Hầu hết xe đang nằm trong bộ sưu tập tư nhân. Dù được sản xuất cách đây hàng thập kỷ, thiết kế của xe vẫn làm xiêu lòng bất cứ ông chủ khó tính nào.
Ferrari 250 GTO 1962 - 70 triệu USD
Tới nay, Ferrari 250 GTO vẫn là xe giá trị nhất thế giới.
Xe đua cổ của Ferrari sở hữu động cơ V12 mạnh mẽ, thiết kế khí động học thể thao sành điệu, chỉ sản xuất 33 chiếc, giá bán năm 1962 là 18.000 USD/chiếc, được đích thân Enzo Ferrari phê duyệt.
Năm 2018, nhà sáng lập WeatherTech là David MacNeil đã trả 70 triệu USD để sở hữu chiếc Ferrari 250 GTO có số khung 4153GT.
Trước đó năm 2013, một chiếc Ferrari 250 GTO được bán đấu giá 52 triệu USD. Một chiếc khác có số khung 3413GT được đấu giá 48 triệu USD năm 2018.
Ferrari 250 Testa Rossa 1957 – 39,8 triệu USD
250 Testa Rossa được sản xuất năm 1957 sau khi FIA ra quy định mới về xe thể thao. Đây cũng là xe thể thao hiếm nhất của Ferrari.
Mẫu xe này từng thắng 10 giải vô địch đua xe thể thao thế giới World Sportscar Championship, gồm 24 Hours of Le Mans, 12 Hours of Sebring, và Targa Florio.
Trong nhiều năm liền, Testa Rossa bị lãng quên và phủ bụi trong gara. Thế nhưng, một vài năm trở lại đây, 250 Testa Rossa đột nhiên xuất hiện và trở thành một trong những mẫu xe đua hoài cổ giá trị nhất của Ferrari.
Năm 2014, một chiếc 250 Testa Rossa có số khung 0704 được sang tên đổi chủ với giá 39,8 triệu USD.
Ferrari 335 Sport Scaglietti 1957 – 35,7 triệu USD
Chiếc xe 35,7 triệu USD trong danh sách này vẫn thuộc về Ferrari. Đó là xe đua nhưng khác chút ít so với 250 Testa Rossa.
Mặc dù có kiểu dáng tương tự, 335 S lại có mục đích sử dụng khác hẳn. Được trang bị động cơ V12 4.0L lớn hơn, 335 S là lời đáp trả của Ferrari với Maserati 450S.
Trước đó, Maserati 450S đã biến hai mẫu xe 315 S và 290 MM của Ferrari thành lạc hậu.
Được xem là cuộc cách mạng so với 315 S, bản nâng cấp 335 S chỉ sản xuất 4 chiếc. Trong số này, Sport Scaglietti tỏ ra độc đáo và quan trọng hơn cả.
Trong suốt 40 năm qua, Sport Scaglietti vẫn thuộc sở hữu của một chủ. Xe được đấu giá năm 2016. Có người đã trả 35,7 triệu USD.
Chiếc Sport Scaglietti này từng thắng giải Cuba Grand Prix 1958 và Mille Miglia 1957.
Mercedes-Benz W196 1954 – 29,6 triệu USD
Chiếc Mercedes-Benz duy nhất trong danh sách này cũng là xe đua F1 có giá đắt đỏ nhất thế giới.
Được hãng xe Đức sản xuất cho mùa giải 1954-1955, W196 thực sự là cuộc cách mạng ngày đó. Xe đã thắng nhiều giải đua.
W196 cùng tay đua Juan Manuel Fangio và Stirling Moss đã thắng 9 trong 12 giải đấu, đoạt thêm 8 podium trong năm 1954 và 1955.
Mercedes-Benz W196 cũng thắng cả hai mùa giải F1 trước đối thủ Maserati, Ferrari, Cooper, và Lancia.
Chiếc xe F1 này được bán đấu giá 29,6 triệu USD năm 2013, là chiếc W196 duy nhất còn tồn tại trong bộ sưu tập tư nhân.
Ferrari 290 MM 1956 - 28 triệu USD
Lại thêm một chiếc Ferrari nữa, lần này là 290 MM. Cũng được thiết kế cho giải đua World Sportscar Championship, 290 MM mang dáng spyder với động cơ V12 dưới nắp capô.
Ferrari chỉ sản xuất 4 chiếc. 290 MM từng thắng giải Swedish Grand Prix và Mille Miglia 1956.
Cùng 335 S, 290 MM còn giúp Ferrari giành chức vô địch năm 1956. Năm sau đó, 290 MM thắng giải Buenos Aires. Tay đua huyền thoại Juan Manuel Fangio từng cầm lái xe này tại giải Mille Miglia.
