"Nhà quan tài" là nơi sinh sống của nhiều người thu nhập thấp ở Hong Kong. Ảnh: CNN. |
Thất nghiệp và ốm yếu, Franki Wong (59 tuổi) nhiều lần nghĩ rằng ngồi tù còn tốt hơn là cuộc sống trong "căn nhà quan tài" nhỏ bé của mình, vật lộn để kiếm sống khi chi phí sinh hoạt ở Hong Kong (Trung Quốc) không ngừng tăng lên.
"Ít nhất một tù nhân được đảm bảo 3 bữa ăn/ngày, có tivi để xem và một không gian rộng rãi hơn, đẹp hơn để ở", ông nói, nhớ lại những lần ngồi sau song sắt vì tội trộm cắp.
Chi phí tăng cao
Cựu chuyên viên kỹ thuật được chẩn đoán mắc ung thư vào tháng 5/2022 và phải nghỉ việc, công việc được trả hơn 30.0000 HKD (3.820 USD)/tháng, theo South China Morning Post.
Chưa nghèo đến mức đủ điều kiện nhận phúc lợi xã hội, Wong phải dựa vào số tiền tiết kiệm ít ỏi và vay ngân hàng để trang trải 8.000 HKD mỗi tháng, bao gồm 2.100 HKD tiền thuê chỗ kê một chiếc giường trong căn hộ ở Yau Ma Tei 18 người chia nhau.
Cuộc sống của những người nghèo ở Hong Kong càng trở nên khó khăn trong bối cảnh nhiều thứ tăng giá, từ thực phẩm đến điện, giá vé giao thông cũng sắp tăng.
Một số người, như Wong, không tiếp cận được sự giúp đỡ có sẵn dành cho những người Hong Kong nghèo nhất.
"Tôi thuộc nhóm được gọi là những người không có gì, không đủ điều kiện nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào", Wong nói, đề cập đến những người không đáp ứng các yêu cầu về nhà ở công cộng hoặc các khoản thanh toán phúc lợi Hỗ trợ An sinh Xã hội Toàn diện (CSSA).
"Tôi thực sự sợ rằng số tiền tiết kiệm của mình sẽ bị sử dụng hết. Bây giờ, ngoại trừ ra ngoài ăn đồ giá rẻ và đến bệnh viện, tôi không dám mạo hiểm đi đâu và chỉ nằm trên giường cả ngày".
Ông Wong sống trong căn hộ với 17 người khác ở Yau Ma Tei. Ảnh: Edmond So. |
"Hoàn cảnh ngày càng tồi tệ của nhiều người có thể thấy được từ việc hàng nghìn phiếu mua hàng, bữa ăn miễn phí của chúng tôi nhanh chóng được xin hết", Sze Lai-shan, phó giám đốc Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng, một tổ chức phi chính phủ làm việc với người nghèo, cho biết, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp từ chính quyền.
Vào tháng 1, hai công ty điện lực ở Hong Kong đã tăng giá điện với lý do chi phí nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Paul Chan Mo-po đã công bố khoản trợ cấp 1.000 HKD cho mỗi hộ gia đình đủ điều kiện để giảm bớt gánh nặng.
Tổng công ty MTR điều hành các tuyến đường sắt cũng đã thông báo sẽ tăng giá vé thêm 2,3% vào cuối năm nay. Giá vé Star Ferry sẽ tăng 56% trong tháng này.
Năm nhà điều hành xe buýt được nhượng quyền đã yêu cầu tăng giá vé lên tới 50% trong khi chính quyền đề xuất tăng phí cầu đường trên đường hầm xuyên cảng và đường hầm cảng phía đông thêm 10 HKD từ ngày 2/8.
Khó xoay xở
Lam Kin (46 tuổi), công nhân xây dựng vừa bị thương ở cổ và phải bỏ dở công việc thời gian gần đây, cho biết rất khó để anh nuôi sống gia đình 6 người, trong đó có cậu con trai út 9 tuổi bị thiểu năng trí tuệ.
Nhận được khoảng 22.000 HKD mỗi tháng bao gồm cả trợ cấp tàn tật cho anh và con trai, gia đình không có khoản tiết kiệm khi anh phải trả tiền thuê nhà hàng tháng 7.000 HKD.
"Giá thực phẩm đã tăng chóng mặt. Ví dụ, giá một chiếc bánh dứa đã tăng từ 5 HKD lên 7 HKD, tức là 40%. Điều này tác động rất lớn đối với chúng tôi, vì tôi cần mua 6 chiếc bánh cho bữa sáng gia đình", anh nói.
Lam gặp khó khăn khi chu cấp cho gia đình 6 người trong bối cảnh vật giá tăng cao. Ảnh: Edmond So. |
Để cắt giảm chi phí, gia đình đi chợ vào tối muộn để mua đồ giảm giá và các thành viên thay phiên tắm vào những ngày khác nhau để tiết kiệm điện.
“Chúng tôi chỉ chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu. Trước đây, chúng tôi cố gắng đi ăn ngoài mỗi tháng một lần, thường là ăn lẩu, nhưng nhiều tháng nay đã không ăn hàng. Nếu không nấu ăn, chúng tôi sẽ chỉ mua những hộp cơm hai món rẻ nhất”.
Sau 7 năm chờ đợi một căn hộ cho thuê công cộng, Lam hy vọng gia đình có thể sớm chuyển đến một ngôi nhà trợ cấp để tiết kiệm tiền thuê nhà.
“Thật sự rất khó để tồn tại. Cảm giác như chúng tôi đang vật lộn với cuộc sống", anh nói.
Nhà lập pháp phúc lợi xã hội Tik Chi-yuen kêu gọi chính quyền kìm hãm việc tăng phí sắp tới cho đến khi sinh kế của người dân ổn định.
“Chính quyền cũng nên xem xét chương trình CSSA để điều chỉnh khoản trợ cấp cơ bản cho người nghèo trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng bao gồm cả tiền thuê nhà. Quỹ Chăm sóc Cộng đồng cũng nên hỗ trợ nhiều hơn, chẳng hạn như trợ cấp tiền mặt, để giúp những người nghèo khác đối phó với chi phí gia tăng", ông nói.
Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.