Các bác sĩ luồn kim, thông tim đang đập cho bào thai trong bụng mẹ. Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ. |
Sáng 30/1 là khoảnh khắc khó quên của hàng chục nhân viên y tế trong ê-kíp mổ sinh Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương và Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Khi bé sơ sinh cất tiếng khóc chào đời, sản phụ 28 tuổi cũng rơi nước mắt hạnh phúc trên bàn mổ.
Đây là thai nhi được thông tim đầu tiên tại Việt Nam cũng như của Đông Nam Á. Quyết định mạo hiểm, chưa từng có trong tiền lệ, của các bác sĩ và sự dũng cảm của người mẹ cuối cùng nhận được quả ngọt. Cuộc phẫu thuật cũng đánh dấu bước phát triển mới trong kỹ thuật điều trị tim bẩm sinh của bác sĩ Việt Nam.
Vài năm gần đây, nhiều thành tựu nổi bật đã đưa Việt Nam vang danh trên bản đồ y học thế giới.
Ca thông tim cho bào thai đầu tiên ở Đông Nam Á
TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng đơn vị can thiệp Tim, Bệnh viện Nhi đồng 1, phụ trách chính thực hiện kỹ thuật thông tim bào thai cho thai phụ 28 tuổi, ở Đà Nẵng.
Thai nhi bị dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải. Các chuyên gia thống nhất can thiệp trong bào thai bán khẩn là giải pháp phù hợp nhất để cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ.
Tại Việt Nam, số lượng trẻ bị bệnh tim bẩm sinh rất nhiều. Kỹ thuật nếu được hoàn thiện và đẩy mạnh sẽ cứu được nhiều em bé, giảm gánh nặng cho ngành y tế, tỷ lệ thai lưu cũng thấp đi.
Tờ Star của Malaysia nhận định ca thông van tim thai nhi qua tử cung của người mẹ của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ là ca phẫu thuật đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á. Việc thông tim thai nhi chỉ mới xuất hiện trong 5 năm và chỉ có một số quốc gia như Brazil và Ba Lan thực hiện thành công.
Bác sĩ Việt được mời biên soạn sách của ngành Hỗ trợ sinh sản thế giới
Cuối 2023, Việt Nam có 2 bác sĩ được mời biên soạn một chương trong sách giáo khoa về kỹ thuât hỗ trợ sinh sản Textbook of Assisted Reproductive Techniques.
Đây là cuốn sách quan trọng nhất của ngành Hỗ trợ sinh sản thế giới. Các tác giả được mời viết các chương trong quyển sách này đều là những chuyên gia hàng đầu thế giới.
Hai bác sĩ được mời là ThS.BS Hồ Mạnh Tường, Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Mỹ Đức và PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y, Đại học Y Dược TP.HCM.
Hai bác sĩ Việt được mời biên soạn sách giáo khoa hàng đầu thế giới về Hỗ trợ sinh sản. Ảnh: Bệnh viện Mỹ Đức. |
Việc hai tác giả Việt Nam được mời tham gia viết một chương sách về một kỹ thuật được xem là tương lai của ngành Hỗ trợ sinh sản thế giới là niềm tự hào của chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản Việt Nam. Điều này cũng chứng tỏ trình độ chuyên môn và uy tín học thuật của chuyên ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam dù được triển khai sau thế giới 20 năm.
Mổ tách song sinh dính liền phức tạp
Trúc Nhi - Diệu Nhi chào đời vào tháng 6/2019. Cặp song sinh dính liền vùng bụng chậu, tứ chi đầy đủ, 2 cơ quan sinh dục, một hậu môn...
Sau một năm, ca mổ tách rời 2 bé được thực hiện với sự tham gia của hơn 100 y bác sĩ. Các chuyên gia nhận định ca mổ tách Trúc Nhi, Diệu Nhi hiếm và rất phức tạp. Do đó, ca phẫu thuật tách cặp song sinh này được xem là dấu mốc quan trọng với ngành y tế Việt Nam trong năm 2020.
Cuộc phẫu thuật tách rời đã mở ra cuộc đời mới cho Trúc Nhi - Diệu Nhi. Ảnh: Thuận Thắng, Chí Hùng. |
Trước Trúc Nhi - Diệu Nhi, các bác sĩ Việt Nam cũng từng mổ tách nhiều cặp song sinh dính liền phức tạp. Một trong số đó là trường hợp Nguyễn Việt - Nguyễn Đức năm 1988.
Sau cuộc phẫu thuật, Nguyễn Việt phải sống thực vật trong 19 năm. Nguyễn Đức đã sống thay cuộc đời người anh em song sinh. Anh lớn lên, phát triển bình thường, đi học, sau đó lập gia đình và có 2 con sinh đôi, một trai, một gái.
Ghép chi thể đồng loài đầu tiên trên thế giới
Đầu năm 2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca ghép chi thể lấy từ người cho sống để ghép bàn tay mới cho bệnh nhân Phạm Văn Vương (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội).
Người hiến tay trước đó bị băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái. Sau 3 tuần điều trị nhưng không có khả năng phục hồi, bệnh nhân và người nhà đã đồng ý hiến 1/3 cánh tay dưới để ghép cho người khác. Hơn một tháng sau khi nhận bàn tay, anh Vương đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật thô.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện ghép chi thể từ người hiến tặng còn sống. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. |
Trên thế giới, từ năm 1998 đến nay, chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Các trường hợp được ghép đều lấy nguồn từ người cho chết não.
Đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.
Ca can thiệp bào thai chưa từng có trong y văn
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp bào thai để cứu thai phụ vị vỡ đáy tử cung, năm 2020. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, giám đốc bệnh viện, đây là trường hợp sản phụ có lỗ thủng trên tử cung dị dạng.
Các bác sĩ mổ bắt thai cho sản phụ sau 7 tuần kéo dài thai kỳ. Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. |
Trước đây, khi gặp trường hợp này, các bác sĩ buộc phải mổ bắt thai để khâu tử cung cho mẹ, chấp nhận mất thai hoặc cắt tử cung. Nếu khâu tử cung, sản phụ phải chấp nhận sau này sẽ không thể tiếp tục có con.
"Chúng ta đã mang lại cơ hội cho 2 mẹ con sản phụ nhờ y học bào thai tiếp tục. Đây là ca đặc biệt đầu tiên trong lịch sử, chưa có y văn trong thế giới", PGS Ánh cho biết.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.