Sáng 3/1, nhiều bạn trẻ tranh thủ ghé thăm 60S (Sixty Square), hay còn được gọi là tổ hợp 60S, 60S Thổ Quan, lần cuối trước khi nơi này chính thức đóng cửa sau hơn 3 năm hoạt động.
Theo ghi nhận của phóng viên Zing, phần lớn cửa hàng ở khu tổ hợp đã “cửa đóng then cài”, chỉ còn một vài cửa hàng cà phê, quần áo vẫn mở bán.
Hội chợ cuối cùng ở khu tổ hợp 60S Thổ Quan (Hà Nội). |
Ở khu vực tầng 2 dãy nhà ngoài, có cửa hàng đã tháo dỡ hết đồ, gỡ khung cửa sổ, một số nơi vẫn để lại quần áo bên trong, chờ ngày dọn đi. Gần lối cổng vào, các thùng hàng được chuyển ra dần. Các chủ shop cũng đang tiến hành thu gom đồ đạc.
Dưới khu vực sân chung, một hội chợ nhỏ diễn ra trong ngày cuối tổ hợp này đón khách.
"Không biết hôm nay là ngày cuối"
Xuất hiện từ tháng 8/2017, 60S Thổ Quan là khu tổ hợp nằm trong ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên (Hà Nội) với nhiều loại hình dịch vụ giải trí.
Tổ hợp 60S được sửa chữa và thiết kế lại từ không gian một khu biệt thự cổ kiểu Pháp. Với hai tòa nhà được nối liền nhau bằng hành lang dài, 60S Thổ Quan thu hút nhiều bạn trẻ thích phong cách xưa cũ, hoài cổ.
Trước khi có tin đóng cửa, có khoảng 30 cửa hàng hoạt động tại đây, đa dạng từ cửa hàng quần áo, bán phụ kiện cho đến cà phê, quán trà, bể cả thủy sinh, shop truyện tranh.
Nhiều cửa hàng ở 60S Thổ Quan đã đóng cửa, tìm địa điểm kinh doanh mới. |
Từ đêm 31/12 đến hết ngày 3/1, tổ hợp 60S tổ chức một chuỗi các hoạt động như hội chợ, đốt lửa trại, trình diễn nhạc rock… để chào tạm biệt địa điểm đã gắn bó với cộng đồng từ năm 2017.
Lang thang với chiếc máy ảnh trên tay, Hà Vy (18 tuổi) là một trong những vị khách tới tổ hợp sớm nhất, khi chủ các gian hàng trong hội chợ vẫn còn đang bận bày biện đồ.
“Mình đến cùng với bạn vừa để tham gia hội chợ, vừa tranh thủ chụp ảnh trước khi tổ hợp bị niêm phong. Trước đây, mình thường lui tới tiệm bánh ngọt Èn Èn ở tầng 2. Giờ chỗ này đóng cửa, họ chuyển lên tận Cầu Giấy, khá xa xôi so với nhà mình”, Hà Vy chia sẻ với Zing.
Với Long (22 tuổi, Nam Định), quán Cầm ở tầng 2 khu biệt thự trở thành địa chỉ ruột suốt gần 3 năm qua. Cậu sinh viên năm cuối theo học trong Huế, mỗi tháng ra Hà Nội có công chuyện lại ghé quán gọi đồ như một thói quen.
Sáng ngày cuối cùng hoạt động, nhiều bạn trẻ ghé các quán cà phê nằm trong tổ hợp. |
“Ở Hà Nội, mình thấy quán này là nơi có không gian nhẹ nhàng nhất”, Long chia sẻ. Không phải đồ uống, thứ khiến Long gắn bó với quán là không gian xưa cũ, có nét tương đồng với Huế. Quán cũng thường bật những bản nhạc xưa mà cậu yêu thích.
"Đây là lần cuối mình được ngồi ở quán rồi. Lúc hay tin sắp đóng cửa, mình buồn chứ. Bạn bè mình ngoài này tụ tập ở đây là chính. Lần tới ra Hà Nội, mình chưa biết sẽ ngồi quán nào đây", Long chia sẻ.
