Nền giáo dục tại xứ sở kiwi được thiết kế bài bản, đồng bộ ngay từ bậc phổ thông với hệ thống chứng chỉ thành tích giáo dục quốc gia (National Certificate of Educational Achievement - NCEA) dành cho 3 năm cuối cấp trung học.
Với hình thức tích lũy tín chỉ, khi theo học NCEA, học sinh có thể chọn môn theo sở thích, nguyện vọng, năng lực của bản thân… NCEA được thiết kế linh động với nhiều môn học, trong số đó có những môn tưởng chừng chỉ có ở bậc đại học.
Dưới đây là một số môn học lạ được nhiều học sinh quốc tế yêu thích khi du học tại New Zealand:
Kinh doanh và Quản lý (Business & Management)
Quản trị kinh doanh là một trong những ngành đào tạo phổ biến ở các trường đại học nhiều quốc gia. Tại New Zealand, môn học này sớm đưa vào áp dụng ngay từ bậc trung học. Học sinh tại đảo quốc kiwi được tiếp cận gần với thực tế, sớm có cái nhìn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, các hoạt động quản lý nhân sự, phát triển chất lượng và con người.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng được tìm hiểu về luật kinh doanh hay quan hệ công chúng, marketing và kỹ năng làm việc văn phòng, quản lý tài chính. Song song với việc học lý thuyết, các em có nhiều cơ hội thực hành và triển khai mô hình thực tế.
Hà Thái (ngoài cùng bên trái) có một năm học thú vị tại New Zealand. |
Hà Thái, một du học sinh trường Trung học Marlborough Girl's College tại New Zealand chia sẻ: “Mình và các bạn học môn Business theo mô hình nhóm và thảo luận ý tưởng. Mỗi người trong nhóm phải đảm nhiệm một vai trò như CEO, CFO hoặc Marketing, cùng lập nên một mô hình kinh doanh nhỏ, tự điều hành, quản lý và đưa sản phẩm, dịch vụ ra ngoài thị trường”.
Hà Thái nhận định đây là một môn học mang đến nhiều kinh nghiệm và bài học bổ ích cho tương lai.
“Điều đặc biệt là mình không chỉ được thực hành, mà phải tự kiểm soát những khoản chi tiêu, chiến dịch bán hàng và marketing ngoài đời thật”, nữ sinh cho hay.
Khoa học Trái đất và Vũ trụ (Earth & Space Science)
Trong môn học này, học sinh tìm hiểu kiến thức tổng quát về khoa học tự nhiên, thế giới sống (tiến trình sự sống, hệ sinh thái, tiến hóa), Trái Đất và vũ trụ (hệ thống trên trái đất, mạng lưới kết nối giữa các tầng địa quyển, thủy quyển và sinh quyển) dựa trên các môn học liên quan từ sinh học, hóa học, vật lý...
Ngoài ra, kho tàng kiến thức về thế giới vật lý và các ứng dụng khoa học trong cuộc sống được mở ra qua mỗi học phần với hình thức thảo luận nhóm, theo dõi trực quan, quan sát thực tế, đọc ebook… Đây được xem là nền tảng quan trọng giúp học sinh mở mang chân trời kiến thức về khoa học tự nhiên, phục vụ hữu ích trong cuộc sống hàng ngày.
Học sinh thường xuyên tham gia các lớp khoa học thực hành kết hợp với lý thuyết. |
Nghệ thuật (Art)
Bên cạnh các môn học về xã hội và khoa học tự nhiên, giáo dục New Zealand cũng chú trọng phát triển cho học sinh khía cạnh nghệ thuật bằng những môn học như Nghệ thuật thị giác (Visual Art), Thiết kế và Truyền thông thị giác (Design & Visual Communication), Âm nhạc (Music), Kịch (Drama).
Trong số đó, Visual Art là môn học được nhiều bạn trẻ yêu thích khi kích thích tư duy sáng tạo trên nhiều lĩnh vực như thiết kế, mỹ thuật, in ấn, chụp ảnh, điêu khắc… Học sinh được nghiên cứu, thu thập thông tin trên sách, tạp chí, báo ảnh để tìm hiểu ý tưởng, quá trình làm việc của nhà thiết kế hay phân tích tầm quan trọng của các công trình nghệ thuật đặt trong bối cạnh lịch sử cụ thể, kết hợp thực hành hoàn thiện bản vẽ cho riêng mình.
Ngoài ra, Design & Visual Communications là môn học kết hợp giữa khả năng tư duy thẩm mỹ và thao tác thiết kế trên máy tính. Học sinh được tìm hiểu về các nguyên tắc thiết kế tổng quát, hình thành tư duy thiết kế, từ đó phát triển kỹ năng vẽ và xây dựng bố cục - nền tảng cho kỹ năng thiết kế đồ họa nói riêng và nghệ thuật ứng dụng nói chung.
Nguyễn Hà Kiều My, du học sinh trường Trung học Whanganui chia sẻ: "Nhờ trải nghiệm được nhiều lĩnh vực, chuyện hướng nghiệp không còn khiến mình phải ‘vò đầu bứt tai’ nữa!"
Bậc trung học New Zealand sớm mở ra định hướng tương lai nghề nghiệp cho học sinh. |
Công nghệ số (Digital Technologies)
Với những học sinh có niềm đam mê công nghệ và máy tính từ nhỏ, môn Công nghệ số là tiền đề giúp các em trau dồi kiến thức, thu thập thông tin hữu ích cho định hướng tương lai.
Đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại công nghệ số, giáo dục New Zealand cũng sớm đào tạo kiến thức về lập cơ sở dữ liệu, thiết kế và phát triển game ngay từ bậc trung học.
Lên cao hơn, các em được yêu cầu xây dựng game tương tác cho bạn học dựa trên các chủ đề huyền thoại, truyền thuyết trong lịch sử. Công nghệ số còn được nhà trường ứng dụng nghệ thuật, hướng dẫn học sinh sử dụng phần mềm âm thanh kỹ thuật số và nhạc cụ điện tử để sáng tác nhạc.
Được EIU xếp hạng là quốc gia nói tiếng Anh đứng đầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai (Educating for the Future Index) trong 3 năm liên tiếp, New Zealand là điểm đến lý tưởng cho du học sinh Việt Nam, trong đó có bậc trung học. Với hệ thống giáo dục tân tiến và phương pháp giảng dạy sáng tạo, hướng đến tương lai, thời gian học tập tại xứ sở kiwi sẽ đem lại cho học sinh kỹ năng và kiến thức cần thiết để trưởng thành và tiến xa hơn.
Chương trình học bổng NZSS 2020 đợt 2 chính thức nhận hồ sơ từ 6/7 đến 31/8, nộp đơn trực tuyến tại đây. Để biết thêm thông tin chi tiết về học bổng, độc giả truy cập www.nzschoolscholarships.co.nz.
Bình luận