Những ngôi sao ẩn mặt trong phim hoạt hình Hollywood
Một trong những quả bom tấn hè năm nay của Hollywood là Shrek the Third của hãng Paramount với doanh thu hơn 255 triệu USD sau ba tuần chiếu.
Happy Feet (197,8 triệu USD thị trường Mỹ) - một minh chứng nữa cho thành công thương mại gắn liền với dàn diễn viên lồng tiếng tên tuổi |
Ngoài yếu tố kịch bản tốt..., thành công của những bộ phim hoạt hình như Shrek the Third còn là do kỹ thuật lồng tiếng của các ngôi sao thượng thặng.
Từ năm 1998, khi Woody Allen và Sharon Stone hóa thân thành “con sâu, cái kiến” trong Antz, Hãng Dreamworks luôn sử dụng các ngôi sao tên tuổi cho các phim hoạt hình của mình.
Trong The Lion King là “Mr. Bean” Rowan Atkinson, Whoopi Goldberg, Matthew Broderick... Trong Finding Nemo là Willem Dafoe, Ellen DeGeneres - người dẫn chương trình lễ Oscar 2007. Năm 1992, Disney từng thắng lớn khi Aladdin với Robin Williams lồng tiếng cho vai Thần đèn.
Khác hẳn với thời của cô nàng Bạch Tuyết trong Snow White của Disney cách đây tròn 70 năm, chẳng ai biết ai lồng tiếng ai, thậm chí không được ghi trong danh sách diễn viên, ngày nay xu hướng chung là sử dụng các ngôi sao lớn để lồng tiếng cho phim hoạt hình. Cách đây hơn một thập niên, Disney vẫn còn sử dụng diễn viên kịch Broadway để lồng tiếng. Từ khi những tên tuổi lớn như Mel Gibson xuất hiện trong phim dành cho trẻ con như Chicken Run (Hãng Dreamworks), gần như chẳng còn hãng nào mạo hiểm dùng diễn viên không tên tuổi.
Việc lồng tiếng cho phim hoạt hình không đơn giản. Diễn viên lồng tiếng có khi phải thể hiện đủ trò chỉ bằng kỹ thuật giọng, từ chó (như Bruce Willis trong Rugrats go wild), mèo (Bill Murray trong Garfield), đến lừa (Eddie Murphy trong ba tập Shrek). Will Smith từng biến thành cá trong Sharkslayer; Bruce Willis làm gấu trúc trong Over the hedge...
Mike Myers đã đưa Shrek trở thành “người hùng” của điện ảnh hoạt hình |
Nhân vật hoạt hình ngày nay thậm chí được xây dựng theo cá tính và kỹ năng diễn xuất chuyên biệt của từng diễn viên; trong khi thời trước diễn viên hoàn toàn chỉ làm tròn nhiệm vụ lồng tiếng, chỉ được đọc kịch bản khi bộ phim đã hoàn thành và công việc của họ chỉ nhép miệng theo lời thoại soạn sẵn. Bây giờ giọng lồng tiếng được phân vai ngay từ khi nhân vật chỉ mới tồn tại với vài nét vẽ ban đầu.
Làm việc ngay từ lúc kịch bản bắt đầu được xây dựng, diễn viên phải ghi âm giọng diễn nhiều lần và lời thoại được điều chỉnh ngay từ khâu này. Nhóm họa sĩ và kịch tác gia làm việc song song, lúc này mới phác họa kỹ cá tính nhân vật, dựa vào ngôn ngữ hình thể và cách diễn giọng của diễn viên.
Cách làm mới giúp diễn viên dễ hóa thân vào nhân vật mà không bị gò ép miễn cưỡng, và do đó sẽ có một sự kết hợp hoàn hảo giữa sự tung hứng diễn xuất giữa nhân vật vẽ và diễn viên thật thủ vai.
Để có được thành công với ba tập Shrek (phần một đạt 267,6 triệu USD; phần hai gom 436,7 triệu USD tại thị trường Mỹ), Mike Myers đã ghi âm giọng diễn Shrek đến hai lần - một lần với giọng mình và lần kia với chất giọng đặc sệt Scotland. Lần đầu khi lồng tiếng bằng giọng mình, Mike Myers không vừa lòng. Myers thử lại bằng giọng Scotland và thấy phù hợp hơn.
Nguyên là hồi nhỏ Myers được mẹ, dân Liverpool, kể truyện dân gian và nhại giọng địa phương Anh nên tính hài hước của phương ngữ đã ngấm sâu vào anh. Tin chắc nhân vật Shrek nói bằng giọng Scotland có sức quyến rũ cao hơn, Myers thuyết phục Dreamworks làm lại từ đầu qui trình lồng tiếng cho riêng nhân vật Shrek. Dreamworks chấp nhận mất 5 triệu USD cho qui trình tái lồng tiếng này. Kết quả, Myers đã biến Shrek thành một trong những nhân vật đáng yêu nhất lịch sử hoạt hình dưới mắt khán giả nhí thế giới.
Ngôi sao vẫn chưa là yếu tố tiên quyết cho bảo chứng doanh thu, như với trường hợp The Ant Bully |
Thành công thương mại của Shrek phần một còn khiến Dreamworks không ngần ngại ký hợp đồng cátsê 10 triệu USD/người cho ba diễn viên chính Mike Myers, Eddie Murphy và Cameron Diaz trong Sherk phần hai, mức thù lao chưa từng có đối với diễn viên lồng tiếng hoạt hình!
Tuy nhiên, cũng chẳng hiếm phim hoạt hình được phân vai với dàn diễn viên thượng thặng nhưng lại thất thu. Trong Sinbad: Legend of the seven seas, ngoài Brad Pitt còn có Catherine Zeta-Jones, Joseph Fiennes và Michelle Pfeiffer, thế nhưng phim này đã trở thành một trong những quả bom lép tệ hại nhất lịch sử hoạt hình Hollywood, với tiền vé gom được chỉ 26,4 triệu USD, trong khi chi phí sản xuất là 60 triệu USD!
Hoặc như The Ant Bully (2006, Hãng Warner Bros), với dàn diễn viên “trong mơ” gồm Julia Roberts, Nicolas Cage, Meryl Streep..., khi doanh thu chỉ đạt 28,1 triệu USD tại thị trường Mỹ so với tiền vốn 45 triệu USD. Âu cũng là chuyện thường tình: không ít phim “bình thường” cũng thất thu thảm hại bất chấp dàn diễn viên gạo cội hoặc đạo diễn tên tuổi.
Dù thế nào, khuynh hướng sử dụng sao lớn trong phim hoạt hình vẫn là trào lưu của Hollywood...
Theo Tuổi Trẻ