Các bài viết đều thể hiện sự tâm huyết với nghề, sự trăn trở đầy trách nhiệm với thiên chức nhà giáo, sự quan tâm hết lòng vì học sinh thân yêu.
Tuy nhiên, một số bài viết do cái nhìn xuôi chiều, theo tâm lý số đông, hùa theo dư luận nên đôi khi có sự đánh giá thiếu công bằng, thiên lệch, chưa thỏa đáng với giáo dục hiện nay.
Nhà giáo có còn cao quý
Đề tài nhạy cảm nhất với nhà giáo có lẽ đó là đề tài: Nhà giáo có còn cao quý? Nếu nói nghề giáo không còn cao quý thì rất thiếu khách quan.
Hàng năm cả nước tăng thêm khoảng 22.500 - 23.000 sinh viên ĐH Sư phạm và 24.500 - 26.000 sinh viên CĐ Sư phạm, đó là chưa kể học viên các trường trung cấp Sư phạm.
Ảnh minh họa: VietNamNet. |
Chỉ riêng con số này đủ trả lời nghề giáo có còn cao quý hay không, nghề giáo có được thế hệ trẻ lựa chọn hay không.
Chỉ tiếc rằng, đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế, thiếu dự báo về nhân lực lao động nên đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên, theo dự báo của Bộ gần đây.
Dạy thêm là do nhu cầu của người học
Về dạy thêm, nhà nước không cấm dạy thêm, chỉ cấm dạy thêm trái phép, sai quy định như dạy thêm không có giấy phép, dạy trước chương trình, dạy học sinh lớp mình đang dạy chính khóa, ép học sinh học thêm, thu tiền cao hơn quy định, phân biệt đối xử đối với học sinh không học thêm...
Có người nói “có cầu mới có cung”, giáo viên dạy thêm là do nhu cầu của học sinh, vì chất lượng học tập của các em nên phải dạy thêm. Vậy thì đừng thu tiền các em. Đằng này lại thu tiền, thu khoảng 200.000 - 500.000 đồng/học sinh/tháng, thậm chí hơn nhiều.
Công bằng mà nói, do chương trình học quá tải, học sinh phải đi học thêm là điều có thật. Học sinh cần học để theo kịp chương trình hoặc để đạt kết quả học tập khá, giỏi. Giáo viên dạy thêm vì thu nhập, điều đó rõ ràng.
Dạy thêm - học thêm, lợi cả đôi đường, thế mà có nhà giáo lên diễn đàn giáo dục than rằng: “Nỗi niềm giáo viên dạy thêm”. Dạy thêm để cải thiện thu nhập chứ có ai bắt buộc phải dạy đâu mà “nỗi niềm”, “tâm tư”? Nỗi niềm là từ phía người học mới đúng. Giáo viên “gài thế” để học sinh học thêm nhưng yêu cầu học sinh viết đơn xin học, phụ huynh ký xác nhận để “hợp thức hóa” rằng học sinh “tự nguyện” học thêm!
Nếu bỏ qua yếu tố tiêu cực này, tất nhiên, đối với học sinh có điều kiện kinh tế gia đình, học thêm là cần thiết, nhiều em học giỏi, đỗ cao trong các kỳ thi là nhờ học thêm. Vậy thì dạy thêm, học thêm không hoàn toàn là tiêu cực.
Không còn nghi ngờ gì nữa, học thêm tạo sự căng thẳng về học tập cho học sinh, đánh mất khả năng tự tin, khả năng tự học, tự nghiên cứu của các em; tạo gánh nặng về học phí đối với phụ huynh.
Tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng khẳng định, nhất quyết trong năm học tới phải dứt khoát bỏ dạy thêm học thêm. Ông nói: “Tại sao các trường quốc tế thu học phí cao, không dạy thêm học thêm mà phụ huynh người ta vẫn vào. Năm nay thành phố dứt khoát không dạy thêm học thêm, tuyệt đối không mở các lớp dạy thêm tại các trường học. Hội nhập mà còn dạy thêm học thêm, chạy trường chạy lớp thì sao hội nhập được”.
