Đạo nhạc ngày càng phổ biến
Năm 2004, làng nhạc Việt từng được một phen rủng động khi nhạc sĩ Bảo Chấn - một trong những nhạc sĩ được đánh giá cao với nhiều cống hiến có giá trị - bị Hội nhạc sĩ Việt Nam cảnh cáo vì ca khúc Tình thôi xót xa của ông được coi là đạo nhạc từ ca khúc I've never been to me (Charlene) và bản hòa tấu Frontier (Keiko Matsui). Nhạc sĩ cũng cho rằng bài Tình thôi xót xa giống với I've never been to me tới 99%. Sự việc này là một cú sốc lớn khiến ông phải nhập viện và gần như ngưng lại toàn bộ các hoạt động âm nhạc.
Scandal đạo nhạc của Bảo Chấn cũng khơi mào cho một cuộc tranh luận về sự sao chép nhạc ở Việt Nam. Cũng trong năm 2004, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã công bố 70 ca khúc bị nghi là đạo nhạc trên cơ sở bộ đĩa 101 Copy-cover 2004 để đặt vấn đề nghi vấn. Theo đó, ngoài Bảo Chấn thì các nhạc sĩ nổi tiếng khác như Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Nguyễn Hà, Phương Uyên, Lê Quang... cũng nằm trong danh sách bị nghi có sáng tác liên quan tới đạo nhạc.
Ca khúc Tình thôi xót xa - sáng tác của nhạc sĩ Bảo Chấn do Lam Trường thể hiện thành công đã châm ngòi cho sự tranh cãi về đạo nhạc trong Vpop. |
10 năm trôi qua, Vpop xuất hiện ngày càng nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ tài năng với các sản phẩm âm nhạc mới mẻ, hiện đại và được đầu tư hoành tráng theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, đạo nhạc vẫn là một vấn nạn khó tránh và có dấu hiệu phổ biến hơn. Một trong những nghệ sĩ trẻ đang bị lên án nặng nề nhất hiện nay về việc đạo nhạc là Sơn Tùng M-TP. Ca khúc Chắc ai đó sẽ về - nhạc phim Chàng trai năm ấy - bị khán giả cho là khá giống với Because I miss you do Jung Yong Hwa thể hiện. Giới chuyên môn cũng nhảy vào cuộc và một hội đồng thẩm định gồm những nhạc sĩ tên tuổi như Đỗ Bảo, Trương Ngọc Ninh... đã đánh giá ca khúc này là sản phẩm đạo nhạc 100%. Thậm chí, nhạc sĩ Phó Đức Phương còn gọi đây là một sản phẩm được "đạo nhạc một cách tinh vi". Trước động thái này, Chắc ai đó sẽ về đứng trước nguy cơ bị cấm lưu hành, khiến bộ phim sử dụng ca khúc này làm nhạc nền cũng phải dời ngày chiếu.
Hàng loạt các ca khúc trước đó của Sơn Tùng cũng bị khán giả gắn mác là sản phẩm đạo nhái. Em của ngày hôm qua bị nghi giống Every night của nhóm Exid, Cơn mưa ngang qua có nhiều điểm tương đồng với bài hát Sarangi Mareul Deutjianha của nhóm nhạc Namolla, Nắng ấm xa dần cũng bị cho là một bản nhái của ca khúc Monologue do nhóm nhạc Kpop As one từng thể hiện.
Vấn nạn đạo nhạc trở nên nhức nhối trong làng nhạc Việt cũng là nguyên nhân khiến cho ban tổ chức Bài hát Việt xử lý mạnh tay đối với trường hợp của nhóm FB Boiz. Khi phát hiện ra ca khúc Tương tư của nhóm này được sáng tác dựa trên phần beat (nhạc đệm) có sẵn từ một nhạc phẩm của Hàn Quốc, ban tổ chức đã quyết định thu hồi giải thưởng.
Ngoài Sơn Tùng và nhóm FB Boiz, ca sĩ Bảo Thy có tới gần 10 ca khúc đạo nhạc, chưa kể nhiều MV lấy ý tưởng của nước ngoài. Nhiều nghệ sĩ trẻ được chú ý như Phạm Hồng Phước, Nguyễn Hoàng Tôn, Đông Nhi... cũng rơi vào tình trạng bị lên án vì đạo nhạc. Nói về hiện tượng nhiều sáng tác hiện nay bị lôi ra mổ xẻ vì nghi đạo nhái, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương lý giải: "Khi làm một sản phẩm mang tính chất sáng tạo, tôi nghĩ rằng nó không thể giống với các ca khúc khác ở bản phối, ca từ hay giai điệu. Nhưng các bạn trẻ bây giờ hầu hết đều không được học nhạc nên rất khó để đánh phần hòa thanh. Còn giai điệu thì rất dễ, đến trẻ con cũng có thể viết được giai điệu". Theo tác giả Người hát tình ca, phần hòa thanh quyết định tới 50% thành công của một ca khúc. Ngoài ra, internet phát triển cũng khiến cho các tác giả trẻ bị động, phụ thuộc vào phần beat được tải miễn phí hoặc hack trên mạng.
