Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM), đột quỵ là căn bệnh đáng lo ngại hàng đầu hiện nay. Không chỉ có nguy cơ ở người lớn tuổi, đột quỵ đang dần phổ biến ở bệnh nhân trẻ tuổi.
PGS.TS.BS Thắng cho biết theo thống kê của Bộ Y tế, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trên thế giới, căn bệnh này xếp thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong, sau tim mạch và ung thư. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong thì đột quỵ đứng đầu, vượt qua cả tim mạch và ung thư.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mỗi năm. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ tử vong do đột quỵ còn cao do cấp cứu muộn, vượt quá thời gian quan trọng cần điều trị.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM. |
Ngoài ra, dù việc điều trị tốt, bệnh nhân vẫn có thể tái phát bệnh nếu không phòng ngừa đúng cách. Điều này dẫn đến sự quá tải trong điều trị cấp, tạo nên gánh nặng cho ngành y tế.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng lấy dẫn chứng từ một nghiên cứu được thực hiện năm 2016 trên 3.600 bệnh nhân đột quỵ nhập viện tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Trong số này, có 400 bệnh nhân bị đột quỵ liên quan đến rung nhĩ, nhưng chỉ 2% được phòng ngừa hữu hiệu, tức là sử dụng kháng đông (loại thuốc khuyến cáo để phòng ngừa đột quỵ trên các bệnh nhân rung nhĩ) và ngưỡng kháng đông được duy trì tốt. 98% bệnh nhân còn lại không được phòng ngừa hoặc phòng ngừa không đúng cách.
“Để giải quyết được gốc rễ gánh nặng điều trị đột quỵ, không gì tốt hơn điều trị phòng ngừa, tức là kiểm soát tốt các nguyên nhân gây ra bệnh”, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ.
Theo ông, ở giai đoạn tiên phát, bệnh nhân chưa đột quỵ, chỉ có yếu tố nguy cơ như có rung nhĩ, cao huyết áp, tiểu đường. Trường hợp này cần sử dụng thuốc để phòng ngừa nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.
Phòng ngừa thứ phát là bệnh nhân đã có yếu tố nguy cơ nhưng không nhận biết được hoặc không màng đến việc phòng ngừa, dẫn đến bị đột quỵ. Nếu may mắn phục hồi sau đột quỵ, bệnh nhân phải sử dụng thuốc để phòng ngừa biến cố tiếp theo.
Nếu tuân thủ phòng ngừa, người bệnh có thể giảm được đến 70% các biến cố đột quỵ trong tương lai. Tương tự, nếu chúng ta kiểm soát huyết áp, tiểu đường, cholesterol trong máu, có thể giảm được 65% các biến cố đột quỵ.
Chuyên gia này cảnh báo các nguyên nhân gây đột quỵ như rung nhĩ, cao huyết áp, tiểu đường là sát thủ thầm lặng. Các bệnh này thường có triệu chứng mơ hồ. Cụ thể, cao huyết áp giai đoạn sau gần như không có triệu chứng. Nhiều bệnh nhân huyết áp 200-240 mmHg nhưng bên ngoài trông vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ lớn.
Đáng lo ngại nhất là đột quỵ do tim. Bởi khi buồng tim có bất thường, đặc biệt trường hợp rung nhĩ dễ tạo ra huyết khối (cục máu đông) tại cơ quan này. 80% trường hợp các cục huyết khối này sẽ chạy lên não. Lúc này, huyết khối sẽ làm tắc những mạch máu lớn, gây ra tình trạng nhồi máu não với vùng thiếu máu và chết não rộng.
“Lý do là người phương Tây tầm soát các yếu tố nguy cơ rất sớm, trước khi nó gây ra hậu quả. Trong khi chúng ta lại chờ đến khi xảy ra hậu quả rồi mới quay lại tìm nguyên nhân”, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh.
Ông chia sẻ thêm, yêu cầu bệnh nhân tuân thủ điều trị gần như rất khó. Hầu hết bệnh nhân sau khi điều trị ổn lại tự mua thuốc theo toa trước đó, ngừng đi khám, ngưng uống thuốc. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
“Hiện nay, tất cả bệnh lý gây ra đột quỵ gần như phải duy trì thuốc suốt đời. Chẳng hạn, cao huyết áp không thể điều trị dứt, chỉ có thể sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp. Tương tự với đường huyết, nếu chỉ điều trị trong thời gian vài tháng, sau đó ngưng thì sẽ trở về như cũ, thậm chí tình trạng sẽ nặng hơn. Do đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị, phòng ngừa đột quỵ theo khuyến cáo của bác sĩ”, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ.
Bình luận