Người thầy tự "hạ giá" bản thân
Có ý kiến cho rằng, “trước đây khi môi trường xã hội ít “nhiễm độc”; trường lớp, học sinh chưa nhiều, hình ảnh người thầy, cô giáo thật đẹp đẽ, cao quý trong tâm trí bao học trò, được cả xã hội quý trọng, hiếm khi thấy có chuyện học sinh vô lễ, xúc phạm, hành hung… giáo viên”.
Vậy có phải môi trường xã hội ngày nay “nhiễm độc” hơn trước?
Và có phải vì “trường lớp, học sinh chưa nhiều” nên “hình ảnh người thầy, cô giáo thật đẹp đẽ, cao quý trong tâm trí bao học trò, được cả xã hội quý trọng”?
Lập luận này e rằng chưa vững, chỉ là phán đoán cảm giác. Xã hội ngày càng văn minh, môi trường xã hội phải ít “nhiễm độc” hơn mới đúng. Trường lớp, học sinh nhiều không phải là nguyên nhân làm cho hình ảnh người thầy bớt cao quý.
Đúng là ngày nay hình ảnh người thầy có biểu hiện kém “thiên” hơn trước, nhưng không phải vì nguyên nhân trên. Nhà trường, mà trước hết là nhà giáo phải chịu trách nhiệm về điều này.
Một bộ phận giáo viên thiếu chuẩn mực, mô phạm, thậm chí vi phạm đạo đức nhà giáo đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự người thầy. Sàm sỡ, xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân phẩm, thiếu công tâm, vô trách nhiệm trong giáo dục học trò, biến học trò thành nạn nhân của bệnh thành tích trong giáo dục ... chính là sự tự “hạ giá” của người thầy giáo.
Thầy giáo cũng là con người, cũng hỉ - nộ - ái - ố, tham - sân - si như bao người khác. Nhưng do đặc điểm nghề nghiệp nên họ phải biết tiết chế, giữ mình theo “khuôn vàng thước ngọc”. Vì vậy hầu hết nhà giáo đều chuẩn mực, phẩm chất trong sáng, ngày đêm cống hiến thầm lặng cho đời. Tuy nhiên, một số ít giáo viên (tôi không muốn gọi là nhà giáo, vì không xứng đáng) chưa đủ bản lĩnh nghề nghiệp, gây ra những bê bối, làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín nhà giáo - vài “con sâu làm rầu nồi canh”.
Bệnh thành tích là của ngành?
Về “bệnh thành tích”, căn bệnh trầm kha trong giáo dục mà xã hội lên án, “thủ phạm chính” là nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục nhưng bên cạnh đó còn có một thủ phạm khác - đó là phụ huynh và xã hội. Nhiều học sinh phổ thông hư hỏng, lười học, thiếu lễ độ với thầy cô giáo, lười vận động tư duy, hời hợt trong nhận thức và hành động ... nhưng ít phụ huynh chấp nhận sự thật này, lại muốn con mình được lên lớp, được tốt nghiệp, được khen thưởng ...
Phụ huynh và xã hội lên án gay gắt một kỳ thi thiếu nghiêm túc, nhưng nếu ngành giáo dục “siết chặt”, tỷ lệ tốt nghiệp thấp, phản ánh đúng thực chất thì liệu phụ huynh và xã hội có chấp nhận sự thật đó, hay lại lên án ngành giáo dục?
Vậy khi nào nhà trường, gia đình và xã hội không “nhìn thẳng vào sự thật”, không “đánh giá đúng sự thật”, không “chấp nhận sự thật” - thì bệnh thành tích vẫn còn đó, dù có lên án hay hô hào thay đổi đến mức nào đi nữa.
“Bệnh thành tích”, căn bệnh không có trong y văn nhưng tồn tại trầm kha không chỉ riêng gì ngành giáo dục.
Internet, thông tin đa chiều tác động xấu tới giáo dục?
Có ý kiến võ đoán rằng, “thời buổi công nghệ, internet bùng nổ, thông tin đa chiều đã ảnh hưởng, tác động, nhìn nhận tiêu cực, xấu xí về môi trường giáo dục”.
