Những nét chấm phá trong Chuyện của Pao
Đạo diễn cũng không cố gắng tạo dựng kịch tính cho phim, không lệ thuộc vào những "thắt nút- mở nút" cổ điển để phát triển hành động. Cách kể chuyện của Quang Hải là để câu chuyện trôi theo dòng suy nghĩ, cảm xúc của Pao
![]() |
Sau khi bộ phim Người Mỹ trầm lặng của nhà đạo diễn Hollywood gốc Ôtxtralia nổi tiếng Philip Noyce được trình chiếu, cái tên của diễn viên Ngô Quang Hải được báo chí nhắc đến nhiều nhưng thường là gắn liền với tên của Đỗ Hải Yến- cô diễn viên múa đã vượt qua hàng trăm ứng cử viên để được đạo diễn chọn vào vai Phượng. Và nhiều khi, Quang Hải được nhắc vì anh lúc đó là bạn trai của Yến, cũng là người dẫn Yến vào “cuộc chơi” điện ảnh.
Bẵng đi một thời gian, Quang Hải có vẻ như “trầm lặng” ở đâu đó. Và rồi anh cùng Hải Yến (đã trở thành vợ của anh từ 2 năm nay) “tái xuất” trong bộ phim mới do chính Quang Hải viết kịch bản và đạo diễn. Điều này khiến nhiều người tò mò, thậm chí “nghi ngờ”: không biết hình hài cái bộ phim đầu tay của một người trẻ tuổi, chưa từng được học đạo diễn sẽ ra sao? Quay phim “nội” không còn ai nữa hay sao mà đạo diễn phải cất công mời quay phim nước ngoài? Cho dù tay nghề quay phim có giỏi mấy, nhưng lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò "làm chủ hình ảnh" ở thế giới của đồng bào dân tộc H’Mông trên vùng núi cao tít của Việt Nam liệu có tìm được sự đồng điệu?
Thế rồi vào những ngày cuối của năm 2005, bộ phim của Quang Hải được xuất xưởng. Cái tên Tiếng đàn môi sau bờ rào đá vốn tồn tại hàng năm trời trên kịch bản và trong quá trình quay phim được đổi thành Chuyện của Pao- tên chính thức của phim. Vào đến đêm 18/3/2006, tại lễ trao giải Cánh diều vàng của Hội ĐAVN, bộ phim Chuyện của Pao đăng quang giải quan trọng nhất- Giải Phim truyện nhựa hay nhất cùng 3 giải Cánh diều vàng khác cho Quay phim xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Đây quả là một bất ngờ lớn đối với giới nghề nghiệp và khán giả yêu điện ảnh bởi đạo diễn phim Ngô Quang Hải.Từ đó cho đến nay, Quang Hải và Hải Yến cùng với Chuyện của Pao luôn xuất hiện trên báo chí và các chương trình truyền hình. Khán giả được nghe họ bộc bạch, tâm sự rất nhiều; nhiều người khen phim hết lời, nhưng cũng có những người "phản ứng"- đặc biệt là khi nhìn phim từ góc độ bộ phim truyện nhựa hay nhất năm 2005!
Trong bài báo này, chúng tôi muốn góp một cách nhìn khi đánh giá phim Chuyện của Pao.
Đầu tiên, phải nói rằng việc đổi tên phim từ Tiếng đàn môi sau bờ rào đá thành Chuyện của Pao là hợp lý , vì xem phim thì thấy “đàn môi” và “bờ rào đá” không trở thành những hình tượng cụ thể trên màn ảnh, ngược lại, xuyên suốt bộ phim là câu chuyện về cuộc đời của Pao và những người trong gia đình qua lời độc thoại của cô.
Pao là cô gái H’Mông bình thường, nhưng xuất thân trong hoàn cảnh hơi đặc biệt: cô và cậu em trai có một người cha và hai bà mẹ- một bà mẹ sinh ra hai chị em và một bà mẹ nuôi dưỡng chị em cô từ tấm bé. Chính hoàn cảnh đặc biệt của Pao là chất “bột” để làm nên toàn bộ diễn biến phim. Bà Kía- mẹ già, là mẹ nuôi (Như Quỳnh đóng)- không có khả năng sinh nở đã chấp nhận và dồn hết tình cảm vào chăm sóc, nuôi nấng chị em Pao như con đẻ của mình. Bà Sim (Hoa Thuý đóng)- mẹ hai và là mẹ đẻ- hai lần theo ông bố về nhà với cái bụng bầu, lần lượt sinh ra Pao và thằng Chài, nhưng lại có cuộc sống ở nơi khác. Mỗi lần bà Sim xuất hiện trong ngôi nhà, chỉ qua những tình tiết nho nhỏ (ánh mắt nhìn của hai người đàn bà, cách băm bèo, cách dọn mâm bát...) cũng đủ thấy sự khó xử, “bức xúc” trong gia đình gồm một người đàn ông và hai người vợ. Và sau đó là sự rút lui vĩnh viễn của bà Sim, để cho cuộc sống gia đình bình lặng trở lại. Sự bình lặng ấy là mảnh đất nuôi chị em Pao lớn lên trong tình thương yêu của bà mẹ già.
