Theo báo cáo của DIGITAL Việt Nam năm 2021, trung bình mỗi người Việt sử dụng các thiết bị điện tử khoảng 6 tiếng 47 phút/ngày. Ảnh: Zyrtec. |
Hiện nay, mọi người có xu hướng sử dụng các thiết bị điện tử để làm việc và giải trí với tần suất cao. Theo báo cáo của DIGITAL Việt Nam năm 2021, trung bình mỗi người Việt sử dụng các thiết bị điện tử khoảng 6 tiếng 47 phút/ngày. Đây là con số đáng e ngại.
Không chỉ người lớn chịu những tác động của thiết bị điện tử lên đôi mắt, việc nhìn gần và tiếp xúc với ánh sáng xanh trong thời gian dài, nhưng lại ít tham gia các hoạt động thể chất cũng khiến bệnh cận thị ở trẻ tăng nhanh.
Để hiểu rõ hơn về những tác động của thiết bị điện tử tới "cửa sổ tâm hồn", Zing cùng nhãn hàng dung dịch nhỏ mắt Systane Ultra tổ chức chuỗi tọa đàm "Chăm sóc và bảo vệ đôi mắt mỗi ngày" với chủ đề "Các vấn đề về mắt khi sử dụng thiết bị điện tử".
Sai lầm khiến mắt tổn thương
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện FV, cho biết mắt của chúng ta có cơ chế điều tiết, thủy tinh thể, cơ hay dây chằng đều tham gia vào quá trình này. Khi bạn sử dụng thiết bị điện tử, mắt luôn luôn phải điều tiết. Thời gian điều tiết kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mắt.
Ngoài ra, ánh sáng xanh từ các thiết bị này tác động lên mắt rất nặng nề. Phản xạ chớp mắt cũng giảm đáng kể tần suất chớp mắt. Chớp mắt là một chức năng sinh học quan trọng giúp bề mặt của mắt luôn sạch sẽ và được bôi trơn. Khi bạn nhìn chăm chú vào màn hình, hành động này sẽ giảm đi, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của mắt.
"Đáng chú ý, với trẻ em, tỷ lệ mắc tật khúc xạ ngày càng tăng. Vào một lớp học, bạn có thể thấy số trẻ phải đeo kính chiếm 1/2 hoặc quá nửa sĩ số. Trẻ bị cận quá sớm sẽ khiến độ cận tăng nhanh. Độ cận cao có thể gây nhiều biến chứng ở mắt, không đơn thuần là việc nhìn kém đi", bác sĩ Mai nói.
Bác sĩ lý giải thực tế này do cách sinh hoạt của trẻ hiện nay. Các bé được tiếp xúc với điện thoại, máy tính quá sớm. Không ít cha mẹ thường dùng điện thoại để dỗ cho bé ăn hoặc uống sữa. Điều này khiến mắt phải điều tiết nhiều, dẫn đến các tật khúc xạ và rối loạn về thị lực, phổ biến nhất là cận thị và loạn thị.
Để giảm bớt tình trạng này, phụ huynh không nên tạo cho trẻ thói quen giải trí quá nhiều trên thiết bị điện tử. Cha mẹ nên cho trẻ ra không gian lớn bên ngoài nhiều hơn, thay vì ở quá lâu trong nhà, bị hạn chế tầm nhìn.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ có thói quen thức khuya và dậy muộn. Họ coi việc thức khuya và nằm dài xem phim hay đọc thông tin trên mạng xã hội là khoảng thời gian hiếm hoi được thư giãn trong ngày.
"Suốt một ngày dài bạn phải làm việc trước màn hình máy tính, mắt đã chịu nhiều áp lực. Đến tối, bạn tiếp tục nhìn vào màn hình sẽ khiến mắt không có thời gian để nghỉ ngơi. Thay vì thức khuya để cố hoàn thành nốt công việc hoặc giải trí, bạn nên ngủ sớm và dậy sớm hơn để làm phần công việc còn dang dở. Cách này sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng đến đôi mắt", Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện FV, cho hay.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh trong quá trình làm việc, chúng ta cũng không nên nhìn máy tính, điện thoại liên tục. Bạn có thể áp dụng quy tắc 20-20-20. Tức là mỗi 20 phút tiếp xúc với màn hình điện thoại, bạn nên dừng lại và nhìn ra một điểm cách xa khoảng 20 feet (tương đương 6,1 mét) trong vòng 20 giây.
Khoảng thời gian 20 giây là quy chuẩn được nghiên cứu cho thấy đủ lâu để mắt của bạn được nghỉ ngơi. Khoảng thời gian này cũng không quá lớn để khiến công việc của bạn bị đình trệ nhưng vẫn đủ để đem lại hiệu quả bảo vệ mắt của phương pháp.
Tuy nhiên, khi không thể áp dụng chính xác, bạn nên rời màn hình tối đa 45 phút/lần và nghỉ trong 20 giây.
Triệu chứng đôi mắt của bạn đang mệt mỏi
Theo bác sĩ Mai, các triệu chứng cho thấy mắt đang gặp vấn đề rất nhiều, tùy thuộc vào từng loại bệnh lý. Tuy nhiên, một số triệu chứng điển hình báo hiệu đầu tiên là nhìn mờ, đỏ mắt, ngứa mắt, có ghèn gỉ... Khi thấy mắt gặp những triệu chứng bất thường, bạn cần kiểm tra tại cơ sở y tế chuyên khoa sớm. Bởi có nhiều bệnh lý triệu chứng khá giống nhau, khó phân biệt.
