Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những lý do rợn người khiến cô dâu Ấn Độ bị thiêu sống

Sống trong thế kỷ XXI, nhiều cô dâu tại Ấn vẫn bị tước đoạt mạng sống vì làn da tối màu hoặc thiếu của hồi môn.

Năm 2001, Cục Tội phạm quốc gia Ấn Độ thống kê có tới gần 7.000 phụ nữ tại quốc gia này bị gia đình chồng thiêu chết chỉ vì không có đủ của hồi môn. Đến năm 2008, con số này vào khoảng 6.000 người. Tại Pakistan, nguyên nhân thiếu của hồi môn cũng tước đi mạng sống của 3.000 cô gái.

Hầu hết cái chết đều được ngụy trang bằng tai nạn hoặc vụ nổ. Đó chưa phải tất cả lý do khiến các cô gái trẻ tại Ấn Độ khi mới về nhà chồng đã mất đi mạng sống.

Vụ án thiêu sống cô dâu kinh hoàng vì của hồi môn

Đối với người dân Ấn Độ, của hồi môn, hay “Dahej”, không đơn giản là một khoản tài sản mà còn tượng trưng cho giá trị của cô dâu khi về nhà chồng. Phụ nữ Ấn không có quyền thừa kế, vì vậy của hồi môn chính là tài sản duy nhất mà họ được sở hữu khi xuất giá và sống nốt quãng đời còn lại. Nó cũng thể hiện tình yêu của cha mẹ với con cái.

Thieu song co dau anh 1
Của hồi môn có giá trị tinh thần quan trọng với người dân Ấn Độ. Vì vậy, không ít vụ án xảy ra bởi khối tài sản này. Ảnh: Telegraph.

Dần dần của hồi môn bị biến chất và trở thành gánh nặng cũng như lý do để hạ thấp giá trị người phụ nữ. Theo Daily Mail, ngày 18/8/2017, nàng dâu xấu số Parvinder Kaur (24 tuổi) bị gia đình chồng thiêu sống ở Vikaspuri, Delhi, Ấn Độ, sau 5 năm thiếu của hồi môn.

Parvinder Kaur và Gurcharan Singh kết hôn năm 2012. Họ có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng từ khi về nhà chồng, cô phải sống trong đọa đày vì không mang đủ tiền hồi môn như quy định. Sandeep Singh, anh trai của nạn nhân, cho biết gia đình nhà chồng em gái liên tục đòi thêm các khoản tiền hồi môn với giá trị lên tới một triệu rupee. Nhà thông gia thậm chí còn bịa ra nhiều lý do để đuổi hai mẹ con cô ra khỏi nhà.

Sáng 18/8, Parvinder trở về để lấy thêm quần áo và vật dụng còn thiếu thì chồng và bố mẹ anh ta lập tức thiêu cô tới chết bằng dầu hỏa. Những kẻ thủ ác sau đó đã thừa nhận hành vi của mình và bị bắt giam. 

Parvinder chỉ là một trong số hàng nghìn cô dâu Ấn Độ bị tước đoạt mạng sống bằng ngọn lửa tham lam và tàn ác của hủ tục. Luật pháp ở Ấn Độ trừng phạt rất nghiêm khắc những kẻ giết người vì của hồi môn, tuy nhiên, hung thủ thường dễ dàng chạy án.

Bị thiêu sống vì lấy chồng khác địa vị

Rama Kunwar (30 tuổi, bang Rajasthan, phía Tây Ấn Độ) đã chạy theo tiếng gọi của tình yêu và rời bỏ nơi cô sống để theo chồng từ năm 2008. Năm 2016, cô quay trở lại thăm cha mẹ với hy vọng gia đình sẽ bỏ qua mọi chuyện. Tuy nhiên, Rama Kunwar bị kéo ra ngoài và chịu những lời chửi mắng từ người thân.

Nhưng đó chưa phải tất cả, những kẻ ruột thịt này đã châm lửa thiêu sống cô gái trước sự chứng kiến của người dân trong làng. Cô gái xấu số cầu cứu nhưng không một ai giúp đỡ. Những kẻ thiêu sống cô đã lên kế hoạch hủy mọi chứng cớ bằng cách tổ chức tang lễ ngay tối hôm đó.

Thieu song co dau anh 2
Luật pháp Ấn Độ xét xử những kẻ thiêu sống cô dâu để bảo vệ danh dự sẽ phải đối mặt với án tử hình. Ảnh: Shutterstock

Mẹ chồng của Rama đã báo cảnh sát và một người anh em của cô bị bắt cùng 6 nghi phạm khác. Theo AFP, nguyên nhân của vụ giết người dã man này là "giết người vì danh dự". Khi các đôi nam nữ bị gia đình hoặc cộng đồng phản đối kết hôn, họ sẽ chọn cách thiêu sống cả hai để bảo toàn "bộ mặt" cho cả làng.

Hủ tục này đã tồn tại hàng trăm năm, nhất là ở các ngôi làng xa xôi. Kẻ ra tay không ai khác lại chính là người thân, họ hàng hoặc già làng như một nghi thức bảo vệ danh dự và niềm tự hào gia đình trong hệ thống phân biệt con người theo địa vị. Năm 2011, Tòa án Tối cao Ấn Độ phán quyết những người tham gia vụ án như trên sẽ phải chịu án tử hình.

Cô dâu bị thiêu vì da quá đen

Theo Telegraph, năm 2016, gia đình cô dâu Ấn Độ Somera Bibi (22 tuổi) đã tố cáo nhà chồng vì tội giết chết con gái họ. Tại bệnh viện, Bibi khai với cảnh sát bang West Bengal (Ấn Độ) trước khi xuất giá, nhà chồng đã đòi của hồi môn là 100.000 rupee và một miếng đất để "bù đắp" tổn thất tinh thần mà chú rể phải chịu khi lấy người vợ có làn da ngăm đen như Bibi. Chưa dừng lại ở đó, cách lễ cưới vài ngày, họ tiếp tục tống tiền nhà gái để lấy thêm 250.000 rupee.

Không chịu nổi sự tham lam vô lý của nhà chồng, Bibi to tiếng với thông gia ngày 3/6. Khi cuộc tranh cãi nổ ra, cả gia đình nhà chồng gồm 6 người đã nhốt cô gái vào phòng kín, tưới xăng và châm lửa đốt. May mắn, hàng xóm xuất hiện kịp thời và giải cứu cô khỏi sự độc ác của nhà chồng. 

Nhưng vết bỏng quá nặng, cô đã qua đời tại bệnh viện. Sau cái chết của người phụ nữ trẻ, gia đình Bibi đã gửi đơn tố cáo đến cảnh sát. Anh trai của Bibi, Khayer Hossain, cho biết: "Gia đình thông gia luôn muốn con trai họ kết hôn với người khác trắng trẻo hơn. Vì vậy, họ liên tục đòi thêm tiền. Em gái tôi phản đối điều đó và nói rằng họ đã nhận đủ rồi".

Sau khi gây ra tội ác, nhà chồng Bibi đã bỏ trốn còn cảnh sát địa phương từ chối đưa ra bình luận. Tây Bengal là địa phương có tỷ lệ nhà chồng đối xử tàn ác với vợ cao nhất. Theo Cục Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, 61.259 người phụ nữ chết hoặc tấn công vì nguyên nhân này.


Bạn có thể quan tâm