![]() |
Phim bắt đầu bằng cảnh mẹ Kía đi tự tử ở suối mà không thấy xác, bỏ lại Pao với căn nhà trống hoác lạnh lẽo. Cả bản đổ đi tìm, chỉ thấy váy của bà bị trôi theo dòng nước xiết. Pao quyết tâm đi tìm mẹ Sim về cho người cha đang suy sụp và ốm nặng. Và trong hành trình của mình, cô đã vô tình khám phá được những điều bí mật. Các nhà làm phim đã cố gắng "giấu" kịch tại sao mẹ Kía lại tự tử, tại sao bà lại nỡ bỏ lại hai đứa con rất yêu thương bà và bà cũng yêu thương chúng?
Ngô Quang Hải đã chọn một cách kể chuyện riêng, không theo thời gian tuần tự, cũng không theo cách cố gắng mô tả hiện thực, mặc dù thành công của đa số tác phẩm điện ảnh là việc nhà đạo diễn chứng tỏ được khả năng tái hiện cuộc sống một cách sinh động, chân thực và có sức thuyết phục người xem nhất (nghĩa là mô tả hiện thực ra sao để tác động mạnh nhất vào tình cảm, suy nghĩ của người xem, để lại cho họ ấn tượng mạnh nhất). Đạo diễn cũng không cố gắng tạo dựng kịch tính cho phim, không lệ thuộc vào những "thắt nút- mở nút" cổ điển để phát triển hành động. Cách kể chuyện của Quang Hải là để câu chuyện trôi theo dòng suy nghĩ, cảm xúc của Pao. Chính vì vậy mà kết cấu của phim là sự đan xen giữa hiện thực và hồi tưởng của Pao. Đây là cách làm vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi những gì không “nói” được bằng hình ảnh thì đã có tự sự của nhân vật “giải thích” hộ. Nhưng khó bởi cách thể hiện ấy rất dễ gây sự đơn điệu, đôi khi không đủ sức để tác động mạnh vào suy nghĩ và tình cảm của khán giả. Và, trong bộ phim đầu tay này, đạo diễn Ngô Quang Hải đã bộc lộ cả thế mạnh lẫn mặt hạn chế của mình.
![]() |
Điểm mạnh dễ nhận thấy nhất là nhà làm phim đã tạo được một ấn tượng thị giác thực sự trong phim. Những khuôn hình nên thơ mà đầy sức sống đã khẳng định rằng ê kíp làm phim đã không uổng sức khi lăn lộn vất vả suốt một tháng rưỡi trời ở vùng núi cao Hà Giang và cao nguyên Đồng Văn để “săn bắt” những thước phim này! Và phải khẳng định rằng thành công này có được nhờ sự đóng góp quan trọng của nữ quay phim người Anh gốc Ôtxtralia Cordelia Beresford (cùng với sự cộng tác của nhà quay phim Trần Hùng). Thậm chí có người còn nói (một cách hơi quá lời): phim này thành hình được chẳng qua chỉ nhờ quay phim ngoại! Nhưng nhìn một cách công bằng và khách quan, hình ảnh trong phim cũng là để phục vụ cho ý tưởng của đạo diễn. Và ở đây, phần tạo hình rõ ràng đi theo ý đồ sáng tác của Quang Hải, bởi anh thường tâm niệm (và cũng hơn một lần bộc lộ mục tiêu sáng tác này): làm một bộ phim phải đạt được hai mục đích: một là tạo được ấn tượng thị giác mạnh và hai là ấn tượng ấy phải gắn chặt vào câu chuyện phim.