Một số người cho rằng khi mắt cảm thấy mỏi vì nhìn vào màn hình của các thiết bị điện tử là hiện tượng bình thường. Khi gặp phải, chúng ta chỉ cần để mắt nghỉ ngơi sẽ hết. Theo vị chuyên gia này, ý kiến trên đúng một phần. Tuy nhiên, nếu tình trạng này nặng, kéo dài, gây ra những tổn thương thực thể, việc nghỉ ngơi cũng không giúp mắt có thể hồi phục.
Một số trường hợp bắt buộc, khó hạn chế được việc sử dụng máy tính, điện thoại, chúng ta nên sử dụng kính có chống ánh sáng xanh 100%. Việc này cũng giảm bớt tác hại của ánh sáng xanh lên mắt.
Người dân có thể sử dụng dung dịch dưỡng ẩm, bôi trơn giúp mắt dễ chịu hơn. Ảnh: Wallpapercave. |
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng dung dịch dưỡng ẩm, bôi trơn cho mắt. Đặc biệt, những người thường xuyên dùng máy tính, điện thoại, ngồi trong phòng điều hòa rất dễ bị khô mắt.
Điều cần nhớ khi sử dụng thuốc, dung dịch nhỏ mắt
Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện FV, cho biết mỗi lần nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu. Nước mắt sẽ làm bôi trơn bề mặt nhãn cầu, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn mắt, rửa trôi các dị vật trong mắt và giữ cho bề mặt giác mạc, kết mạc phẳng, sạch sẽ.
Màng phim nước mắt gồm 3 lớp: Lớp lipid, lớp nước và chất nhày. Khi có sự thay đổi, thiếu hụt về chất lượng, số lượng của một trong 3 thành phần này, chúng sẽ dẫn tới tình trạng khô mắt. Theo bác sĩ Mai, bệnh khô mắt thường gặp ở nhân viên văn phòng khá nhiều do thường xuyên ngồi phòng điều hòa, tiếp xúc máy tính trong thời gian dài. Hầu hết bệnh nhân sẽ thiếu cả 3 thành phần của màng phim nước mắt.
Ngoài ra, chúng ta còn gặp trường hợp khô mắt do các bệnh lý viêm nhiễm, người bệnh thường thiếu chất nhày hoặc lớp lipid.
"Khô mắt có thể chia thành 3 giai đoạn: Nhẹ, trung bình và nặng. Ở tình trạng nhẹ, người bệnh có thể cảm thấy cộm, mỏi mắt... Trường hợp trung bình, ngoài những triệu chứng trên, bạn sẽ thấy cay rát, ngứa, nước mắt chảy liên tục. Bệnh nhân bị nặng có biểu hiện sợ ánh sáng, có thể dẫn tới giảm thị lực", bác sĩ Mai nói.
Dược sĩ Nguyễn Đình Bảo Ngọc, Quản lý sản phẩm nhãn hàng Systane Ultra, cho hay trước đây, các sản phẩm nước mắt nhân tạo thường bổ sung thêm lớp nước và lớp nhày. Tuy nhiên, hiện nay có một số sản phẩm bổ sung thêm lớp lipid, giúp chăm sóc đôi mắt toàn diện hơn.
"Để phân biệt được sản phẩm đang sử dụng bổ sung vào lớp nào, bạn chỉ cần quan sát vào chai nước mắt nhân tạo. Nếu sản phẩm trong suốt, chúng thường bổ sung vào lớp nước và lớp nhầy. Sản phẩm bổ sung lớp lipid, có chứa các thành phần không tan trong nước, chúng sẽ có dạng bào chế nhũ tương, có màu đục", dược sĩ Bảo Ngọc hướng dẫn.
"Người Việt hay có thói quen dùng thuốc theo đơn của người khác. Thực tế, triệu chứng bệnh có thể khá giống nhau nhưng bệnh lý mắc phải khác nhau. Việc truyền tai nhau để điều trị có thể không giúp cải thiện tình trạng bệnh, thậm chí dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Người dân tuyệt đối không nên tự mua các thuốc điều trị, đặc biệt thuốc có thành phần kháng sinh, kháng viêm. Khi quá bận, chưa thể đi khám ngay, bạn có thể dùng các dung dịch bôi trơn, để giúp mắt dễ chịu hơn", bác sĩ Mai khuyến cáo.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, thuốc sử dụng không đúng cách có thể giảm tác dụng. Nguyên lý sử dụng thuốc là không nên dùng cùng lúc nhiều loại. Tùy thuộc vào độ nhớt của thuốc, người dân nên giãn cách từ 10 phút đến 15 phút mỗi loại. Với loại thuốc đặc, dạng gel, bạn nên có thời gian cách 30-60 phút. Các thuốc được nhỏ quá gần nhau có thể gây tương tác và giảm tác dụng.
Ngoài ra, chúng ta cần biết cách bảo quản thuốc, dung dịch nhỏ mắt để tránh nhiễm khuẩn. Khi nhỏ mắt, bạn không đụng ngón tay vào đầu chai thuốc. Bên cạnh đó, bạn cũng không để chạm đầu chai thuốc vào mắt. Hãy bảo quản thuốc tại nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.