Vài tháng trước, Khánh Ngọc (TP.HCM) thi chứng chỉ tiếng Anh để xét tốt nghiệp đại học. Đứng giữa 2 lựa chọn là IELTS và TOEIC, cô quyết định bỏ IELTS theo TOEIC vì nhận ra bài thi IELTS nặng học thuật, ứng dụng vào cuộc sống không cao và quan trọng nhất là không phù hợp với nhu cầu của cô.
Khác với Khánh Ngọc, Hà Đan (22 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) từng bỏ tiền triệu để thi và có bằng IELTS, nhưng chiếc bằng cuối cùng lại không dùng làm gì.
Study International cho biết vào năm 2018, số lượng bài thi IELTS được thi trên toàn thế giới đã tăng lên mức kỷ lục 3,5 triệu, tức tăng hơn 130% so với năm 2010 (khoảng 1,5 triệu bài thi). IELTS vốn được sử dụng là chứng minh năng lực tiếng Anh cho các khóa học đại học và sau đại học ở Anh, Australia, Ireland, New Zealand và Nam Phi. Những năm gần đây, IELTS phổ biến hơn khi ngày càng nhiều đại học ở Mỹ chấp nhận chứng chỉ này (bên cạnh TOEFL).
Chi phí một lần thi IELTS tại Việt Nam hiện khoảng 4,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đặc biệt là ngoài môi trường học thuật, các bài thi IELTS thường được nhận xét là đắt đỏ, hàn lâm, không phù hợp cho người đi làm. Một số chuyên gia cũng khuyến cáo việc học IELTS theo "mẹo" có thể khiến bài thi IELTS không phản ánh đúng trình độ tiếng Anh của một người.
"Lựa chọn học IELTS hay TOEIC là quyền của mỗi người, nhưng bản thân mình sẽ thiên vị TOEIC hơn", cô nói.
Nặng học thuật, ứng dụng vào cuộc sống không cao
Năm nhất đại học, Ngọc từng bỏ ra 10 triệu đồng cho 4 tháng học IELTS 4 kỹ năng. Tuy nhiên, cô cho biết mình bị nản với sự phức tạp của bài thi này. Sau này, khi học TOEIC, Ngọc tự ôn phần thi Đọc và Nghe trong vòng một tuần. Đối với phần Nói và Viết, Ngọc đăng ký học ở trung tâm trong vòng 1,5 tháng với học phí 4 triệu. Giờ đây cô đã có chứng chỉ TOEIC 900 điểm đối với phần Nghe và Đọc.
Khánh Ngọc đạt 900 điểm TOEIC ở kỹ năng Nghe và Đọc ngay lần thi đầu tiên sau một tuần ôn tập. Ảnh: NVCC. |
Từng ôn cả TOEIC lẫn IELTS, cô đánh giá tiếng Anh dùng trong IELTS nặng tính học thuật hơn còn TOEIC dễ tiếp cận hơn. Do đó, IELTS sẽ phù hợp với những người có mục tiêu học tập như săn học bổng, đi du học.
"Ôn IELTS mình sẽ tiếp xúc với nhiều từ ngữ có tính học thuật, các cấu trúc ngữ pháp trang trọng hơn. Từ vựng trong IELTS cũng là phiên bản nâng cấp của các từ vựng hàng ngày. Thành ra đôi khi học xong mình dễ quên vì có nhiều từ khó nhớ, trong cuộc sống hàng ngày cũng chẳng bao giờ dùng", cô nói.
Theo Khánh Ngọc, bài thi TOEIC thiên về tiếng Anh giao tiếp với nội dung xoay quanh cuộc sống, chốn văn phòng, hội thoại đời thường nên lúc học dễ tiếp thu và ra đời cũng dễ áp dụng. Ngoài ra, từ ngữ trong kỳ thi này không mấy phức tạp nên có thể dùng trong giao tiếp thường ngày.
"Trong bài thi viết của TOEIC có phần thi là viết email như viết thư đặt câu hỏi cho cấp trên, viết thư xin lỗi khách hàng, viết thư khiếu nại cửa hàng... Những chủ đề này gần gũi với cuộc sống, học xong mình cũng có thể áp dụng luôn", Ngọc bày tỏ.
Hà Đan là một cựu học sinh chuyên Anh. Vốn đã có gốc tiếng Anh, cô bạn quyết định tự ôn thi IELTS để xét tốt nghiệp đại học và đạt IELTS 7.5 ngay lần thi đầu tiên. Tuy nhiên, cô cho biết mình "hơi hối hận khi quyết định thi IELTS".
"Hồi đấy, mình thi IELTS để xét tốt nghiệp và xin việc, nhưng bây giờ, khi nhìn lại, mình thấy những gì học được không áp dụng nhiều vào công việc của mình. Thêm nữa, trường và công ty của mình không yêu cầu chứng chỉ IELTS mà có thể nộp các chứng chỉ tương đương. Nên nếu được chọn lại, mình sẽ thi chứng chỉ khác để tiết kiệm thời gian và chi phí nhưng vẫn đảm bảo tính ứng dụng", Đan nói, bổ sung rằng sau hơn 10 năm học tiếng Anh, cô cũng không cần IELTS để biết năng lực tiếng Anh của bản thân ở đâu.
Đồng ý với Khánh Ngọc và Hà Đan, anh Hoàng Vũ, giám đốc một trung tâm dạy tiếng Anh ở Hà Nội, cũng cho rằng IELTS như một chứng chỉ về học thuật dùng trong môi trường đại học trở lên. Vì vậy, lượng kiến thức của một bài thi IELTS không phù hợp với cách sử dụng tiếng Anh hàng ngày. Theo anh Vũ, kể cả người bản ngữ cũng rất hiếm khi sử dụng những từ "cao siêu" trong kỳ thi IELTS.
"Bình thường chả ai nói I have a myriad of cats mặc dù a myrad of đồng nghĩa với a lot of. Mình thấy cụm từ rất hay, nhưng dùng để nói thì hơi kỳ", Hà Đan lấy ví dụ.
IELTS đang bị đánh giá quá cao
Đánh giá về IELTS, anh Vũ cho rằng bài thi này gần gũi ở Việt Nam vì được xây dựng bởi Đại học Cambridge. Ngoài chương trình học bắt buộc bởi Bộ GD&ĐTT, một số chương trình học tiếng Anh hiện tại ở Việt Nam từ tiểu học đến trung học đều theo hệ Cambridge.
"Học sinh học xong phải thi các chứng chỉ Cambridge Young Learners (YLE) như Starters, Movers, Flyers 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Ai theo học chương trình hệ Cambridge đều hướng tới IELTS nên IELTS sẽ khá được ưu tiên", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Vũ cho rằng bài thi IELTS hiện nay đang bị đánh giá quá cao do quy định tuyển sinh của nhiều trường đại học; do truyền thông dẫn dắt và do học sinh, phụ huynh chưa thực sự hiểu hết về kỳ thi này.
"Việc Bộ GD&ĐT và nhiều trường đại học ban hành và áp dụng phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS tạo ra làn sóng người người nhà nhà học IELTS. Truyền thông cũng đang góp phần "cổ súy" IELTS thái quá dẫn đến việc nhiều bạn trẻ thần thánh hóa IELTS, phụ huynh chạy đua cho con học IELTS chỉ để chạy theo thành tích", anh phân tích.
Điều này dẫn đến việc nhiều người học IELTS chỉ "học xổi", "học mẹo" để có thể nhanh chóng đạt điểm số cần thiết thay vì tập trung ôn luyện các kỹ năng.
Nhiều người đạt điểm IELTS cao nhờ "học mẹo". Ảnh: iStock. |
Anh Hoàng Đức Long, một người đang dạy viết học thuật tại Hà Nội, cho biết việc dạy và học để thi IELTS nhưng chỉ tập trung vào các kỹ năng và “mẹo” làm bài thay vì tập trung vào việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ có thể được coi là một ví dụ cho tác động dội ngược tiêu cực từ bài thi IELTS.
Anh Long trích ra nghiên cứu vào năm 1993 của hai tác giả J. Charles Alderson và Dianne Wall, đăng trên chuyên san Applied Linguistics, về "tác động dội ngược". Theo đó, tác động dội ngược là ảnh hưởng của bài thi lên học liệu, hoạt động giảng dạy và học tập. Tác động dội ngược có thể mang tính tích cực nếu nó khuyến khích và phát triển những cách thực hành tốt trong việc dạy và học.
Ngược lại, tác động dội ngược cũng có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực nếu nó hạn chế nhận thức của người dạy và người học, khiến việc dạy và việc học chỉ gói gọn trong chiến lược làm bài hay nội dung kiến thức đi thi, theo hai tác giả, đều là giáo sư tại khoa Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ tiếng Anh của Đại học Lancaster (Anh).
Theo anh Long, việc luyện thi IELTS mà chỉ tập trung vào chiến thuật làm bài được coi là một tác động dội ngược tiêu cực. Thay vì dành tập trung cho những nội dung thực sự cần thiết nhưng có thể không ra trong bài thi, người dạy và người học lại dành thời gian và công sức cho những "mẹo" hay phần kiến thức chắc chắn có trong bài thi.
""Người học có thể sẽ dành quá nhiều thời gian và công sức học 'mẹo' để đạt điểm IELTS mong muốn mà quên đi việc phát triển những kiến thức và năng lực học thuật cần thiết cho khóa học ở nước ngoài mà họ sẽ tham gia. Trong khi đó, việc hoàn thành tốt khóa học này mới là mục tiêu quan trọng và dài hạn hơn. Vì vậy, người học cần cân nhắc phân bổ thời gian, nỗ lực và tài nguyên một cách hợp lý hơn để thực sự đạt được cả mục tiêu ngắn hạn lẫn mục tiêu dài hạn", anh Long nói.
Đồng ý với anh Long, anh Hoàng Vũ cũng cho rằng khi học IELTS, người học nên cân bằng giữa kỹ năng và mẹo. Bản thân người dạy và người học cũng nên nhận thức nhiều chiều hơn về IELTS.
"IELTS là cơ hội cải thiện khả năng ngôn ngữ chứ không phải một chứng chỉ thi xong để đó cho oai", anh Vũ nói, gợi ý người học nên tham khảo bài thi TOEFL vì có hệ đánh giá tương đương IELTS.