Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những người rỗng túi vì cuộc chơi nào cũng có mặt

Khánh Uyên đối mặt với sao kê tín dụng từ tháng trước vẫn chưa kịp chi trả. Còn Ánh Ngọc hốt hoảng với hóa đơn hơn 51 triệu đồng sau một cuộc vui cuối tuần với bạn bè.

fomo anh 1

Tối cuối tuần, Khánh Uyên (25 tuổi, TP.HCM) chọn việc nằm dài ở nhà lướt mạng xã hội, xem phim. Đây dường như là một tối thứ bảy ngoại lệ đối với cô. Trước đây, nhân viên văn phòng này rất thích tụ tập với bạn bè, thậm chí đi chơi cả những ngày trong tuần, chỉ cần có ai đó rủ rê.

"Tôi đang rất bứt rứt trong người. Nằm ở nhà xem story, hình ảnh mọi người đăng tải trong cuộc vui mà không có mình khiến tôi thấy buồn", cô nói.

Chia sẻ với Zing, Khánh Uyên cho biết bạn bè đã rủ cô đi chơi vào hôm nay, nhưng Uyên từ chối vì kinh tế không còn cho phép.

"Cuộc vui nào tôi cũng có mặt, nhưng chi phí cho việc ăn uống, vui chơi tháng này đang độn lên nhiều so với dự kiến của tôi. Gần cuối tháng ví tiền của tôi đã sắp trống rỗng", Uyên thở dài.

Sợ đứng ngoài cuộc vui

Khánh Uyên và bạn bè thường hay đến những quán bar, pub để khám phá không gian, nước uống và trò chuyện cùng nhau. Đây cũng là sở thích của nhân viên trẻ này. Tuy nhiên, để đáp ứng được cuộc vui, Uyên đã phải tốn kém không ít.

fomo anh 2

Khánh Uyên buồn chán khi phải ở nhà xem những cuộc vui của bạn bè qua màn hình điện thoại.

"Một buổi đi chơi thông thường tiêu tốn khoảng 500.000 đồng. Đó là còn ít, chỉ đủ cho 2 ly cocktail. Những buổi hẹn bao gồm cả đi ăn tối và mua sắm chắc chắn con số phải là tiền triệu", Uyên nhẩm tính.

Trung bình một tháng qua, cô tốn hơn 6 triệu đồng cho những buổi hẹn hò với các cô bạn thân. Con số này thậm chí đang chiếm hơn 1/3 số tiền lương mà cô nhận được.

Ngọc Ánh (26 tuổi, TP.HCM) cũng không thể nào chịu được cảm giác ở nhà khi bạn bè tụ tập, vui chơi. Cô có mặt hầu như lập tức nếu có ai đó lên tiếng mời gọi.

Ánh thú nhận, cô sợ cảm giác bị bỏ lỡ những thông tin nóng sốt nhất từ hội bạn của mình.

"Tôi nghĩ ai cũng có tâm lý như thế thôi. Không ai biết được mình đã bỏ lỡ gì nếu không gặp mọi người. Tôi cũng muốn được chuẩn bị quần áo, xúng xính ra phố, gặp người này người kia và check-in các địa điểm vui chơi như bạn mình", Ánh tâm sự.

Không chỉ những cuộc hẹn ăn uống trong tuần, Ngọc Ánh còn đáp ứng cả những chuyến đi du lịch xa hay những bữa tiệc xa xỉ từ bạn bè. Điều này diễn ra gần như suốt 4 năm nay, từ khi cô đi làm và bắt đầu có thu nhập.

fomo anh 3

Mạnh Thắng vừa chi tiêu hơn 10 triệu đồng cho một chuyến du lịch không có kế hoạch trước.

Mạnh Thắng (25 tuổi, TP.HCM) cũng vừa có chuyến du lịch Bali (Indonesia) kéo dài 5 ngày 4 đêm với hội bạn thân. Trong chuyến đi này, anh đã tiêu tốn gần 10 triệu đồng, chiếm hơn một nửa số tiền lương mà anh nhận được.

"Thực tế, tôi ở nhà sẽ tốt hơn, 10 triệu đồng đó tôi có thể dành cho việc khác. Kế hoạch đi du lịch nước ngoài này cũng không nằm trong dự định năm nay của tôi. Nhưng tôi không muốn thấy bạn bè tụ tập đi du lịch, ăn uống mà thiếu mất mình", anh nói với Zing.

Anh thừa nhận từ khi du lịch mở cửa trở lại, bạn bè, đồng nghiệp của anh đều đã nhanh chóng đi du lịch nước ngoài. Anh không muốn mình là người đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, sau chuyến đi chơi, Mạnh Thắng cũng phải gác lại dự định đổi xe máy trong năm nay của mình vì chi phí thâm hụt.

"Tôi cũng đang gặp nhiều vấn đề về kinh tế, nhưng cứ sợ từ chối hoài sau này bạn bè cũng ngại rủ mình, vậy nên tôi cứ cố đi", anh nói, thừa nhận đây cũng là động lực khiến cuộc vui nào cũng có mặt mình.

Vừa chơi, vừa áp lực

Khánh Uyên thừa nhận việc phải ở nhà trong khi bạn bè đi chơi khiến cô cảm thấy bồn chồn, bứt rứt khó tả.