Giống với Long, Anh Thư (24 tuổi) ghé quán cà phê KoFi nằm trong khu tổ hợp đều đặn mỗi 2 tuần. Dù đi nhiều hàng cà phê khác, cô vẫn thường xuyên ghé qua đây và dẫn thêm bạn bè.
Gần nhà, không gian yên tĩnh, view nhìn ra ao nước xanh độc lạ là những điểm khiến cô yêu thích. Thư tỏ vẻ ngạc nhiên khi được tiết lộ nơi này sắp đóng cửa.
"Mình không hề biết hôm nay là ngày cuối 60S Thổ Quan hoạt động. Mình hy vọng sẽ có một tổ hợp khác như vậy hay tìm được một quán cà phê khác tương tự", cô nói.
Một chủ cửa hàng truyện tranh đang thu dọn đồ đạc vào các thùng hàng. |
Khó có địa điểm nào tương tự
Sự góp mặt của gần 15 cửa hàng đặt quầy tại hội chợ cũng khiến cho cộng đồng 60S náo nhiệt, vui vẻ hơn trước thời điểm tạm biệt.
Hương (sinh năm 1990), chủ của một hàng quần áo second-hand, cho biết cô không thuê mặt bằng ở tổ hợp 60S nhưng từng ghé qua đây một số dịp.
“Mình cảm thấy tiếc nuối khi nơi này đóng cửa. Mỗi lần ghé thăm, không gian cổ kính của 60S luôn mê hoặc mình và cả những đêm nhạc sống tại quán cà phê ở tầng 2 nữa”, cô nói.
Tiếc nuối cũng là cảm giác chung của các vị khách ghé tới tổ hợp lần cuối lẫn những con người gắn bó với nơi này từ ngày đầu.
Anh Cao Trung Hiếu (sinh năm 1989) là người gắn bó với khu tổ hợp 60S Thổ Quan từ những ngày đầu hoạt động. |
Anh Tùng (31 tuổi), chủ một cửa hàng bán bể cá thủy sinh, cây cảnh trong tổ hợp, cho biết đã tính tìm địa điểm mới nhưng thật sự tìm được một không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, hoài cổ như 60S chắc không còn.
“Ở đây vui, có nhiều bạn trẻ có cá tính, thích nghệ thuật. Bọn mình vừa làm việc kiếm tiền vừa giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau. Khách ở đây là khách chung, không chỉ đến một quán mà đi cả khu. Giờ đóng cửa, mỗi người lại tứ tán đi một hướng", anh nói.
Sát ngay cạnh cửa hàng của anh Tùng là quán cà phê KoFi của người bạn Cao Trung Hiếu (31 tuổi). Giống với bạn mình, anh Hiếu gắn bó với 60S Thổ Quan từ những ngày chưa có nhiều người biết tới.
Lần đầu đến đây, anh đã thích không gian nơi này, quyết định kinh doanh tại đây đưa ra nhanh chóng.
Quán cà phê anh gây dựng cũng là "đứa con tinh thần" nhiều ý nghĩa, nơi nhiều chiếc bàn do đích thân anh đóng, nơi tụ tập bạn bè, hàng tuần tổ chức ca nhạc giữa những "bạn đến chơi nhà", cụm từ anh Hiếu vẫn dùng để mô tả các vị khách ghé quán.
Chia sẻ với Zing, anh Công (31 tuổi), nhân viên trông giữ xe tại tổ hợp 60S, cũng không khỏi tiếc nuối khi nơi làm việc hơn 1 năm qua của anh dừng hoạt động.
"Nhiều cửa hàng dọn dẹp xong xuôi rồi. Một số khác do chưa tìm được mặt bằng nên xin phép chính quyền để lại đồ đạc ở đây vài hôm. Bãi trông ôtô ở đây cũng bị chuyển đi nốt theo yêu cầu. Tuy nhiên, lượng xe ở đây khá nhiều, chủ yếu của người dân sống quanh đây. Vì vậy, nhiều người đề nghị cho họ thêm chút thời gian để tìm chỗ gửi mới”, anh chia sẻ.