Nghề đóng thế ở Việt Nam
Không chỉ ở Việt Nam, cascadeur - diễn viên đóng thế là một công việc đặc thù, tay nghề cao hay thấp đều được thể hiện trên màn ảnh qua các pha hành động mạo hiểm. Hầu hết những cảnh quay đánh đấm, nhào lộn, nhảy lầu, té xe, rượt đuổi, thậm chí toàn thân bốc cháy… khiến khán giả thích thú khi xem phim đều do các cascadeur đảm nhận. Bởi quá ít diễn viên chuyên nghiệp đủ sức, đủ gan tự đóng, hoặc các đạo diễn không muốn cho diễn viên của mình mạo hiểm nên cần đến cascadeur.
CLB Cascadeur Quốc Thịnh hiện là đội ngũ diễn viên đóng thế chuyên nghiệp và thành công ở TP.HCM. |
Nếu như ở phía Bắc, các cascadeur thường hoạt động riêng lẻ, ai giỏi PR sẽ được nhận nhiều hợp đồng, thì ở trong Nam, đơn vị làm phim thường tìm đến các CLB Cascadeur chuyên nghiệp. Theo thống kê của Hội Điện ảnh TP.HCM, hiện nay, ở Sài Gòn có khoảng 300 cacasdeur, trong đó có hơn 100 người đang hành nghề chuyên nghiệp. Hoạt động chủ yếu theo nhóm, họ quy tụ ở các CLB như Cascadeur TP.HCM, Quốc Thịnh, Hải - Long An, AXN, Đại học Hồng Bàng…. Gần đây đã có thêm một số trung tâm của diễn viên Johnny Trí Nguyễn, LV Pro… mở ra các lớp đào tạo võ thuật và nghề cho những ai yêu thích công việc này.
Đạo diễn - Cascadeur Quốc Thịnh đang chỉ đạo một cảnh võ thuật cho Lý Hùng trong phim Đô la trắng. |
Phần lớn cascadeur xuất thân là dân học võ, nhưng có nhiều người lại đến với nghề từ các những công việc chẳng liên quan gì đến đánh đấm và phim ảnh. Ví như Anh Tuấn thường gọi là Tuấn “cầu mây” từng là một vận động viên môn cầu mây; Bùi Văn Hải (tức Hải Long An) đã tốt nghiệp khoa Xây dựng của Đại học Bách khoa TP.HCM; Song Tùng làm nghề xuất nhập khẩu; Lê Ngọc Nguyên là huấn luyện viên nhào lộn; Trần Minh Thường học Quản trị kinh doanh; Dương Bảo Anh là sinh viên khoa Mỹ thuật của Đại học Hồng Bàng; Nguyễn Thị Thanh Thủy tốt nghiệp khoa Diễn viên trường Cao đẳng Sân khấu- Điện ảnh TP.HCM; Phi Ngọc Ánh tốt nghiệp khoa Răng - Hàm - Mặt, hệ Trung cấp trường Đại học Y Dược TP.HCM…
Công việc đối diện với thần chết
Ngoài có khả năng võ thuật tốt, các cascadeur còn thành thạo một số bộ môn khác nhau như: lái ca nô, xe tải, xe container, xe môtô phân khối lớn, đu dây, ngụp lặn, nhảy lầu, nhào lộn, kinh công, phi ngựa, đua xe, đánh bằng binh khí như đao, thương, côn, kiếm…Việc luyện tập và đóng phim hằng ngày của các cascadeur không hề đơn giản, đổ mồ hôi như vã nước, bị chấn thương, khắp người đầy sẹo, thâm tím, hay chân tay bị bong gân, trật khớp… là hết sức bình thường.
Năm 1995, Quốc Thịnh tham gia đóng thế cho bộ phim Hồng hải tặc. Trong phim có một phân đoạn phải bay người xuống thác Đambri với độ cao 60m (thế vai cho Lý Hùng). Cảnh quay không thực hiện được vì từ trên đỉnh thác xuống khoảng 3m có những lùm cây, làm trở ngại việc đu dây. Khi đó, mọi người đứng phía trên thòng dây đưa Quốc Thịnh đến điểm chặt cây. Vừa đến nơi, bất ngờ dây bị đứt. Lúc đó, mọi người trên đỉnh thác kịp lao theo nắm dây lại. Nhưng chỉ trong tích tắc, dây đứt lần nữa, và lần nữa. Ai cũng khiếp vía. “Với độ cao như vậy, dưới thác lại toàn đá, người rơi xuống đó khó mà sống sót. Nhưng may mắn là khi thấy dây bị đứt, tôi đã lao sang, đu vào sợi dây dành cho diễn viên. Đã hơn nhiều năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái lần chết hụt đó”, Quốc Thịnh kể.
