Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức kinh hoàng của góa phụ 13 tuổi

“Khi tôi mang bầu, điều đó thật đau đớn, tôi đã khóc. Có lẽ, con trai của tôi cũng đau đớn không kém vì bà mẹ sinh ra nó vẫn chỉ là một đứa trẻ”, Alemtsahye chia sẻ.

Tuổi thơ của Alemtsahye Gebrekidan (tỉnh Tigris, miền Bắc Ethiopia) kết thúc khi cô lên 10 bởi câu nói của mẹ. Khi đang chơi đùa bên ngoài, mẹ gọi Alemtsahye vào nói: “Con sẽ phải kết hôn. Chồng con 16 tuổi và đám cưới sẽ diễn ra 2 tháng sau”. Cô nhớ lại ngày mà thế giới của mình thay đổi mãi mãi.

Đối với cô đây là trải nghiệm đáng kinh ngạc nhất của đời mình nhưng Alemtsahye không phải là người duy nhất trở thành cô dâu nhí. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, 14,2 triệu cô gái dưới 15 tuổi bị ép kết hôn mỗi năm. Hầu hết họ đến từ Ấn Độ, Trung Đông và giống như Alemtsahye, từ châu Phi.

Tuổi thơ không trọn vẹn của cô dâu nhí

Khi bị ép cưới, các cô gái như Alemtsahye ngoài việc bị "đánh cắp” tuổi thơ và mất đi quyền lợi được học tập, họ còn phải trải qua những chấn thương trong đời sống tình dục. Tồi tệ hơn, nhiều người làm mẹ quá sớm và chết khi sinh con hoặc do các biến chứng liên quan đến mang thai.

Sau lời tuyên bố định mệnh của mẹ, Alemtsahye buộc phải nghỉ học. “Những kỷ niệm hạnh phúc của thời thơ ấu chỉ còn là quá khứ. Tôi và chồng tương lai thậm chí còn chưa từng gặp nhau cho đến ngày cưới. Anh ấy cũng chỉ là một đứa trẻ, chúng tôi nhìn nhau buồn bã”, Alemtsahye nói. Nhưng cô không biết làm cách nào để chống lại quy định khắc nghiệt của Ethiopia. Cô phải học cách làm một người vợ, người mẹ.

Năm 13 tuổi, Alemtsahye mang thai dù cơ thể vẫn chưa phát triển hoàn toàn. “Khi tôi mang bầu, điều đó thật đau đớn, tôi đã khóc. Có lẽ con trai của tôi cũng đau đớn không kém vì bà mẹ sinh ra nó vẫn chỉ là một đứa trẻ”, cô nhớ lại.

Tao hon anh 1
Alemtsahye cũng giống như nhiều nạn nhân khác của nạn tảo hôn, phải làm mẹ khi còn là một đứa trẻ. Ảnh: Dailymail.

Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì các bà mẹ nhí như Alemtsahye phải trải qua. Cuộc sống càng trở nên khắc nghiệt hơn khi Ethiopia rơi vào cuộc nội chiến tàn khốc năm 1989. Cuộc xung đột nổ ra liên tục từ năm 1974 đến năm 1991, khiến hơn 1,4 triệu người chết, trong số đó có chồng của Alemtsahye. Khi ấy, cậu mới 19 tuổi.

“Tôi là một góa phụ lúc 13 tuổi và khi chồng mất, cuộc sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bởi vì tôi phải làm mẹ quá sớm, tôi vẫn còn là một đứa trẻ”, cô nhắc lại trong nước mắt.

Bị bán làm nô lệ và hành trình trở lại thành người bình thường

Còn trẻ tuổi nên Alemtsahye chưa có nhiều nhận thức chân thực về thế giới xung quanh. Cô bị những kẻ buôn người dụ dỗ bằng lời hứa về một cuộc sống tốt hơn tại quốc gia khác. Tin lời những kẻ xấu, cô gửi lại con trai và đến Ai Cập để làm người hầu nhưng không kiếm được bất kỳ đồng lương nào. Hai tháng sau, những kẻ buôn người lại xuất hiện và hứa hẹn về nước Anh xa xôi.

Tao hon anh 2
Alemtsahye hiện tại. Ảnh: GirlsNotBrides.

"Tôi bị người Ả Rập bán đến London. Họ nói rằng đây là một đặc quyền và tôi sẽ có cuộc sống sung túc”, Alemtsahye nhớ lại. Kết quả, người phụ nữ góa bụa trở thành kẻ ăn xin, sống tị nạn nghèo khó trong suốt 3 năm. May mắn, khi cô vừa 16 tuổi, một gia đình người Anh đã nhận nuôi. Cô được trở lại trường học. Hiện tại, cô làm việc cho một tổ chức từ thiện có tên “Girls Not Brides” nhằm giúp các cô dâu tuổi vị thành niên ở Ethiopia.

Về con trai của Alemtsahye, Tefsalen đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà và chỉ gặp mẹ trong những ngày cô về nước. Việc xa cách với con trai là điều khiến Alemtsahye trăn trở nhất bởi muốn đưa một đứa trẻ đến London sinh sống không phải là điều dễ dàng. “Tôi muốn đón con về sống cùng với mình, nhưng rất khó khăn. Chúng tôi đã xa cách nhau suốt một thời gian dài và cha mẹ tôi không đồng ý với việc đó”. Cô luôn lo lắng con trai mình sẽ trở thành nạn nhân của những cuộc kết hôn sớm tại quê nhà. “Nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn đám cưới”, Alemtsahye kiên quyết.


Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm