Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những người đi làm không dám nghỉ phép

Công ty quy định số ngày nghỉ phép, song nhiều nhân viên không dám xin nghỉ. Họ e ngại ảnh hưởng đến thu nhập, hình ảnh cá nhân hoặc mối quan hệ với sếp, đồng nghiệp.

khong dam nghi phep anh 1

Suốt 9 tháng làm việc cho một ngân hàng tại Hà Nội, Khánh Linh (22 tuổi) chưa nghỉ phép một ngày dù gia đình có việc bận hoặc bản thân ốm, mệt.

Là nhân sự mới, cô lo sợ việc xin nghỉ có thể gây ảnh hưởng đến thu nhập và bị sếp đánh giá. Nhân viên này cho rằng sau năm làm việc đầu tiên, khi được gia hạn hợp đồng lao động, cô mới có thể thoải mái để nghỉ phép.

"Tôi không dám xin nghỉ khi thấy đồng nghiệp ai nấy đều bận rộn. Tôi e ngại bị sếp nhận xét là không hiệu quả bằng người khác", Linh chia sẻ với Zing.

E ngại

Linh không phải nhân sự duy nhất không dám xin nghỉ dù công ty có chính sách PTO (Paid Time Off - nghỉ phép có lương).

Theo số liệu từ nền tảng việc làm Glassdoor, 23% người tham gia khảo sát cho biết không dùng hết số ngày nghỉ phép trong năm. Trong đó, 66% nhân viên xin nghỉ phép nhưng vẫn làm việc từ xa.

Đại dịch Covid-19 càng khiến văn hoá nghỉ phép trở nên mong manh hơn khi thời gian làm việc dường như không chỉ bó buộc trong khoảng 8-17h. Theo đó, dù xin nghỉ phép vào giờ hành chính, nhiều nhân viên vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ ngoài khung giờ này.

khong dam nghi phep anh 2

Nhiều nhân sự trẻ tuổi, mới ra trường ngần ngại xin nghỉ việc vì sợ sếp đánh giá. Ảnh: Phương Lâm.

Vân Anh (22 tuổi) cũng là một nhân sự rất ít khi xin nghỉ phép dù có nhiều năm làm việc cho một agency truyền thông tại Hà Nội. Theo cô, đặc thù nhiệm vụ của mình rất khó để bàn giao cho đồng nghiệp.

Theo đó, các đầu việc luôn cần chuẩn bị trước 1-2 tuần và liên quan đến nhiều phòng ban. Việc xin nghỉ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân cô mà còn tác động đến nhiều bộ phận khác.

Mỗi lần xin nghỉ phép đột xuất, cô luôn cảm thấy e ngại và khó mở lời với sếp. Cô chỉ xin nghỉ trong tình huống bất đắc dĩ, chạy deadline trước hoặc chấp nhận "trả nợ" công việc cho đồng nghiệp sau khi kết thúc kỳ nghỉ.

"Một lần, gia đình có người thân ốm nặng nhưng tôi không thể về ngay vì vẫn còn vướng lịch trình đã được lên kế hoạch sẵn từ một tuần trước đó. Tôi đành làm việc xuyên đêm, từ 15h đến 5h sáng hôm sau, để hoàn tất mọi thứ. Sau đó, tôi vội vã chạy về quê", Vân Anh nhớ lại.

Áp lực của quản lý cấp trung

Tương tự, Thùy Trang (22 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng thường mang tâm lý e ngại khi xin nghỉ phép.

Cô từng là quản lý cấp trung tại một công ty công nghệ. Suốt 3 năm làm việc, cô chỉ xin nghỉ 4-5 ngày/năm. Hầu hết lần này đều vì gia đình có việc quan trọng như hiếu hỷ, người thân ốm.

Còn trong những chuyến du lịch cùng bạn bè, cô chắc chắc không dám xin nghỉ mà luôn mang theo laptop để làm việc từ xa.

"Thú thật, tôi có tâm lý ôm đồm, tham công tiếc việc. Tôi sợ việc mình nghỉ có thể ảnh hưởng đến đồng nghiệp hoặc cấp dưới. Tôi FOMO (Fear Of Missing Out - hội chứng sợ bỏ lỡ) nặng, luôn cầm điện thoại trên tay, sợ không theo dõi được tin nhắn từ sếp", Trang thở dài.

khong dam nghi phep anh 3

Thùy Trang (bên phải) chỉ nghỉ phép 4-5 ngày/năm vì áp lực làm quản lý. Ảnh: NVCC.

Trang cho biết tại công ty của mình, quản lý cấp trung như cô càng khó để nghỉ phép trọn vẹn. Cô luôn giám sát nhân sự, đồng thời mang tâm lý phải làm gương về sự chăm chỉ và trách nhiệm.