Những năm gần đây, thị trường phim ảnh (đặc biệt là phim hình sự-hành động) nở rộ, cascadeur có nhiều cơ hội xuất hiện hoành tráng hơn trên phim và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Khi tham gia bộ phim truyền hình Huyền thoại 1C (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), cascadeur Tuấn Anh được giao vào vai chiến sĩ thanh niên xung phong. Trong một cảnh quay "đinh" của phim, Tuấn Anh được giao nhiệm vụ phải nằm gần 3 quả mìn sẽ phát nổ. Khi quả mìn thứ nhất nổ, Tuấn Anh đã cảm thấy khó thở nhưng vẫn cố, đến quả mìn thứ 2 nổ thì nhận ra mình khó lòng gượng nổi, nhưng vẫn dũng cảm nằm lại. Khi quả thứ 3 nổ, anh dường như đã ngất đi nhưng vẫn cố nói một câu thoại trước khi đóng cảnh quay rồi… không còn biết trời trăng mây gió gì nữa. Đưa ngay đến bệnh viện, Tuấn Anh được chuẩn đoán bị bỏng và đa chấn thương nặng, mê man trên bàn mổ và một lần nữa, chàng trai trẻ phải đấu tranh giành lấy sự sống với tử thần.
Cascadeur Lữ Đắc Long trong một cảnh cháy nguy hiểm. |
Cascadeur Lữ Đắc Long cho biết tai nạn khi đóng thế là điều không tránh khỏi: "Năm 1994, khi quay một cảnh nguy hiểm tôi vào bệnh viện với chiếc lưng bị bỏng nặng. Bác sĩ hỏi tôi vì sao, tôi chỉ trả lời là "đi đóng phim", bác sĩ chỉ thốt lên "mày bị khùng à?". Từ đó tôi không bao giờ dám nói điều đó nữa. Khi đóng thế, sự rủi ro là không thể lường trước được".
Cascadeur Phi Ngọc Ánh lúc quay pha hành động đu dây từ độ cao 15m đáp xuống đất nghẹt thở trong bộ phim Tiger team đã bị sợi dây cáp cứa vào tay gây ra một vết thương sâu hoắm. Sau mấy năm làm nghề đóng thế, vai trái của Ngọc Ánh từng bị rách bao khớp, vỡ sụn vì cú ngã khá mạnh trong một lần tập luyện.
Gần đây, đóng vai một đại sư triều đình trong phim điện ảnh Mỹ nhân kế 3D, cascadeur Bạch Văn Nhất khi thực hiện màn bay từ trên cao xuống trong màn đấu võ với Liễu Thị (cascadeur Kim Dung đóng) đã không may bị vướng dây cáp và ngã. Cú ngã làm vòng tràng hạt đang đeo tì mạnh vào huyệt cổ, khiến anh phải đi cấp cứu, điều trị hơn nửa tháng trời ở Bệnh viện Cam Ranh, Khánh Hòa….
Không chỉ có nam, nghề cascadeur cũng thu hút nhiều bạn gái trẻ. |
Để trụ vững với nghề, cascadeur phải là những người rất đam mê, quyết đoán, gan lì và có trình độ nhất định về thể thao, đặc biệt là võ thuật. Vì nghề này luôn bị nguy hiểm rình rập ở mức độ cao nên không có công ty bảo hiểm nào dám nhận bảo hiểm cho cascadeur. Thế nhưng nhiều diễn viên đóng thế vẫn bám nghề. Cascadeur Quốc Thịnh cho biết: “Thu nhập từ nghề cascadeur không cao, thậm chí sống rất khó khăn. Nhiều cascadeur sau giờ đi đóng phim đã phải tìm việc làm thêm từ bảo vệ, dạy võ thuật, thể thao…Thế nhưng, vẫn có nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng không thiếu cơ hội việc làm, nhưng vì quá đam mê nên theo nghề cascadeur”.
Cascadeur Bạch Văn Nhất - diễn viên đã tham gia đóng thế hơn 50 bộ phim không hề cảm thấy tủi thân khi phải đứng phía sau hào quang của người khác, vì với anh, được sống với nghề đã là một niềm hãnh diện: “Có khó khăn, nguy hiểm, nhà sản xuất mới cần đến cascadeur. Nghề mình nó phải thế, ai lại đi so sánh với diễn viên”.