Cỏ mọc giữa… nền đá hoa
Ngày khai giảng năm học mới của thầy trò trường THCS Tân Hòa (huyện Quốc Oai) không được vui trọn vẹn vì lý do trời mưa lớn, buổi lễ chỉ được tổ chức đơn sơ trong hội trường nhỏ. Nhưng, nỗi buồn thường trực nơi đây - là 3 năm qua, thầy trò phải sống chung với… trường hoang.
Dãy nhà khang trang nhất của trường THCS Tân Hòa (xã Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội) trở thành vật trang trí gần ba năm nay. |
Câu chuyện phải chung sống với dãy “trường hoang” ngay trong khuôn viên của mình có lẽ là chuyện khó tin giữa Hà Nội. Nhưng, khó tin hơn nữa, đó là việc hai khu nhà hai tầng nhìn bề ngoài tưởng như khang trang, bề thế, nhưng bên trong, giữa phòng học, trên nền gạch lát đá hoa, rêu mọc xanh rì và những hạt nhãn, hạt bàng… được trẻ tha lôi lên bỗng đâm chồi.
Sáng ngày 5/9, thầy hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Quỳnh đánh trống khai giảng năm học mới cho 12 lớp thuộc bốn khối 6, 7, 8, 9 của xã Tân Hòa trong cảnh mưa như trút nước. Thầy Quỳnh chỉ buồn rầu vì “công sức thầy trò tập văn nghệ cho một buổi lễ khai giảng hoành tráng không thực hiện được”.
Cổng trường đã đổ bê tông kiên cố chỉ chờ lắp cánh. |
Tường bao đang đợi hàng rào. |
Chuyện ghi ở trường học bỏ hoang
Hỏi về “dãy nhà hoang”, thầy Quỳnh lảng chuyện, rồi gọi bác bảo vệ nhà trường có tên Vương Trí Đạt đến tiếp chuyện.
Cổng trường THCS Tân Hòa rộng lớn, kiên cố theo mô hình hiện đại. Tường rào xây cao quá đầu người, được chia thành các khoảng cứ chừng 2 m lại có một cột trụ nhô lên. Đó là thiết kế để gia cố hàng rào sắt. Đã ba năm nay, cổng trường này không có cánh, chỉ có những ngạnh sắt được chừa ra bên ngoài để chờ mối hàn lắp bản lề, lắp cổng; hàng rào sắt trên tường rào cũng chưa biết ngày nào mới hiện hữu…
Từ cánh cổng trường này mở ra một khuôn viên “khang trang”: 4 dãy nhà hình chữa “U” trông ra khoảng sân rộng được lát gạch đỏ, có cây xanh, có những ô cỏ để trang trí phối cảnh. Dãy nhà chính được chia thành 3 khối hai tầng, mỗi khối có 6 phòng học. Thế nhưng, hai khối khang trang này chính là “khu trường hoang” khiến thầy trò Tân Hòa buồn rầu nhiều năm.
Công trình này đã hoàn thành nhưng chưa có ai dám nghiệm thu. |
Vì nó đã xuống cấp nghiêm trọng. |
Hành lang tầng 2 của dãy nhà hai tầng kiên cố. |
Ông Vương Trí Đạt, bảo vệ trường Tân Hòa chua chát: “Tôi mệt mỏi lắm rồi. Nội cái chuyện ngăn đám thanh niên hư hỏng nó không vào những dãy nhà đó làm chuyện bậy bạ đã đủ mệt. Gọi là cổng trường cho có, chứ mấy năm rồi, nó cứ tơ hơ, toang toác như thế, sức già như tôi làm sao canh chừng được”.
Theo ông Đạt, khuôn viên mới được UBND xã Tân Hòa làm chủ đầu tư xây mới được khởi công tư quãng năm 2010. Trường học mới cơ bản hoàn thành, nhìn bên ngoài nó khang trang, lung linh như trường phố huyện, nhưng bên trong thì “không chấp nhận được”!
13 phòng học đã được đơn vị thi công lát gạch, lắp cửa sổ kính, cửa ra vào, có các đầu dây chờ sẵn để lắp quạt trần, đèn điện, nhưng “không ai có thể nhắm mắt cho nó là “phòng học được”, lời ông Đạt.
