừng từ chối.
“Start up thì nên có tham vọng như cách mà em đang tham vọng, anh cũng muốn điều đấy. Tuy nhiên, nên thực tế và bắt đầu từ những việc nhỏ. Lần sau em có thể giải thích rõ hơn những cái em dự định làm. Dựa trên cái đó thì mới có bức tranh lớn để người ta hiểu em đang định làm gì”, Shark Dũng nói.
Đồng quan điểm, Shark Việt đưa ra lời khuyên: "Trước khi nhìn lên trời thì phải nhìn xuống đất”.