Nhạc thảm họa, "rác" nghệ thuật tung hoành
Nhạc sĩ Đỗ Bảo từng chia sẻ, môi trường âm nhạc Việt Nam đang bị đảo lộn và ví cấu trúc nền nhạc Việt như một cái cây lộn ngược, quả ở dưới đất mà rễ lại mọc trên trời. Những năm gần đây, Vpop đang phải chứng kiến sự bất ổn định, khi mà nhiều ca khúc được xếp vào hàng thảm họa vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng và nhận được sự chú ý với hàng chục, hàng trăm nghìn lượt xem cho các clip này.
Tác giả của những bức thư tình cũng thừa nhận: "Thảm họa Vpop là thực tại trần trụi của làng nhạc Việt". Có thời điểm vào năm 2011 - 2012, nhạc thảm họa trở thành một làn sóng mà các ca sĩ ùa theo để nổi tiếng. Nhóm HKT được coi là nhóm nhạc chợ búa với những ca khúc nhạc chợ có lời ca nhí nhố, đề tài gây sốc cùng clip được quay sơ sài, nhảm nhí. Với ca khúc Nói dối, Phương My từng gây xôn xao trong dư luận chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt. "Nữ hoàng dao kéo" Phi Thanh Vân cũng được xếp chung hàng thảm họa với 3 ca khúc Da nâu cùng clip có tên gọi Tâm hồn là vĩnh cửu với nội dung sáo rỗng, ca từ nhạt nhẽo. Vũ Hà là chủ nhân của những thảm họa âm nhạc đình đám trước đây như Người tình Mayahee, Nobody... Bên cạnh đó, những ca khúc có tiêu đề giật gân như Theo tình tình phụ phụ tình tình theo, Thế giới thứ ba, Buông xuôi cho số kiếp, Kiếp đàn bà thân xác đàn ông... một thời làm khó chịu những ai yêu nhạc.
HKT từng một thời bị gọi là nhóm nhạc chợ búa với các ca khúc thảm họa. |
Trong một bài phỏng vấn vào năm 2011, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng: "Chiếu theo sự phát triển của âm nhạc thương mại và hỗn loạn của âm nhạc từ 5 năm qua, biểu đồ của sự suy đồi đang là một đường thẳng đứng chưa có điểm dừng lại". Nguyên nhân một phần cũng là do chính văn hóa công chúng dễ dãi, "góp tay tạo nên những thảm họa". Còn nhạc sĩ Hoài An lại chia sẻ, hiện tượng nhạc kém chất lượng nở rộ như "nấm mọc sau mưa" là do chưa có quy định rõ ràng về khía cạnh thẩm mỹ trong âm nhạc. Các cán bộ văn hóa khi duyệt các ca khúc mới chủ yếu dựa vào cảm tính. Tác giả ca khúc Tình thơ cũng nói thêm, chính những ca khúc thảm họa này càng làm người nghe quay lưng với nhạc Việt.
Bên cạnh sự tồn tại của các ca khúc thảm họa, những màn biểu diễn và ca khúc được cho là rác nghệ thuật vẫn ngang nhiên xuất hiện trước công chúng. Trong đó, bộ đôi Yanbi và Mr T đã hùa theo khán giả chế lời tục tĩu cho ca khúc Thu cuối khi thể hiện trong chương trình tại Hải Phòng, Thái Nguyên. Sự việc đến tai cơ quan chức năng và hai ca sĩ này đã bị Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hải Phòng xử phạt 10 triệu đồng. Nổi lên từ giới Underground, cả hai còn gây nhức nhối dư luận với ca khúc Phiếu bé ngoan 2 có lời ca trần trụi, ngôn ngữ có phần tục tĩu. Bài hát này sau đó đã bị gỡ xuống khỏi các trang âm nhạc trực tuyến, ca sĩ Yanbi và Mr T bị phạt 5 triệu đồng mỗi người và T-Akaye (Vũ Quốc Tùng) bị phạt 4 triệu đồng.