"Tôi cảm thấy mình như đứng ngoài cuộc, mặc dù đã chơi với hội bạn này 3 năm nay", cô miêu tả lại.

Tuy nhiên, đối mặt với con số sao kê từ thẻ tín dụng khiến Uyên phải suy nghĩ lại về cách sử dụng tiền mất kiểm soát của mình. Nhiều tháng qua, cô không thể nào có khoản tiết kiệm.

Số tiền còn lại sau khi thanh toán tiền nhà và chi phí sinh hoạt cố định chỉ đủ để cô trả nợ tín dụng từ tháng trước.

Những ngày ở nhà, Khánh Uyên khỏa lấp sự buồn chán bằng cách dắt thú cưng đi dạo và chạy bộ quanh công viên gần nhà.

Hóa đơn hơn 51 triệu đồng cho một buổi vui chơi cuối tuần khiến Ngọc Ánh choáng váng.

Cô cho biết các hoạt động thể chất khiến mình nhanh mệt và dễ ngủ hơn vào buổi tối. Điều này giúp cô không còn thức đến khuya chỉ để chiêm nghiệm những bài đăng về cuộc vui của bạn bè nữa.

Về phần Ngọc Ánh, cô từng tham gia những cuộc vui trong tâm thế thấp thỏm vì sợ chi phí cao, vượt quá khả năng chi trả của bản thân.

"Tôi từng đi đến một quán bar sôi động trong thành phố chơi cùng các bạn. Sáng hôm sau, tôi tỉnh rượu mới phát hiện bill của cuộc vui đó lên đến hơn 51 triệu đồng. Tính ra, mỗi người tốn hơn 8 triệu đồng chỉ cho một buổi tối cuối tuần", cô kể lại.

Sau lần đó, Ngọc Ánh không dám chi tiêu bất cứ thứ gì cho bản thân nữa vì thâm hụt vào các khoản khác.

Cô cũng buộc phải từ chối nhiều cuộc vui, mặc dù bạn bè lên tiếng năn nỉ.

"Giờ tôi đã biết chọn lọc hơn. Tôi đề xuất đến những nơi phù hợp với khả năng chi trả của bản thân. Nếu mọi người đồng ý thì gặp, không thì hẹn nhau lại lần sau", cô kể.

FOMO 'giết chết' ví tiền người trẻ

FOMO là cụm từ viết tắt từ “Fear Of Missing Out" - đó là nỗi sợ bị bỏ lỡ một điều gì đó. Gần đây, FOMO ngày càng được biểu hiện rõ ở giới trẻ và được xem như một hội chứng tiêu cực đáng báo động.

Theo Optin Monster, các nghiên cứu gần đây cho thấy thế hệ đang trải qua FOMO nhiều nhất chính là Millennials (những người sinh từ năm 1980 đến năm 2000, tương đương 1,8 tỷ dân số thế giới).

Trong đó, các lý do gây ra FOMO ở nhóm người này chủ yếu đến từ du lịch (chiếm 56%), tiệc tùng, các sự kiện (chiếm 54%) và các xu hướng ăn uống (chiếm 29%).

Nhìn chung, hầu hết cảm xúc chúng ta phải trải qua cùng với FOMO đều có vẻ tiêu cực. 39% người làm khảo sát cho biết họ cảm thấy ghen tị, 30% cảm thấy lo lắng, trong khi 21% còn lại thấy buồn hoặc thất vọng.

fomo anh 4

Mạng xã hội khiến người trẻ đối mặt với tình trạng FOMO trầm trọng hơn. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels.

CNBC cũng làm một cuộc khảo sát cho thấy 40% thế hệ trẻ đang chi tiêu quá mức và lâm vào cảnh nợ nần chỉ để theo kịp bạn bè.

FOMO là tâm lý mà bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ trải qua. Tuy nhiên, vẫn có cách để kìm hãm nỗi lo này.

  • Hãy dành thời gian cho bản thân và học nói “không" với những lời mời: Đôi khi những khoảng thời gian một mình là lúc bạn tái tạo lại năng lượng cho cơ thể. Đừng để bản thân bạn kiệt quệ vì những lời mời gọi từ người khác.
  • Sống chậm lại: Bạn không cần phải chạy đua theo bất cứ ai để làm mình cảm thấy tốt hơn. Bạn cũng không nên ôm đồm quá nhiều việc trong cùng một thời điểm chỉ vì cảm giác muốn tốt hơn ai đó.
  • Tạm ngưng việc lệ thuộc vào mạng xã hội: Bạn có thể thử bằng việc offline một ngày dài, thậm chí một tháng, điều này sẽ khiến cuộc sống của bạn có sự thay đổi nhất định.

Tăng làm việc, giảm vui chơi để phụ giúp tiền bố mẹ

Từ khi bắt đầu đi làm, Mỹ Hạnh (27 tuổi, TP.HCM) luôn cân đối chi tiêu, tiết kiệm tiền để đỡ đần gia đình. Vừa rồi, cô dành 20 triệu đồng cho chuyến du lịch nghỉ dưỡng của bố mẹ.

Mỹ Trinh

Đồ hoạ: Mỷ Thi

Bạn có thể quan tâm