Hình như có một sự khác nhau cơ bản về hình ảnh của nhà quay phim nước ngoài này khi so sánh với hình ảnh trong nhiều bộ phim Việt Nam. Đó là ngoài việc tạo cảm xúc và ấn tượng thị giác, hình ảnh của chị còn cho người xem một sự hình dung rõ ràng, cụ thể về một không gian bao trùm của vùng núi cao phía Bắc Việt Nam (nơi số phận của những nhân vật trong phim chảy theo dòng đời) và sắc thái tinh tế của từng không gian nhỏ (nơi các nhân vật sống với tâm trạng của mình trong những tình huống khác nhau). Với những góc độ, “lát cắt” khác nhau, cách di chuyển hình ảnh, và sự “bám đuổi” nhân vật theo những đường nét không lặp lại, ống kính của Cordelia đã đem đến cho người xem những cảm xúc luôn tươi mới và đây đó le lói những sự bất ngờ. Từ những đỉnh núi mờ sương, phiên chợ tình cho đến vạt hoa cải vàng, khung cổng và mái nhà ngói nhìn từ trên xuống... Những thứ bình thường, quen thuộc dường như bỗng toả ra một ánh sáng lung linh, làm người xem phải thầm thốt lên: đẹp thế mà mình không nhìn ra. Đây phải chăng là “món quà” (được tạo nên từ cảm xúc và sự phát hiện) mà nghệ thuật thường ban thưởng cho những nhà nghệ sĩ khi khai phá những vùng đất lạ. Và, chúng ta cũng từng gặp điều này trước sự khám phá những hình ảnh Việt Nam thân quen trong bộ phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng.
Trong Chuyện của Pao, đạo diễn Ngô Quang Hải tỏ ra rất có ý thức tận dụng thế mạnh của ngôn ngữ điện ảnh. Cách lựa chọn những khuôn hình ấn tượng có sức chuyên chở sự kiện, cách dựng phim linh hoạt khiến phim có tiết tấu khá hợp lý và một sự uyển chuyển ngay cả khi chuyển từ mạch phim dồn dập sang khúc trữ tình. Điều đáng mừng là người xem không cảm thấy khó chịu bởi mỗi thước phim đều đem lại những cảm xúc nhất định mà không "lộ" bàn tay sắp xếp hay sự áp đặt của đạo diễn. Thế rồi, từ những tình tiết khá ý nhị trong phim, người xem dần khám phá ra mấu chốt của mọi chuyện. Pao rúc trong lòng mẹ Kía hàng đêm, mỗi khi mẹ Sim về Pao vùng vằng giận dỗi như muốn đuổi bà đi nhưng rồi mẹ Kía vẫn "đọc" được tình cảm thầm kín trong lòng cô: "Con vẫn nhớ nó (mẹ Sim- NPL.), đúng không?". ý nghĩ của mẹ Kía- đàn bà không có con cũng giống như tảng đá kê chân cột nhà sàn người ta- càng ngày càng hé lộ, trở thành lời nguyền rủa độc địa cứa vào lòng bà. Và, mạnh hơn tất cả là tiếng gọi của tình yêu từ thời son trẻ- tình yêu tưởng như đã chôn sâu trong tro bếp nhà chồng suốt những năm tháng bà phục vụ chồng, nuôi con- nay bỗng nhiên được nhen nhóm lại khi các con nuôi của bà đã lớn.
Cái "nút" bí mật mà các nhà làm phim giấu từ đầu phim: cảnh người đàn bà (mà sau đó người xem biết đó là mẹ Kía) ngồi bất động trên mỏm đá trước dòng suối chảy xiết bỗng được bật ra một cách bất ngờ nhưng cũng rất hợp lý trên đường Pao đi tìm mẹ Sim. Người đàn bà ấy- mẹ Kía- vẫn sống. Hơn nữa, bà đang sống hạnh phúc bên người đàn ông bà yêu thương từ khi còn trẻ trong cái quán cóc đơn sơ trên con đường vắng vẻ, cách xa ngôi nhà trong cái bản mà bà bỏ lại sau lưng đến mấy ngày đường! Pao sững sờ khi thấy mẹ Kía, cô đứng khuất sau xe ô tô, lén dõi theo bà tươi tắn và như trẻ lại bên cạnh người đàn ông, nước mắt lưng tròng vì mừng vì tủi. Lòng những muốn lao đến ôm chầm lấy mẹ, nhưng Pao vẫn cố kìm lòng, rồi cô lặng lẽ lên xe bởi biết rằng sự xuất hiện của mình sẽ làm xáo động cuộc sống mới của mẹ! Đây chính là một điểm nhấn quan trọng để Pao bộc lộ hết chiều sâu tình cảm mình, nhân vật đã trưởng thành thêm một bước mà giá trị nhân văn của phim cũng được đẩy lên một nấc!