Nhạc sĩ Thanh Bùi chia sẻ: "Cái gì cũng có giới hạn của nó. Giới làm nhạc trẻ có thể học tập từ âm nhạc nước ngoài nhưng nên học điều hay, điều tốt chứ không phải bôi xấu giới trẻ trước cả xã hội bằng thứ âm nhạc dung tục, tầm thường như thế”.
"Đạo đức khán giả đang đi xuống"
Văn hóa "ném đá" ngày càng thịnh hành trong cộng đồng mạng khiến các ca sĩ lao đao đối mặt với cách ứng xử của khán giả Việt Nam. Trong vụ việc đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP với ca khúc Chắc ai đó sẽ về, nhiều người không khỏi buồn lòng khi thấy khán giả Việt hăng say bêu xấu ca sĩ nước mình trước mắt của bạn bè thế giới. Họ không ngại lên án chàng ca sĩ trẻ gốc Thái Bình và hùa theo gọi anh là Music Thief Pro (kẻ ăn cắp âm nhạc chuyên nghiệp) trên fanpage quốc tế của Lee Jung Shin - một thành viên nhóm nhạc Hàn.
Sơn Tùng bị khán giả Việt bêu xấu và hùa vào gọi là Music Thief Pro (kẻ ăn cắp âm nhạc chuyên nghiệp). |
Trước thực tế đáng buồn này, một khán giả lên tiếng: "Tôi thắc mắc tại sao ở nước ngoài, người ta sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để chứng minh tác phẩm của quốc gia họ là “sạch sẽ” thì chúng ta lại có một đội ngũ rất nhiệt tình quy chụp là ăn cắp, rồi lên án theo kiểu cực đoan". Không ít người đồng tình rằng họ không cổ súy cho hành vi đạo nhạc, nhưng cách ứng xử "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường", tự làm xấu đi hình ảnh của mình cũng là hành động chưa đẹp.
Câu chuyện Hồ Ngọc Hà bị dìm hàng ngay trên đấu trường cuộc tế khiến cả các nghệ sĩ cũng phải lắc đầu. Nữ ca sĩ Xin hãy thứ tha đã vượt qua 5 gương mặt nghệ sĩ khác Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh... để trở thành đại diện Việt Nam tham gia MTV EMA 2014. Điều này gây ra không ít lùm xùm vì dư luận nghi ngờ MTV Việt Nam cố tình sắp xếp giải cho Hồ Ngọc Hà, còn cuộc bình chọn chỉ là hình thức, không khác gì cuộc chơi vô nghĩa. Một nhóm khán giả đã bày tỏ sự bất bình bằng cách viết một lá thư song ngữ Việt - Anh để kêu gọi bình chọn cho ca sĩ Phillipines và các ca sĩ khác thay vì Hà Hồ.
Hồ Ngọc Hà bị fan Việt tố gian lận và gửi thư kêu gọi bình chọn cho ca sĩ quốc tế thay vì bầu cho cô. |
Bức xúc vì người em thân thiết của mình bị chính khán giả quê nhà "dìm hàng", Đàm Vĩnh Hưng không ngại gọi lá thư kêu gọi bình chọn cho ca sĩ Philippines tại MTV EMA là "tâm thần thư" của nhóm bạn trẻ "khôn nhà dại chợ". Noo Phước Thịnh kêu gọi khán giả có chuyện gì thì "người trong một nhà phải đóng cửa bảo nhau trước đã, anh chị em đánh nhau sứt đầu mẻ trán thì gia đình chúng ta thiệt, hàng xóm cười cho chứ chả thể nào nhảy vào giải quyết hoà bình được". Trước đây, Hồ Ngọc Hà cũng từng phải chứng kiến hành động không đẹp của các fan Mỹ Tâm khi la ó dữ dội, thậm chí ném chai nước xuống sân khấu khi cô nhận giải thương Nữ ca sĩ được yêu thích nhất tại lễ trao giải HTV Award 2012.
Nhắc đến cách ứng xử của khán giả, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương buồn lòng: "Có một bộ phận khán giả, tôi phải dùng từ là phũ phàng và rảnh rỗi để miêu tả. Tôi cũng không dùng từ 'anh hùng bàn phím' mà phải gọi họ là 'nô lệ bàn phím' thì đúng hơn. Nghệ sĩ bây giờ có thể hay hay không hay, nhưng nếu khán giả bắt được lỗi gì là có thể vin vào đó để lên án. Họ dành quá nhiều thời gian để xem các thông tin rồi mổ xẻ, chửi bới. Nếu tình trạng này còn xảy ra, tôi không trông mong gì nhiều trong 1 - 2 năm tới mà nó sẽ càng ngày càng đi xuống về vấn đề đạo đức của người trẻ".