Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người dễ bị bóng đè khi ngủ

Bóng đè xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Nhưng những người có lịch trình ngủ thất thường, căng thẳng tinh thần, nằm ngửa hay bị chuột rút hàng đêm dễ gặp hiện tượng này hơn.

Bóng đè, hay còn gọi là chứng tê liệt khi ngủ, xảy ra ngay trước khi ngủ hay ngay khi thức giấc. Người bệnh cảm thấy bị liệt toàn thân, vẫn tỉnh táo, có ý thức nhưng không thể cử động chân tay, cảm giác như bị ma quỷ đè lên người.

Một số người có thể nghe hoặc nhìn thấy ảo giác ghê sợ. Nhiều người cũng cảm thấy áp lực hoặc nghẹt thở. Chứng tê liệt khi ngủ có thể đi kèm với các rối loạn giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ.

Quá trình này diễn ra trong vài giây đến vài phút nhưng có thể gây khó chịu cho những người đang trải qua nó. Nếu thường xuyên bị bóng đè, bạn nên đến gặp chuyên gia sức khỏe để tìm hiểu nguyên nhân cơ bản đằng sau chứng rối loạn này. Ở hầu hết người bệnh, thiếu ngủ là nguyên nhân phổ biến.

Vì sao xảy ra hiện tượng bóng đè?

Theo Hindustan Times, các nhà nghiên cứu về giấc ngủ kết luận trong hầu hết trường hợp, tình trạng bóng đè chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy cơ thể không di chuyển trơn tru trong các giai đoạn của giấc ngủ. Hiếm khi chứng tê liệt khi ngủ có liên quan các vấn đề tâm thần cơ bản.

Hien tuong bong de khi ngu anh 1

Tỉnh táo nhưng bất động là dấu hiệu đặc trưng của hiện tượng bóng đè khi ngủ. Ảnh: Trendyzena.

Tiến sĩ Sahil Kohli, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Thần kinh Max Gurugram (Ấn Độ), cho biết cơ thể chuyển đổi giữa giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) và NREM (chuyển động mắt không nhanh) khi bạn đang ngủ. Các chu kỳ ngủ REM và NREM kéo dài trong khoảng 90 phút.

Giấc ngủ NREM có thể chiếm tới 75% tổng thời gian ngủ. Giấc ngủ NREM cho phép cơ thể bình tĩnh và trẻ hóa. Giấc ngủ chuyển sang giai đoạn REM vào cuối giai đoạn NREM. Đây là thời điểm của những giấc mơ và mắt chúng ta chuyển động nhanh chóng, nhưng phần còn lại của cơ thể vẫn ổn định.

“Trong giấc ngủ REM, các cơ tạm thời bị ‘tắt’. Nếu thức dậy trước khi chu kỳ REM kết thúc, bạn có thể nhận thấy mình không thể cử động hoặc nói chuyện”, tiến sĩ Kohli nói.

Bóng đè thường xảy ra một trong hai thời điểm. Nếu xảy ra trong khi bạn đang chìm vào giấc ngủ, nó được gọi là trạng thái ngắn ngủi nửa tỉnh nửa mê trước giấc ngủ. Nếu xảy ra khi chuẩn bị thức giấc, nó được gọi là chứng ngủ mê.

Ai dễ bị bóng đè?

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), bóng đè có thể ảnh hưởng đến 4 trong số 10 người. Nó thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên và có thể tăng lên trong thập kỷ thứ hai và thứ ba của cuộc đời một người. Nhưng ai cũng có thể bị bóng đè, bất kể giới tính và tuổi tác. Người có tiền sử gia đình thường xuyên bị bóng đè cũng có nguy cơ cao.

Một số yếu tố khác có thể góp phần gây ra tình trạng tê liệt khi ngủ hay bóng đè, bao gồm:

- Thiếu ngủ.

- Lịch trình ngủ thất thường, dao động. Những người làm việc theo ca cũng dễ bị bóng đè vì lịch trình ngủ thất thường.

- Rối loạn lưỡng cực hoặc căng thẳng tinh thần.

- Các vấn đề về giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ hoặc chuột rút ở chân hàng đêm. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị bóng đè.

- Dùng thuốc cụ thể như thuốc điều trị ADHD.

- Sử dụng chất gây nghiện.

- Nằm ngửa.

Các triệu chứng của bóng đè

Tiến sĩ Kohli cho biết không thể cử động cơ thể khi ngủ hoặc thức dậy là triệu chứng chính của bóng đè. Tuy nhiên, nhiều người cũng gặp phải một số triệu chứng khác như không thể nói trong suốt quá trình bị bóng đè; gặp ảo giác; cảm giác nghẹt thở; có vấn đề về hô hấp; đổ mồ hôi và đau cơ; bất lực; hoảng loạn; buồn ngủ vào ban ngày (dấu hiệu phổ biến của chứng ngủ rũ).

Hien tuong bong de khi ngu anh 2

Những người thường xuyên bị thiếu ngủ, có lịch trình ngủ không đều đặn dễ bị bóng đè. Ảnh: Thencrtimes.

Khi bị bóng đè thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi đi ngủ. Nếu điều đó làm phiền bạn, hãy thảo luận với bác sĩ và các chuyên gia sức khỏe. Bạn cũng nên cân nhắc hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn cảm thấy buồn ngủ quá mức trong ngày.

Các chuyên gia sức khỏe sẽ xác nhận hoặc loại trừ tình trạng bóng đè sau khi đánh giá. Bạn có thể được hỏi về các triệu chứng, chẳng hạn tần suất bị bóng đè, cảm giác như thế nào và thời điểm bắt đầu.

Bạn cũng sẽ phải cung cấp về thời lượng ngủ vào ban đêm và có cảm thấy mệt mỏi trong ngày hay không. Các bác sĩ cũng sẽ quan tâm về tiền sử bệnh, bao gồm các loại thuốc bạn đang dùng, nguy cơ rối loạn tâm thần (căng thẳng, trầm cảm); tiền sử gia đình; thói quen không lành mạnh như hút thuốc, sử dụng rượu hoặc ma túy bất hợp pháp.

Cách ngăn ngừa bóng đè khi ngủ

Mặc dù không có liệu pháp cụ thể nào cho hiện tượng bóng đè khi ngủ, nguy cơ gặp phải có thể được giảm bớt bằng cách ngủ đúng cách, kiểm soát căng thẳng và duy trì lịch trình ngủ đều đặn.

Một số mẹo cải thiện giấc ngủ và ngăn ngừa bóng đè:

- Ngủ từ 6 đến 8 tiếng mỗi đêm.

- Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng.

- Tập thể dục thường xuyên, nhưng không tập trong vòng 4 giờ trước khi đi ngủ.

- Không ăn bữa tối nhiều, hút thuốc, uống rượu hoặc caffein ngay trước khi đi ngủ.

- Không nằm ngửa khi ngủ vì điều này có thể làm cho tình trạng bóng đè dễ xảy ra hơn.

- Tạo môi trường ngủ thoải mái, tối, yên tĩnh.

- Tránh xa điện thoại, máy tính, TV trước giờ đi ngủ.

- Thư giãn trước khi ngủ bằng cách đọc sách, tắm hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng.

Lý giải hiện tượng bóng đè, mộng du khi ngủ

Bóng đè, mộng du hay hội chứng người đẹp ngủ là những hiện tượng kỳ lạ có thể xảy ra trong khi bạn đang ngủ.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm