Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhiều người cho rằng ăn mít sẽ bị nóng trong. Tuy nhiên, quan niệm này không chính xác. Loại quả này sẽ phát huy tác dụng khi sử dụng đúng cách.
Nhiều người cho rằng ăn mít sẽ bị nóng trong, tuy nhiên quan niệm này không chính xác. Ảnh: Phamfatale. |
Lợi ích khi ăn mít
TS Sơn cho biết mít có rất nhiều công dụng, ít nhất có 8 tác động có lợi cho sức khỏe:
Tăng cường hệ miễn dịch: Mít là loại trái cây có nguồn vitamin C tuyệt vời, nên giúp tăng cường hệ miễn dịch rất hiệu quả.
Chống lại bệnh ung thư: Ngoài vitamin C, mít còn rất giàu các chất dinh dưỡng thực vật như ignans, isoflavones và saponins. Đây là những loại chất có đặc tính chống ung thư và chống lão hóa.
Tốt cho hệ tiêu hóa: Loại quả này chứa các chất có thuộc tính chống loét và rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, mít cũng chứa rất nhiều chất xơ, vì vậy chúng giúp ngăn ngừa táo bón và đi tiêu dễ dàng hơn. Loại chất xơ này cũng có tác dụng loại bỏ các màng nhầy bám ở ruột, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột già (đại tràng).
Tốt cho mắt và da: Mít có chứa nhiều vitamin A, một loại chất dinh dưỡng có tác dụng rất lớn trong việc duy trì sức khỏe của đôi mắt và làn da. Loại quả này có tác dụng ngăn ngừa các bệnh liên quan đến mắt như thoái hóa điểm vàng và bệnh quáng gà.
Bổ sung năng lượng: Mít được coi như là một trái cây giàu năng lượng do sự hiện diện của các loại đường như fructose và sucrose. Những loại đường này có thể giúp cơ thể bổ sung năng lượng gần như ngay lập tức. Trong khi đó, mít lại không chứa chất béo bão hòa, cholesterol.
Tốt cho huyết áp và tim mạch: Kali chứa trong mít được chứng minh là có tác dụng hạ huyết áp. Vì vậy, ăn mít thường xuyên là cách để làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Tốt cho sức khỏe xương: Mít rất giàu magiê, một chất dinh dưỡng quan trọng trong việc hấp thụ canxi và kết hợp với canxi để giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa các rối loạn liên quan đến bộ phận này.
Ngăn ngừa thiếu máu: Mít cũng chứa nhiều chất sắt, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu và kiểm soát việc giúp lưu thông máu trong cơ thể. Đối với những người ăn kiêng, mít là loại trái cây tuyệt vời để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt mà không sợ bị béo phì.
Những tác dụng phụ của mít
Theo TS Sơn, mặc dù mít có rất nhiều lợi ích nhưng vẫn nên cân nhắc đến một số tác hại đối với sức khỏe. Loại quả này có thể làm tăng đông máu ở những người mắc các rối loạn đông máu, gây ảnh hưởng đến mức độ đường huyết ở người bệnh tiểu đường.
Những người đang muốn mang thai nên tránh ăn mít bởi chúng có thể gây ức chế ham muốn tình dục, giảm cảm giác khi được kích thích tình dục và giảm khả năng, sức lực ở nam giới.
Chuyên gia cũng cho biết việc ăn quá nhiều mít cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa vì hàm lượng chất xơ cao.
Theo TS Sơn, chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm từ 1-2 tiếng bởi chúng chứa hàm lượng đường rất cao. Ăn lúc đói sẽ khiến hàm lượng đường trong máu của cơ thể đột ngột bị tăng cao. Điều này không tốt cho sức khoẻ. Việc ăn mít thường xuyên với một số lượng hợp lý giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp chống lại ung thư nhưng với người mắc bệnh mạn tính chỉ nên ăn tối đa 3-4 múi/ngày.
Những người không nên ăn mít
Vẫn theo TS Sơn, tuy mít rất tốt nhưng người mang những bệnh sau đây cần thận trọng khi ăn bởi nó gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh:
Bệnh gan nhiễm mỡ: Do mít chứa nhiều đường không tốt cho gan và còn dễ gây nóng trong người. Những trường hợp gan nhiễm mỡ có kèm viêm gan vừa hoặc nặng nên cẩn thận khi ăn trái cây có chứa nhiều năng lượng và khó tiêu như mít.
Bệnh tiểu đường: Người bệnh tiểu đường cần phải ăn uống theo một chế độ ăn kiêng chất đường. Trong khi đó, mít có chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza, khi ăn vào, cơ thể hấp thu ngay, dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng.
Người mắc bệnh suy thận mạn tính: Bệnh nhân nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít. Do khi bị suy thận, kali bị ứ đọng lại dẫn đến tăng kali máu, nếu quá nhiều sẽ dẫn đến tử vong do ngừng tim đột ngột.
Người bị suy nhược, sức khỏe yếu: Người có sức khỏe yếu khi ăn nhiều mít dễ bị đầy bụng, khó chịu, tim làm việc nhiều, có nguy cơ cao tăng huyết áp.
Ăn mít như thế nào để tốt cho sức khỏe?
- Chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm 1-2 tiếng, lưu ý không ăn khi bụng đói bởi ăn lúc đói sẽ khiến cơ thể bị đầy bụng, khó tiêu…
- Nên ăn với lượng vừa phải, với những người mắc bệnh mãn tính, chỉ nên ăn tối đa 80 g (khoảng 3-4 múi mít/ngày).
- Nên ăn mít kèm với những hoa quả chín khác để cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Khi ăn cần nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối.
- Nếu người nóng trong, hay nổi mụn nhọt, khi ăn mít cần bổ sung đủ nước và rau xanh.
- Người bị tiểu đường và gan nhiễm mỡ cần tuyệt đối kiêng mít.