Ảnh: VietNamNet. |
Sự phản ánh quá mức, thiếu khách quan của báo chí đối với một vài hiện tượng giáo dục là có nhưng không nhiều. Còn “thời buổi công nghệ, internet bùng nổ, thông tin đa chiều” không phải là thủ phạm gây “ảnh hưởng, tác động, nhìn nhận tiêu cực, xấu xí về môi trường giáo dục” như có người nói.
Phải cảm ơn Internet, thông tin đa chiều đã giúp mọi người thoát khỏi cái “ao làng bằng phẳng” để nhìn ra bên ngoài, biết mình - biết người, thấy cái hay của người mà học, thấy cái xấu của người mà tránh. Công nghệ thông tin “vô tội” trong việc truyền tải thông tin về hình ảnh người thầy giáo.
Một tác giả khác lại nhận định: “Môi trường xã hội ngày trước “trong lành, sạch sẽ, ít tác động xấu đến con trẻ”, môi trường ngày nay “diễn biến phức tạp, cái ác, cái xấu nảy sinh ngày càng nhiều”. Không hẳn vậy đâu. Bao đời nay cái tâm lý ấy vẫn ngự trị trong người chúng ta: xưa tốt hơn nay, quá khứ tốt hơn hiện tại. Vì sao? Vì cái đã qua là cái đã được sàng lọc, mang tính ổn định, còn hiện tại là cái đang tới, chưa được định hình. Người ta tin quá khứ hơn hiện tại vì lẽ đó.
Không phải trước đây xã hội không có tiêu cực, ít cái ác, cái xấu, mà do trước đây người dân thiếu thông tin, không có điều kiện, phương tiện để tiếp cận thông tin. Cái ác, cái xấu chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định ở một cơ quan, đơn vị, địa phương, ban ngành. Bây giờ thì ngược lại, thông tin truyền nhanh như điện.
“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, khi xảy ra hiện tượng xấu xa, tiêu cực, cả thế giới đều biết. Một đám học trò hỗn loạn đánh nhau ngoài đường, lập tức được đưa lên Facebook, trở thành chủ đề bàn tán. Người quay clip có thể vô tình nhưng Facebook không hề vô tình, đôi khi nó là bằng chứng “tố giác” thủ phạm.
Nhà giáo “mất giá” do mặt trái của nền kinh tế thị trường?
Có người nói, nguyên nhân nhà giáo ngày càng “mất giá” và bớt “thiêng” - tiêu cực trong giáo dục xuất hiện nhiều là do mặt trái của nền kinh tế thị trường.
Nói như thế là cảm tính. Khoan bàn chuyện nền kinh tế nước ta hiện nay đã là kinh tế thị trường hay chưa, chỉ muốn nói rằng, đừng đổ lỗi cho kinh tế thị trường. Những tiêu cực trong xã hội ngày nay nói chung đều có nguyên nhân sâu xa từ sự “đứt gãy văn hóa”, “lệch pha” giữa văn minh và văn hóa.
Do điều kiện lịch sử - xã hội, văn hóa truyền thống của chúng ta chưa theo kịp đà phát triển của nền văn minh nhân loại, vì vậy nó sinh ra nhiều hệ lụy. Đà phát triển văn minh của nhân loại có xu hướng giảm nhẹ hình phạt, bỏ dùng cực hình, công nhận “quyền được im lặng” của bị can trong quá trình điều tra, thay tử hình bắn bằng tử hình tiêm hóa chất, thậm chí bỏ tử hình, bảo vệ tối đa quyền con người, trong đó đặc biệt coi trọng quyền trẻ em.
Điều đó rất nhân văn, là xu thế phát triển của nền văn minh nhân loại. Liên hệ điều này ta thấy, việc không đặt nặng kỷ luật học trò, đó là xu hướng đúng, cần được ủng hộ. Kỷ luật chỉ mang tính răn đe, chứ không khắc phục được nguyên nhân đạo đức học sinh sa sút.
Giáo dục con người phải từ gốc, uốn nắn từ tấm bé, tạo thành hành vi và thói quen, hình thành nhân cách. Nhân cách được xã hội điều chỉnh, thử thách trong môi trường cuộc sống, theo thói quen mà trở thành bản chất.