Cả thị trấn Lập Thạch (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) chỉ còn cụ Khổng Thị Biện chế biến đất để bán. Số lượng người ăn đất thường xuyên nay cũng chỉ còn khoảng vài chục người.
Thôn Thống Nhất, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc từng được nhiều người biết đến là “ngôi làng ăn đất”. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn gia đình cụ Khổng Thị Biện, Khổng Văn Loa là còn làm đất bán.
Ông Lai, con trai cụ Biện cho biết trước đây người ta đã đào rỗng cả quả đồi để lấy đất ăn. Nhưng sau này số người ăn đất ít đi, việc đào trong hầm sâu 5-7 m cũng khá nguy hiểm. Có người từng bị sập hầm đi cấp cứu nên người dân nơi đây không đào nữa. Những giếng, hầm cũ để khai thác đất cũng lấp đi đề phòng trâu bò sa chân xuống.
Để có được đất ngon với số lượng lớn họ phải đào sâu xuống 5-7 m. Tuy nhiên, bây giờ ông Lai chỉ đào những hố nông 1-2 m trên quả đồi sau nhà để lấy vài kg mỗi lần.
Đất ăn được là loại có cao lanh (dân nơi đây gọi là “ngói”) màu xanh hoặc màu trắng. Loại màu xanh ngon hơn nhưng cứng hơn. Loại màu trắng mềm hơn và hợp với người già.
Đất đào lên cũng có thể ăn được nhưng có vị chua và nhiều sạn. Vì vậy, cụ Biện phải đem phơi một nắng, đẽo gọt cẩn thận, loại bỏ sạn và cắt ra thành miếng vừa ăn.
Sau đó, cụ lên đồi hái lá sim. Cụ Biện cho biết trước đây tìm lá sim rất dễ nhưng nay người dân chặt bỏ nhiều nên càng ngày càng phải đi xa.
Cụ đi rút rơm để đem hun khói. Việc hun khói cũng phải có kỹ năng để làm sao cho lửa nhỏ mà khói nhiều. Khi khói toả đều khắp rổ và ám vào khiến miếng đất ngả màu vàng và dậy mùi thơm.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, thôn Thống Nhất có rất nhiều người làm đất hun khói để bán. Ở chợ huyện Lập Thạch còn có cả khu bán đất riêng với giá rất rẻ. Nhưng sau này, số lượng người ăn và người bán càng ngày càng giảm.
Hiện cụ Biện là người cuối cùng làm “ngói” để bán với giá 100.000 đồng/kg. Ở thôn Thống Nhất còn khoảng vài chục người thường xuyên ăn “ngói”. Bên cạnh đó, một số người ở xa, có khi tận Sài Gòn cũng tìm đến đây mua đất để ăn.
Cụ Biện cho biết mình đã ăn đất từ thời con gái. Các cụ ngày xưa nói ăn đất này có nhiều tác dụng, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Sau này, mỗi khi có bầu, cụ bà đều bảo cụ ông đi lấy đất để ăn. Ăn nhiều nên cụ nghiện đến tận bây giờ.
Anh Hải, thôn Thống Nhất, cũng là một trong những người ăn đất cuối cùng ở Vĩnh Phúc. Anh Hải cho biết mình đã ăn đất từ nhỏ. Khi thưởng thức, anh thấy đất giòn, bùi và dễ gây nghiện.
Để đất có mùi vị hấp dẫn trước hết phải gọt thật sạch và tách thành từng miếng nhỏ như kẹo lạc, sau đó hun khói bằng lá sim. "Ngói" ăn vào có cảm giác như ăn miếng lương khô nhưng không bị khát nước.
Việt Nam có gần 8.000 lễ hội mỗi năm, diễn ra ở tất cả các tỉnh thành. Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội nhất, số lượng 1.095; Lai Châu ít nhất với 17 lễ hội.
Lãnh đạo TP Hội An (Quảng Nam) khẳng định thông tin lan truyền trên mạng cho rằng phải chi ra 1,6 - 1,8 tỷ đồng để có "chân" đạp xích lô, bơi ghe là sai sự thật.