Nền gạch hoa lát chưa sử dụng nhưng đã tự cong vênh, vỡ vụn. Những viên gạch đùn vào nhau nổ vá víu. Ở những vị trí gạch vỡ, những đám cát trồi ra, mái nhà đổ bê tông chưa sử dụng đã bị dột, nước chảy lênh láng vào phòng. Nước ấy hòa với cát biến thành đất, rêu mọc xanh.
Ông bảo vệ "chui" qua được cánh cửa... lắp kính. |
Bên trong một "phòng học". |
Ông bảo vệ chua chát: "Người ta lót cát để lát phòng học chứ không phải là xi-măng". |
Gạch lát nền tự động bong tróc và đùn lên lớp cát phía dưới nền. |
Toàn bộ các phòng học, cửa kính cơ bản đã bị vỡ nát, chỉ còn mỗi khung cửa. Bục giảng của giáo viên cũng sứt mẻ, lồi lõm; hành lang không thoát nước, nước bị tù đọng thành rãnh. Cầu thang lên xuống chỉ có tay vịn bằng inoc đã hoen rỉ, không có lan can chắn trên tầng 2.
Ông Đạt bảo, vì thiếu phòng học nên đơn vị thi công đã bàn giao một dãy khoảng 6 phòng với một công trình nhà vệ sinh. Thế nhưng, từ khi nhận đến giờ, nếu nhà trường không tự sửa chữa chắc chẳng thầy trò nào dám ngồi trong những cái phòng như thế. Khu vệ sinh dành cho hàng trăm cháu, nghe nói xây dựng hàng trăm triệu đồng, bây giờ la bô, bồn cầu…cũng rơi hết ra khỏi tường.
Không ngần ngại, ông Đạt lấy tay cào lớp “xi măng” lót dưới chân những viên gạch lát trong phòng học của khu tầng 2, rồi lấy tay miết như người miết cám. Đám cát vàng rơi lã tã. Chùi tay vào quần, ông Đạt cho chúng tôi xem bàn tay sạch sẽ như lúc đầu. “Nếu đây là xi măng để lát gạch nền nhà, tôi đi đầu xuống đất. Người ta lấy cát để lát nền nhà, tệ đến thế là cùng!”.
Rãnh thoát nước tù túng ở dãy phòng học tầng 2 bất đắc dĩ nhà trường phải nhận. |
Sân trường rộng mênh mông này cũng chưa được nghiệm thu, nhưng đã nhanh chóng bong tróc giống như nhiều hạng mục khác. |
Thầy và trò chỉ biết chờ
Trỏ tay xuống khoảng sân rộng lát gạch đỏ au nhưng ở vị trí các mép sân, gạch đã vỡ vụn trộn lẫn vào đất; những khoảng lồi lõm to bằng mấy cái chiếu, nước đọng thành vũng, bác bảo vệ bức xúc: “Cái sân này cũng là hạng mục chưa được nghiệm thu, chưa được bàn giao. Nhưng nếu không đi trên cái nền ấy để vào lớp thì lũ trẻ biết đi vào đâu?”.
"Nhìn khu nhà khang trang bỏ hoang mà không sử dụng, xót xa lắm. Trong khi đó, thầy trò phải xo xáy trong 12 phòng học chật hẹp, khu Hiệu bộ phải tận dụng dãy nhà cấp 4 mấy chục năm tuổi. Thà rằng trường làng, nhà tranh cách đất một nhẽ, đằng này" – một người dân nhà ở ngay cổng trường THCS Tân Hòa chua chát.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Quỳnh cho hay, dự án do UBND xã Tân Hòa làm chủ đầu tư, kinh phí 4,8 tỷ đồng. Thầy trò nhà trường là đối tượng được “thụ hưởng”, không có liên can trong việc thi công, xây dựng… nên không dám ý kiến.
Khi được hỏi, nếu xã nghiệm thu công trình với chất lượng như thế rồi bàn giao cho trường, trường có dám nhận hay không? Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Quỳnh trả lời chân thật, chúng tôi không được nghiệm thu. Nếu xã nghiệm thu rồi bàn giao cho trường theo kiểu “chìa khóa trao tay”, nếu công trình hư hỏng, chúng tôi lúc đó chắc chỉ biết kiến nghị để xin ngân sách… tu sửa!