Số liệu được Bộ GD&ĐT công bố cho biết tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của năm 2019 là 2.575.171. Trong đó, các khối ngành III, V, VII có số lượng nguyện vọng nhiều, từ 641.157 đến 822.956. Cũng dễ hiểu vì chỉ tiêu cũng khá lớn, nhưng trên hết là sức hút của ngành, bởi sinh viên có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Ngành Công nghệ Thông tin bứt phá
Năm 2019, khối ngành V có 641.157 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, chiếm trên 1/4 tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Đây là khối các ngành Toán và Thống kê, Máy tính và Công nghệ Thông tin, Công nghệ Kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và Chế biến, Kiến trúc và Xây dựng, Nông lâm và Thuỷ sản, Thú y với tổng chỉ tiêu 159.349.
Thí sinh làm thủ tục nhập học ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Người Lao Động. |
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, khối ngành này có nhiều ngành như Công nghệ Kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và Chế biến luôn có lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển cao, điểm trúng tuyển cũng cao.
Về truyền thống, một số ngành như Kỹ thuật Ôtô, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hoá... luôn có nhiều nguyện vọng đăng ký, điểm chuẩn cao. Tuy nhiên, năm nay, nhóm ngành Công nghệ Thông tin bứt phá khi điểm chuẩn của ngành này ở nhiều trường cao nhất.
Tại ĐH Bách khoa TP.HCM, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Khoa học Máy tính với 25,75, tiếp theo là Kỹ thuật Máy tính với 25 điểm. Đây cũng là điểm chuẩn của ngành Kỹ thuật Ôtô.
Tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, nhóm ngành Công nghệ Thông tin cũng có điểm chuẩn cao nhất, trong đó ngành Khoa học Máy tính có điểm chuẩn cao nhất với 27,42.
Theo các chuyên gia, nhóm ngành Công nghệ Thông tin không thể thiếu ở bất cứ nơi đâu trong thời đại số. Không chỉ phát triển trong nước, nhóm ngành này còn có nhiều triển vọng để phát triển ra nước ngoài. Vì vậy, đây cũng là xu hướng trong việc chọn ngành học của học sinh.
Nhóm ngành Kinh doanh dẫn đầu
Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết khối ngành III, bao gồm: Kinh doanh và Quản lý, Pháp luật có số lượng đăng ký xét tuyển nhiều nhất với 822.956 nguyện vọng, gấp 6,5 lần so với tổng chỉ tiêu.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng không chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước, khối ngành này được nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển.
Các ngành như Quản trị Kinh doanh, Marketing, Quản trị Dịch vụ, Kinh tế, Kế toán Tài chính… luôn "hot". Điểm chuẩn của khối ngành này ở nhiều trường đại học rất cao. Có thời điểm nền kinh tế bị chững lại, nhóm ngành kinh tế cũng bị tác động nhưng lại phục hồi. Đặc biệt, khi nền kinh tế phát triển như hiện nay, nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn.
Nhiều ý kiến khác cho rằng ưu điểm khi học lĩnh vực Kinh tế, Tài chính là dễ dàng tìm việc trong tất cả các doanh nghiệp vì tính linh hoạt của nó rất cao. Khác với lĩnh vực kỹ thuật Công nghệ hay Y - Dược... phải chuyên sâu mới làm việc được, nhóm ngành kinh tế giúp các em có rất nhiều cơ hội việc làm với nhiều vị trí khác nhau.
Hiện nay, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng cao, mỗi năm hàng trăm doanh nghiệp mới được thành lập, kinh tế hội nhập… Vì vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên khối ngành này trong tương lai luôn cao.
Khối công an, quân đội "chọi" cao
Khối ngành có tỷ lệ "chọi" cao nhất (1/7) là VII (Nhân văn, Khoa học Xã hội và Hành vi, Báo chí và Thông tin, Dịch vụ Xã hội, Khách sạn - Du lịch - Thể thao và Dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và Bảo vệ môi trường, An ninh Quốc phòng) - chỉ 104.769 chỉ tiêu nhưng có đến 739.587 nguyện vọng.
Một số chuyên gia cho rằng nhiều ngành trong khối ngành này hiện không còn hấp dẫn người học như trước kia. Song, trong khối ngành này có các ngành nhóm an ninh, quốc phòng, tuy chỉ tiêu ít, số nguyện vọng đăng ký rất cao nên kéo tỷ lệ "chọi" rất cao.
Khối ngành sức khỏe chưa bao giờ hết "nóng"
Khối ngày có tổng số NV đăng ký không nhiều, với 199.573 nguyện vọng. Tuy nhiên, vì chỉ tiêu ít (34.352), tỷ lệ chọi cũng rất cao (5,8/1). Điểm trúng tuyển ở nhiều trường ĐH chuyên đào tạo y dược cũng cao chót vót.