Tuần này, Brad Pitt có mặt tại Berlin (Đức) để quảng bá bộ phim hành động Bullet Train trong đợt nắng nóng đỉnh điểm ở châu Âu. Anh khoe vẻ sành điệu bằng bộ đồ vải lanh với điểm nhấn là chiếc váy nâu đến đầu gối.
Phong cách của tài tử Hollywood lập tức trở thành tâm điểm, thu hút ý kiến trên mạng. Trong đó, nhiều người không biết nên dành lời khen hay chê bai anh, theo CNN.
Chiếc váy thậm chí còn mang về cho nam diễn viên hashtag lên xu hướng trên Twitter.
Brad Pitt khiến nhiều người sốc khi diện váy trong sự kiện gần đây. Ảnh: Gerald Matzka/Getty. |
Những người bị sốc bởi chiếc váy của Brad Pitt có lẽ còn quá trẻ để biết rằng đây không phải lần đầu tiên. Năm 1999, để quảng bá cho Fight Club, bộ phim lột tả hiểm họa của nam tính truyền thống và nỗi ám ảnh để trở thành người giỏi nhất, anh xuất hiện trên tạp chí Rolling Stone với không phải một mà là 5 chiếc váy ngắn.
Buổi chụp hình của Brad Pitt đã trở thành bức tranh văn hóa góp phần khẳng định các quy tắc ăn mặc không phân biệt giới tính. Thực tế, vị thế biểu tượng nam tính của anh không hề bị ảnh hưởng ngay cả khi diện chiếc váy sequin bó sát màu hồng.
Tuy nhiên, những người đàn ông mặc váy vẫn tiếp tục trở thành tâm điểm bàn tán trong hơn nửa thế kỷ sau. Đó là ca sĩ Harry Styles trên bìa tạp chí Vogue hay bộ váy tuxedo của diễn viên Billy Porter tại lễ trao giải Oscar 2019.
Hơn 20 năm trước, Brad Pitt từng mặc váy để quảng bá phim của mình. Ảnh: Page Six. |
Sự thay đổi diễn ra chậm nhưng ngày càng ít gây sốc. Nhiều tuyên bố thời trang bất chấp giới tính dường như chỉ dành cho các sự kiện văn hóa danh giá. Tuy nhiên, chúng dường như đang len lỏi vào cuộc sống đời thường và những sự kiện ít người biết đến hơn.
Đôi khi, như trường hợp của Brad Pitt, một người đàn ông mặc váy có thể không phải lời tuyên bố lật đổ thời trang mà đơn giản là quyết định phù hợp với thực tế. Nếu không thể chống chọi với cái nóng, hãy diện chiếc váy vải lanh đó.