Đứa cháu trai 3 tuổi rất thích nghe Trinh hát. Từ thể loại thiếu nhi cho đến các bài hát đang thịnh hành, nhạc tiếng Anh…, cậu bé đều có thể tươi cười, nhún nhảy mỗi khi giọng của dì út cất lên.
Gần 1 tuần qua, ngày nào Trinh cũng hát và nhảy cùng Bin (con trai của chị cả) như vậy dù cả hai đang sống cách nhau nửa vòng trái đất.
Hà Trinh (24 tuổi) hiện du học tại Mỹ, còn cháu trai cô đang sống cùng gia đình tại Việt Nam. Hơn một năm nay, Trinh không về quê. Cô quyết định không nghỉ Tết Nguyên đán để tập trung làm luận văn tốt nghiệp và dự định về nước vào cuối tháng 3.
Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến Trinh giờ đây một mình ở lại nước Mỹ xa xôi và ngắm nhìn bố mẹ, người thân mỗi ngày qua FaceTime.
“Mình đã có thể về nhà nhưng sau cùng mình quyết định ở lại đến khi hết dịch. Mình không muốn mạo hiểm sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh trước đại dịch”, 9X nói.
Người dân ngồi cách xa nhau trong khi chờ đến lượt tại một cơ sở xét nghiệm nhanh ở Hà Nội. Ảnh: Reuters. |
Giống như Trinh, hàng triệu người khác cũng đang ở nhà để thực hiện lệnh cách ly xã hội, phòng dịch Covid-19. Trong những ngày này, hình ảnh về thế giới như bị “kéo giãn” được nhiều người chia sẻ. Từ xếp hàng đi siêu thị, tuyển dụng, đám cưới, cầu nguyện nhà thờ… mọi người luôn cố duy trì khoảng cách an toàn 2 m với những người xung quanh.
Thế nhưng, trong chính khung cảnh có phần xa cách đó, con người lại dường như có nhu cầu quan tâm, chia sẻ với người xung quanh nhiều hơn. Dù ở bên cạnh hay cách người thân, bạn bè hàng nghìn km hoặc nửa vòng địa cầu, mọi người bằng cách này hay cách khác đã sẵn sàng và bắt đầu kết nối cùng nhau.
Nguy cơ trầm cảm khi cách ly xã hội
Dịch Covid-19 bùng phát không chỉ khiến 1/3 dân số thế giới phải cách ly ở nhà mà còn buộc hàng triệu người dân phải tập thích nghi với những thói quen mới, duy trì “sống khác” trong ít nhất 2 tuần. Trường học đóng cửa, làm việc tại nhà, hạn chế tụ tập, không tiệc tùng, hội hè… tất cả được khuyến cáo duy trì khoảng cách.
Tuy nhiên, nếu hiểu cách ly xã hội là tự đóng mình, cô lập bản thân trong 4 bức tường, cắt đứt mọi mối liên hệ với bạn bè, người thân, bạn có thể gặp một vấn đề khác nan giải không kém virus corona, theo bác sĩ Alan Teo đang giảng dạy tại Đại học Y khoa và Khoa học thuộc Đại học Oregon (Mỹ).
Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa xa cách xã hội với các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm. Trong một nghiên cứu năm 2018, bác sĩ Teo tìm thấy rằng việc trò chuyện qua video giúp giảm nguy cơ trầm cảm ở những người từ 60 tuổi trở lên, một nhóm có khả năng bị cô lập về mặt xã hội nhiều hơn những người trẻ tuổi. Trò chuyện video hiệu quả hơn email, phương tiện truyền thông xã hội và nhắn tin.
Cách ly xã hội không có nghĩa là cắt đứt mọi mối liên hệ. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Rất khó để nghĩ về nhược điểm của việc rửa tay vì tôi có thể đối phó với bàn tay khô, nứt nẻ, tức hậu quả của nó. Nhưng rất dễ dàng nhận ra những tác hại của sự xa cách xã hội vì chúng ta vốn không thích nó, đặc biệt khi phải làm điều đó trong một khoảng thời gian dài”, bác sĩ cho biết.
Trên thực tế, các ứng dụng trò chuyện trực tuyến, FaceTime đang được sử dụng trong mùa dịch nhiều hơn bao giờ hết.
Với Trinh, gọi FaceTime cho bố mẹ trở thành thói quen mỗi ngày của cô trong gần một tháng qua. Trước đây, thông thường cô chỉ gọi điện về nhà mỗi tuần một lần và thường hỏi thăm mọi người thông qua tin nhắn, mạng xã hội. Đôi lúc vì bận rộn học tập, làm thêm cô còn có thể không nhận điện thoại từ gia đình.