"Trong mắt nhiều người, tôi là người rất chịu khó, cuồng công việc. Nhưng chỉ bản thân tôi mới biết mình mệt mỏi, kiệt sức thế nào. Tôi không thể hiểu tại sao bản thân lại ôm đồm nhiều thứ đến vậy", cô tâm sự.

Thanh Phong (28 tuổi, TP.HCM) cũng từng đuối sức sau thời gian dài làm việc mà hiếm khi nghỉ phép.

Chia sẻ với Zing, anh cho biết công việc của mình như dòng chảy không bao giờ có hồi kết. Công ty có chế độ nghỉ phép 18 ngày/năm, song anh chỉ sử dụng 1/3. Trên thực tế, anh mệt đến đâu cũng cố làm vì lo sợ ảnh hưởng đến bộ phận.

"Tôi rất ngại xin nghỉ. Nếu có, tôi vẫn ở nhà và làm việc. Khối lượng công việc lớn, chỉ cần xao nhãng một hôm, tôi sẽ khó kiểm soát được hiệu quả chung. Mỗi lần nghỉ, tôi thậm chí còn mệt hơn chứ không hề thoải mái", Phong chia sẻ.

Hiện tại, anh cho phép mình nghỉ ngơi điều độ hơn bởi hiểu rõ sức khỏe và năng lượng luôn cần thời gian để tái tạo.

Ngoài ra, anh cũng cố gắng tạo môi trường thoải mái, khuyến khích nhân viên của mình tận dụng hết ngày nghỉ phép.

"Từ những gì trải qua trước đây, tôi biết rằng nghỉ phép không chỉ là quyền lợi mà còn là điều cần làm để chúng ta bảo đảm sức khỏe, tinh thần. Tôi luôn động viên nhân sự nghỉ phép tối đa, tôi sẽ chủ động sắp xếp người back-up trong thời điểm này. Tôi tin đây là điều nhà quản lý cần thực hiện được khi điều hành doanh nghiệp", Phong nói.

khong dam nghi phep anh 4

Quản lý cấp trung khó nghỉ phép trọn vẹn hơn so với nhân viên. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nghỉ phép không chỉ dành cho ốm đau, việc bận

Nhiều chuyên gia cho rằng việc tạo điều kiện cho nhân viên nghỉ phép giúp tăng năng suất công việc và đem lại nguồn tài chính lớn cho công ty.

Việc dám xin nghỉ phép cũng thể hiện nhân viên biết quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp họ giải tỏa áp lực, làm việc hiệu quả hơn sau các kỳ nghỉ.

Theo SHRM, 80% nhân sự được khảo sát cho biết mình nảy ra ít nhất một ý tưởng đột phá khi đang thư giãn trong ngày nghỉ ngơi.

Giáo sư Carrie Bulger, chủ nhiệm khoa Tâm lý học, Đại học Quinnipiac (Mỹ), cho rằng doanh nghiệp sẽ mắc sai lầm nếu để nhân viên bỏ lỡ các ngày nghỉ phép của mình. Thiếu thời gian nghỉ ngơi, nhân sự sụt giảm năng suất làm việc, trong khi công ty phải gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe nhân viên.

"Thời gian nghỉ phép không chỉ dành cho việc ốm đau hay việc bận. Công ty nên khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi với nhiều lý do hơn", bà cho biết.

khong dam nghi phep anh 5

Theo các chuyên gia, công ty cần khuyến khích nhân viên nghỉ phép để tái tạo sức khỏe, tinh thần. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Để nhân viên có kỳ nghỉ thoải mái, công ty nên có sự hỗ trợ, đồng thời khuyến khích văn hóa nghỉ ngắn ngày, theo Business News Daily.

Đầu tiên, công ty cần giải thích rõ ràng về chính sách ngày nghỉ phép, cho phép nhân viên tích lũy ngày nghỉ qua từng năm.

Thứ hai, công ty cần xây dựng quy trình làm việc để hỗ trợ tối đa cho nhân sự. Cụ thể, nếu ai đó vắng mặt, công ty vẫn có thể sắp xếp nhân sự thay thế, giúp người nghỉ phép có tâm lý thoải mái.

Thứ ba, công ty cần khuyến khích nhân viên nghỉ phép như một phần của văn hóa doanh nghiệp.

Và cuối cùng, công ty cũng cần quan tâm đến tinh thần của nhân viên sau kỳ nghỉ, không nên yêu cầu họ làm dồn việc hoặc "trả nợ" deadline.

Công dân laptop đi resort, homestay để làm việc

"Workcation" không chỉ toàn niềm vui và sự thoải mái như nhiều người nhầm tưởng. Chuyến đi này đòi hỏi sự tính toán để cân bằng công việc và sự nghỉ ngơi.

Vân Trang

Bạn có thể quan tâm