Chuyện của Pao đem đến một màu sắc riêng, "chất liệu" chính trong đó là những nét chấm phá trôi theo dòng cảm xúc. Điều này tạo cho bộ phim một "chất nhựa", để lại cho người xem ít nhiều ấn tượng và sự xúc động. Nhưng, cũng giống như nhiều đạo diễn, chắc hẳn Ngô Quang Hải luôn ở trong tâm trạng "sợ" người xem không hiểu ý mình nên thường xuyên cố gắng giải thích. Mọi lời giải thích lại "thường xuyên" đặt vào lời tự sự của Pao. Đây chính là nguyên nhân gây "dị ứng" đối với không ít người. Thực ra thì Hải Yến có gương mặt khá nhạy cảm ( tuy có hơi sắc nét kiểu thị thành), cô hoàn toàn có thể diễn thay cho nhiều đoạn độc thoại... thừa! Tiếc rằng đạo diễn đã tiết chế hiệu quả phần đối thoại, để hình ảnh và dựng phim (montage) phát huy sức mạnh của mình. Nhưng tiếc là anh lại không kiệm lời độc thoại của Pao, mà cũng không cho cô thêm những khoảng tĩnh cần thiết thay vì những lúc Pao đi lại, đứng lên ngồi xuống tất bật!
Chi tiết rất quan trọng đối với một tác phẩm điện ảnh và Ngô Quang Hải cũng tỏ ra chú ý đến việc sử dụng chi tiết. Nhưng sức mạnh của chi tiết phụ thuộc hoàn toàn vào sức sáng tạo của đạo diễn khi sử dụng nó. Trong phim có không dưới ba lần các nhân vật (chủ yếu là Pao) bị... chảy máu tay, mà những điều cần dự báo mỗi khi chi tiết ấy lặp lại không gây được cú sốc hay sự thú vị cho khán giả. Điều này khiến chi tiết trở nên nhàm, không còn sức nặng. Cũng như vậy, mối quan hệ giữa các nhân vật thường là những dấu hiệu để triển khai các tình huống, hành động quan trọng trong phim. ở Chuyện của Pao, người tình của mẹ Kía lại chính là ông bố của Chử- tình yêu đầu của Pao. Điều này có ý nghĩa gì? Nó có ảnh hưởng gì đến tình yêu Pao- Chử không? Nếu người ấy không phải là bố Chử thì có gì khác không? Tất cả những câu hỏi đó không tìm được câu trả lời trong phim, hoặc giả cũng chẳng có gì là khác biệt nếu cứ dõi theo diễn biến của phim. Có lẽ đạo diễn cũng không lưu ý để có sự chăm chút xứng đáng cho những mối quan hệ này. Cách đan cài các nhân vật như vậy dường như hơi đơn giản, thậm chí khiến người xem cảm thấy sự giả tạo. Có lẽ nếu không đủ sức chăm chút cho mối quan hệ của các nhân vật- cụ thể là ông bố Chử- thà rằng cứ để cho ông ta là một người đàn ông xa lạ nào đó, xuất hiện thấp thoáng cùng mẹ Kía thì sự mờ ảo ấy còn có hiệu quả cao hơn!
Âm nhạc trong phim phải nói rằng rất đẹp, rất sang trọng. Nhưng dường như đối với một bộ phim- nhất là bộ phim về những con người miền núi này- thì cái đẹp, cái sang trọng ấy đôi khi lại lạc điệu, bởi nó thiếu một sự gắn bó máu thịt với cuộc sống vốn mộc mạc như cây cỏ, giảm dị như thiên nhiên của họ.
Cho dù còn những nét vụng về nhưng Chuyện của Pao đã tạo nên màu sắc của một bài ca về cuộc sống của những con người trên vùng núi cao- những người tưởng như đã chấp nhận những gì mà số phận đã an bài nhưng rồi tình yêu lại đánh thức họ dậy vào lúc cuộc đời đã xế bóng và họ đã dám đi theo tiếng gọi của tình yêu. Bao trùm lên tất cả là lòng bao dung, vị tha trong quan hệ giữa người với người và đây là điều in dấu đậm nét của phim.
Ngô Phương Lan
TGĐA Online