Năm 2015, 290 MM được bán đấu giá 28 triệu USD. Thời điểm đó, nó là chiếc xe đắt thứ 3 thế giới. Một chiếc 290 MM khác được bán đấu giá 22 triệu USD năm 2018.
Ferrari 275 GTB/4 NART Spider 1967 – 27,5 triệu USD
Ferrari 275 thay thế cho model 250. Một số biến thể của model này cũng đắt và nổi tiếng như 250.
Một trong số đó là GTB/4 NART Spider, phiên bản giới hạn 10 chiếc. Đây cũng là một trong số những chiếc 275 hiếm nhất.
Xe vẫn trong tình trạng hoàn hảo. Năm 2013, GTB/4 NART Spider được bán đấu giá 27,5 triệu USD. Cỗ xe đua sở hữu động cơ V12 3.3L.
Aston Martin DBR1 1956 – 22,5 triệu USD
Không những là biểu tượng của Aston Martin, DBR1 còn là một trong những xe đua hiếm nhất của hãng xe Anh.
Chỉ sản xuất 5 chiếc từ năm 1955, DBR1 xuất hiện trên đường đua tới năm 1959 và đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Aston Martin DBR1 thắng 9 trong số 18 giải đấu, trong đó có giải 24 Hours of Le Mans 1959.
DBR1 còn thắng các giải đấu ở Spa, Nurburgring, và Goodwood. DBR1 là ứng viên duy nhất của Aston Martin thắng giải Le Mans.
Mẫu xe đua này từng được bán đấu giá 22,5 triệu USD năm 2017, một kỷ lục với xe Anh.
Duesenberg SSJ 1935 - 22 triệu USD
Duesenberg SSJ là xe Mỹ duy nhất trong danh sách này. Là sản phẩm của công ty chỉ tồn tại trong 24 năm (1913-1937), SSJ vinh danh những thành quả xe đua và xe siêu sang của Duesenberg.
Từng thắng giải Indianapolis 500 tới 4 lần những năm 1920, SSJ là mẫu xe đua biểu tượng nhất trong ngành công nghiệp xe hơi nước Mỹ.
Thuộc dòng Model J Series, SSJ sở hữu trục cơ sở ngắn, khối động cơ siêu nạp mạnh mẽ. Động cơ 6.9L đặt thẳng hàng cho công suất 400 mã lực, mạnh nhất trong số Model J.
Chỉ hai chiếc Duesenberg SSJ được sản xuất và bán cho Gary Cooper và Clark Gable, hai nam diễn viên Hollywood trong các năm 1935 và 1936.
Có tin đồn Cooper và Gable từng đua xe bằng chiếc Duesenberg SSJ trên cung đường đồi ở Hollywood.
Chiếc SSJ bán giá 22 triệu USD năm 2018 thuộc về Cooper. Xe vẫn trong tình trạng nguyên bản chưa phục chế sau hàng thập kỷ.
Đây cũng là xe đua hiếm và quan trọng nhất từng được sản xuất tại Mỹ. Không chỉ là xe Mỹ đắt nhất, SSJ còn là xe sản xuất trước Thế chiến 2 giá trị nhất từng được giao dịch.
Jaguar D-Type 1955 – 21,8 triệu USD
D-Type là mẫu xe quan trọng hàng đầu của Jaguar. Được giới thiệu năm 1954, D-Type lập tức có mặt trên đường đua và được sử dụng tới năm 1959.
Với thiết kế độc đáo một nửa kính chắn gió, đuôi xe cỡ lớn phía bên ghế lái, D-Type làm mưa làm gió giải đua xe thể thao trong 3 năm liền (1955-1957).
D-Type cũng ghi dấu chiến thắng cuối cùng của Jaguar tại giải Le Mans tận năm 1988, là một trong số ít xe 3 lần vô địch giải đua.
Năm 2016, chiếc D-Type từng thắng giải 24 Hours of Le Mans năm 1956 được bán đấu giá 21,78 triệu USD.
Aston Martin DP215 1963 – 21,45 triệu USD
Mẫu xe thể thao lái thử có thiết kế tương tự Ferrari 250 GTO này được giới thiệu năm 1963 cùng DP214.
Được thiết kế nhằm thay thế DP212, DP215 sử dụng khung gầm của DB4GT. Chỉ với mẫu thử duy nhất, DP215 tham dự giải 24 Hours of Le Mans năm 1963 nhưng không tới vòng cuối do hộp số trục trặc.
DP212 tiếp tục tham dự một số giải đua sau đó, hai lần bị đâm đụng, nặng tới mức biến dạng. Mẫu xe đua Aston Martin được phục chế năm 1980, hoàn thành năm 1991, kéo dài đúng 11 năm.
Sau đó, DP212 có xuất hiện tại một số giải đua xe cổ, và được bán đấu giá 21,45 triệu USD năm 2018.