Bánh tro, bánh ú: Theo quan niệm xưa, tháng 5 Âm lịch là thời điểm mùa hè oi bức, dễ phát sinh bệnh dịch, mọi người nên ăn các món có tác dụng dễ tiêu, giải nhiệt và bánh tro là một trong những thực phẩm như vậy. Loại bánh này có nhiều tên gọi như bánh ú, bánh tro (gio), bánh âm... tùy theo vùng miền. Ảnh: Phuongnguyen1911, Gocbepnho219. |
Bánh tro được làm từ bột gạo nếp ngâm trong nước tro đốt bằng củi các loại cây khô. Mỗi địa phương có một kiểu gói bánh khác nhau, hình thuôn dài hoặc hình chóp tam giác. Bánh mềm dẻo, vị nhạt, tính mát, thường ăn với đường hoặc mật. Ảnh: Khackhoai. |
Cơm rượu nếp: Món ăn nhất định phải có trong ngày Tết Đoan Ngọ khác là cơm rượu nếp. Theo quan niệm dân gian, cơm nếp có thể tiêu diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể. Cơm nếp nồng trộn với men cay của rượu có tác dụng loại bỏ các loài ký sinh gây hại. Mỗi miền có cách chọn gạo nếp và ủ cơm rượu khác nhau. Miền Bắc dùng nếp cẩm để hạt tơi, miền Trung nén cơm nếp thành khối, còn miền Nam lại vo thành viên tròn. Ảnh: Jevagabon, Cooky.vn. |
Trái cây theo mùa: Mâm cúng Tết Đoan ngọ ở cả 3 miền đều không thể thiếu hoa quả, nhưng ở mỗi miền, các loại quả lại khác nhau. Mâm ngũ quả miền Bắc thường luôn có vải thiều, mận, trong khi ở miền Nam, chôm chôm là loại quả không thể thiếu. Ảnh: Jevagabon, Teppigarden. |
Chè trôi nước: Với người miền Bắc, bánh trôi là đặc sản thường thấy trong ngày Tết Hàn thực, còn với người miền Nam, chè trôi nước là món ăn "giết sâu bọ" quen thuộc trong ngày 5/5 Âm lịch. Viên bánh trôi tròn có vỏ bột nếp trắng dẻo, nhân đậu xanh ngọt thơm hòa quyện với nước cốt dừa béo và hạt mè bùi bùi. Ảnh: Tml.media, Laurafordnutrition. |
Các loại xôi, chè: Xôi và chè có thể ăn quanh năm, nhưng vào ngày này, ở mỗi vùng miền, người dân thường ăn các món đặc trưng khác nhau như người miền Bắc ăn chè đậu xanh, chè mật gạo nếp, người miền Trung ăn chè kê, chè hạt sen hay chè trôi nước thường có ở miền Nam. Ảnh: Bepthucduong, Huyenduong611. |
Thịt vịt: Cũng theo quan niệm "giết sâu bọ" chữa bệnh, thịt vịt trở thành món ăn thường được nhắc đến trong ngày lễ này, do có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương và làm mát cơ thể. Ngoài ra, từ tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa, béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nên trong Tết Đoan Ngọ, các gia đình Việt thường mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn để thưởng thức. Ảnh: Heoheineken, Foody. |