Nhưng đại dịch Covid-19 khiến Trinh nghĩ khác đi. “Dù ở xa đến đâu đi nữa, cảm giác chỉ cần một chuyến bay là có thể về ngay với bố mẹ vẫn khiến mình ít để tâm đến việc liên hệ, kết nối. Còn hiện tại, cảm giác một mình và cả sự rảnh rỗi khi không đến trường, ra ngoài khiến mình có nhu cầu FaceTime mỗi ngày với người thân, bạn bè”.
“Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn”
Không chỉ với những ai sống xa nhà như Trinh, ngay cả những người đang ở cạnh gia đình, mùa dịch cũng là cơ hội để kéo họ lại gần hơn với các thành viên khác.
Chị Phương Nhi (38 tuổi, sống tại quận 2, TP.HCM) cho biết chưa bao giờ gia đình 4 người của chị lại có nhiều bữa cơm quây quần, đông đủ như 2 tuần qua.
Trước đây, lịch học của các con, công việc của bố mẹ luôn chồng chéo lên nhau khiến mọi người khó sắp xếp thời gian để ngồi lại cùng ăn uống, trò chuyện hay xem TV. “Cứ ai việc người nấy, mạnh ai nấy làm. Xong một ngày, nhiều khi mình cũng chẳng buồn nhìn mặt chồng”, chị Nhi nói.
Ngoài bận rộn, nữ nhân viên văn phòng 38 tuổi thừa nhận cuộc sống đầy đủ và mọi thứ luôn tiện nghi, có sẵn cũng khiến bản thân ít chú tâm vun vén những thứ nhỏ nhặt. “Mình từng nghĩ bữa cơm gia đình đơn giản vì chỉ một cuộc điện thoại là thức ăn giao đến tận nhà, không ăn cơm nhà thì ra hàng quán”.
Các ông bố bà mẹ có nhiều thời gian ở cạnh con cái hơn trong mùa dịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tuy nhiên, nhờ vào việc "sống chậm" trong mùa dịch, giống nhiều người khác, chị Nhi nhận ra nhiều thứ, tìm được nhiều điều ý nghĩa. Nếu so với cuộc sống hối hả thường nhật sẽ thật khó cảm nhận sâu sắc.
Giờ đây, bữa cơm gia đình là điều không thể thiếu. Cô con đầu sắp vào lớp 7 của chị thường ngày ít nói, nay bắt đầu tập hỏi han, kể chuyện cá nhân nhiều hơn với bố mẹ.
Điều lớn nhất mà chị Nhi nhận ra khi cùng người thân tập “sống chậm” trong mùa dịch là tất cả bắt đầu “nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn”. “Cách ly xã hội đối với mình mang đến nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực. Dù hạn chế ra ngoài, tiếp xúc với mọi người xung quanh nhưng lại được gần gũi, thân thiết hơn với chồng con trong những ngày này”.
"Nếu khó khăn, xin hãy lấy một phần"
Duy trì khoảng cách vật lý nhưng san sẻ và yêu thương, đặc biệt đối với những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Vì lẽ đó, những tấm biển "Nếu khó khăn, xin hãy lấy một phần", "Ai cần cứ đến lấy" xuất hiện ngày một nhiều trên những con đường, ngõ hẻm tại TP.HCM và Hà Nội.
Với thông điệp chia sẻ cùng nhau vượt qua đại dịch, những thùng mì, quả trứng, túi gạo được trao miễn phí cho người già, vô gia cư, khuyết tật, bán vé số ở nhiều nơi.
Những tấm lòng thơm thảo không chỉ sẻ chia yêu thương với người có hoàn cảnh khó khăn mà còn góp sức động viên cả đội ngũ tuyến đầu chống dịch, bao gồm các nhân viên y tế, cán bộ, lực lượng dân quân, chiến sĩ tại khu cách ly.
Các điểm tặng thực phẩm miễn phí tại Hà Nội. Ảnh: Duy Hiệu. |
Du học sinh về nước cách ly ủng hộ toàn bộ tiền tiết kiệm cho công tác chống dịch. Người nông dân tất tả chở từng bao gạo, quả bí và cả những cụ già tay xách nách mang từng mớ rau nhà trồng đến tặng khu cách ly. Tất cả những hình ảnh tốt đẹp khiến chúng ta lạc quan, mạnh mẽ hơn khi đối mặt với dịch bệnh.
14 ngày “sống khác” không chỉ là khoảng thời gian thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cách ly tại nhà phòng dịch Covid-19 mà còn là cơ hội để kết nối, chia sẻ nhiều hơn với bạn bè, người thân, xã hội.
Lời hỏi thăm qua màn hình điện thoại từ người thân, tin nhắn quan tâm đến bạn bè, tấm biển ghi lời động viên, của một người xa lạ... đôi chút còn lạ lẫm song đều góp phần lan tỏa yêu thương. Tất cả đang cùng nhau truyền đi thông điệp: "Giữ khoảng cách nhưng không hề xa nhau" trong mùa dịch này.