Những lí do khiến nàng... chán chồng
Hương chán chồng vì anh mê cá cảnh hơn mê vợ. Cô có bầu 3 tháng, anh xã chẳng lời hỏi han. Đi làm về là anh hì hụi cho cá ăn, thay nước cho cá, rồi nhìn ngắm bể cá.
Ảnh minh họa
Nhờ chồng pha sữa bà bầu không được, Hương nói dỗi: “Thôi, em với con về bên ngoại sống. Anh ở lại với cá của anh”. Thấy thế, chồng cười “hì hì”, trách vợ sao nỡ ghen với mấy con cá. Hôm sau, đâu lại vào đó.
Cùng cảnh với Hương nhưng chồng Xuân (Đà Nẵng) không “say” cá mà “say” mèo. Trong mắt chồng, thứ nhất là “em mèo”, thứ nhì “em game”, Xuân không biết “em xã” xếp ở chỗ nào. Đi làm về muộn, anh chẳng giúp vợ cơm nước mà cứ lo mèo bị đói. Xuân thấy ức nhất là không được chồng coi trọng bằng một con mèo.
Chán chồng đến “tận óc” là tâm trạng của Huế (Cầu Giấy, Hà Nội). Xem phim online tối ngày thì không sao, hễ bị vợ nhờ việc gì là chồng bắt bẻ từng câu. Vợ cự lại, thành cãi nhau. Kết cục, anh vẫn chẳng chịu “nhấc mông” khỏi cái ghế. Thấy chồng hàng xóm quét nhà, đổ rác cho vợ mà Huế tủi thân.
Chồng Linh Anh (quận 2, TP HCM) bỏ mặc con ốm để đi nhậu với ông chú bên nhà vợ. Vợ cản lại thì lý luận: “Chú vợ mời, không thể không đi”. Gào lên với chồng, chồng cứ đi. Chưa kể, tối về là say khướt “lả lướt”, tất và quần dài vứt tứ tung. Chán vì phải chung sống với một gã vô trách nhiệm, không ít lần, Linh Anh nung nấu quyết tâm: “Dẹp đi cho xong chợ”.
Cũng “khóc hết nước mắt” vì anh chồng vô tâm là Hiền (Bình Dương). Lúc mới có bầu, Hiền thấy vui vì chồng xung phong chở vợ đi khám. Nhưng đến lần thứ hai thì anh lạnh nhạt: “Nó bé bằng quả táo. Có gì mà khám”. Hiền cố thuyết phục thì chồng cộc lốc: “Có chân, tự mà đi”. Chồng như thế thì thử hỏi, làm sao Hiền không “điên tiết”.
Còn Tâm (Từ Liêm, Hà Nội) toàn chịu cảnh ấm ức về chồng. Chồng ốm, Tâm nấu cháo, thuốc thang đầy đủ. Cô ốm, chưa được chồng hỏi nhẹ một câu, bao giờ nếu có, cũng chỉ là: “Ốm vặt thôi nhỉ”. Cắm được nồi cơm điện thì anh lên phòng vợ vùng vằng: “Dậy, nấu tiếp đi. Nằm nhiều càng ốm”.
Nói xong, anh liền "tót" đi chơi, hết bi-a, cờ tướng, lại lang thang quán nước, có khi còn “nhúng chân” vào lô, đề. Chồng Tâm chẳng bao giờ cần biết ở nhà có chuyện gì, con lớn ra sao, đưa con đi chơi ở đâu. Càng hiếm khi anh tâm tình với vợ. Thế mà mỗi khi nhà có khách, lại luôn tự ca ngợi rằng, mình yêu chiều vợ con nhất, coi gia đình là số 1. Họ hàng, người thân toàn nghĩ Tâm sướng. Mỗi cô biết mình khổ.
Tú (quận 1, TP HCM) từ ngày kết hôn mới thấm thía câu: “Có chồng hờ hững cũng như không”. Chồng Tú làm ăn bên ngoài, đi từ 10h sáng và về lúc 10h đêm. Anh không nhúng tay vào bất kỳ việc nào trong nhà. Vợ cũng không “màng”. Lặng lẽ cơm nước, tắm gội rồi lên giường lúc 2h sáng.
Một lần, Tú bị đau bụng giữa đêm. Chồng đưa vợ tới viện nhưng sáng ra đã “chạy biến” vì giao được vợ cho… mẹ. Tú nằm viện gần 1 tuần thì chồng vào thăm được 1 lần, cỡ 5 phút. Chồng làm việc chăm như con ong nhưng chẳng thấy đưa cho vợ được nhiều. Tiền viện phí cũng do bên ngoại lo hết. Lúc chán quá, Tú treo “khẩu hiệu” trên blog: “Ai mua chồng không, em bán chồng cho?”.
Anh xã nhà Loan (Huế) thì “có hiếu” với bạn vô cùng. Lương tháng lĩnh về không đưa cho vợ mà đưa cho bạn, còn giải thích: “Nó cá độ bóng đá mất cả chục triệu. Khổ thân”. Nhà vợ cần tiền sửa nhà, Loan hỏi ý chồng vay ít tiền, chồng chối bay. Hôm sau, lại mang tiền cho một anh bạn khác vì: “Nó vừa bị mất xe máy. Cần tiền sắm cái khác”. Cho người khác vay tiền, chẳng bao giờ anh bàn với vợ. Vợ thắc mắc không khéo là thành bạo lực gia đình.
Thoát khỏi cơn chán chồng
Có vô vàn lý do để chán chồng. Chồng ham chơi, mê nhậu, lười việc nhà, vô trách nhiệm với vợ, con… Hoặc chồng có si mê một hoạt động nào đó như game, vật nuôi, thể thao… Nỗi chán chồng, nhiều khi như sơ đồ hình sin. Bình thường thì không sao, lâu lâu lại thấy chán một lần. Bởi vì, tất cả những thói xấu của chồng không dễ gì thay đổi được. Nếu chồng không có tật này thì cũng có tật nọ, khiến vợ không vừa lòng. Khi đó thì lại muốn cải tạo chồng. Không được thì chán chồng, thậm chí muốn “bỏ quách cho xong”.
Để hòa hợp, vợ chồng cần có thời gian. Nhiều người vợ tự xây lên một mẫu chồng hoàn hảo. Thực tế không được như mong muốn thì đâm chán ghét. Nhiều anh chồng, lúc yêu thì “trên cả tuyệt vời”, hết lòng chiều chuộng bạn gái nhưng kết hôn rồi thì “biết nhau ngay” khiến chị em sững sờ vì sự thay đổi chóng vánh của anh ấy.
Thứ hai, cần tránh cầu toàn. Người vợ nào cũng mong lái được chồng theo ý muốn. Tiếc rằng, chồng không phải rôbôt để vợ tha hồ vặn nút. Vì thế, cần nhìn vào cả mặt tốt – mặt chưa tốt của chồng. Từ đó, có cái nhìn khách quan hơn khi đánh giá chồng.
Với mỗi tật xấu của chồng, cần kiên nhẫn tìm cách khắc phục. Những thú vui lành mạnh của chồng thì được chấp nhận. Ngược lại, những thú ít lành mạnh thì cần ngăn ngừa. Để làm được điều này không dễ vì cần sự đồng thuận của cả hai vợ chồng.
Theo Mevabe