Kể từ khi tốt nghiệp đại học và đi làm, Kiều Nga (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chưa bao giờ sợ Tết như năm nay.
Cuối tháng 11/2024, bộ phận làm việc của Nga bị công ty cho giải thể, đồng nghĩa tất cả nhân sự phải chấm dứt hợp đồng. Sau hai tuần xử lý nốt công việc, cô chính thức thất nghiệp vào giữa tháng 12/2024, khi Tết Nguyên đán cận kề.
“Công ty hứa hỗ trợ một tháng lương, song với nhiều khoản chi sắp tới cho dịp Tết, chắc tôi phải co kéo rất nhiều”, cô gái sinh năm 1996 bày tỏ.
Nga vừa chuyển nhà trọ khoảng 2 tháng nay, mỗi tháng tiêu tốn gần 4 triệu đồng. Với số tiền hỗ trợ mất việc và tiết kiệm, cô chỉ có thể cầm cự trong vài tháng.
“Tôi tính sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch sẽ bắt đầu rải CV. Dù đột ngột thất nghiệp cuối năm, tôi tự an ủi mình, coi như được nghỉ sớm về với gia đình”, cô chia sẻ.
Kiều Nga không phải trường hợp cá biệt.
Đau đầu xoay xở tiền tiêu Tết
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Xã hội học, thạc sĩ trị liệu tâm lý Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện TP.HCM - nhận định cùng với sự phát triển của mạng xã hội, mọi người chia sẻ ngày càng nhiều tâm tư liên quan đến sợ Tết.
Theo quan sát của bà, nhóm 18-35 tuổi có tâm lý sợ Tết hơn cả. Trong giai đoạn này, người trẻ vướng bận học hành, phải lo toan sự nghiệp. Tài chính không ổn định khiến họ sợ về nhà dịp năm mới. Bởi lẽ, theo văn hóa, tập tục của người Việt, về Tết là phải có quà biếu, lì xì…
“Trong văn hóa của nhiều vùng miền, nhất là ở nông thôn, các thế hệ ông bà, cha mẹ còn có xu hướng so sánh giữa con cháu, ai biếu quà Tết to hơn, ai lương cao hơn… Đó là những áp lực tâm lý mà người trẻ không muốn đối mặt”, bà Thúy lý giải.
Nhiều người trẻ sợ Tết, thậm chí trốn về nhà liên quan đến áp lực tài chính và tinh thần. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Mỗi năm chỉ về nhà 2 lần vào dịp hè và Tết Nguyên đán, Ngô Lương (26 tuổi, Hà Tĩnh) - làm việc trong ngành marketing ở TP.HCM - háo hức khi kỳ nghỉ năm mới đến, nhưng cũng thấy lo sợ.
Nếu được nghỉ Tết sớm, Lương sẽ có nhiều thời gian ở bên gia đình. Đặt vé máy bay sớm cũng sẽ đỡ “đau ví” và bớt căng thẳng hơn gần Tết. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào quy định của công ty.
Năm nào, Lương cũng phải “vắt óc” suy tính làm sao để xoay xở đủ tiền tiêu Tết. Như mọi năm, cô gái sinh năm 1998 đều trông chờ tháng lương thứ 13. Nếu tính toán các khoản chi không khéo, cô rất dễ loay hoay vì không đủ xài.
Rút kinh nghiệm, từ đầu năm nay, Lương đã nhẩm tính số tiền cần chi tiêu cho Tết Âm lịch là 35-40 triệu đồng. Trong đó, vé máy bay khứ hồi: 7 triệu đồng, quà Tết: 5 triệu đồng, biếu bố mẹ: 10 triệu đồng, chi tiêu và lì xì: 8 triệu đồng, dự phòng: 5 triệu đồng.
Từ khoảng tháng 5/2024, Lương để dành ra mỗi tháng 5 triệu đồng. Ngay khi lương về, cô đặt sẵn lệnh đề tài khoản ngân hàng tự động trừ tiền vào hũ tích lũy.
Ngô Lương tích lũy tiền tiêu Tết từ sớm để bớt áp lực hơn khi năm mới đến gần. Ảnh: NVCC. |
“Việc lập kế hoạch chi tiêu từ giữa năm giúp tôi nhẹ gánh hơn và đỡ đi phần nào áp lực”, cô nói.
Bài toán chi tiêu Tết cũng khiến Phương Trâm (29 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) nhiều đêm mất ngủ. Cô vừa đi làm trở lại vào đầu tháng 12/2024, sau 7 tháng nghỉ thai sản.
Trâm sinh đôi nên hàng tháng, tiền bỉm sữa đã ngốn gấp đôi, chắt bóp mãi cũng tối thiểu 5-10 triệu đồng. Ở chung với nhà nội, vợ chồng cô đóng tiền ăn 3 triệu đồng/tháng, thêm hơn 1,5 triệu đồng tiền điện cho cả nhà 10 người.
Trâm nhẩm tính số tiền biếu bố mẹ đôi bên vẫn như năm ngoái là 10 triệu đồng/nhà, lì xì 7-8 triệu đồng, còn mua sắm nhờ cậy chị gái. Quê Trâm ở Yên Bái, cách Hà Nội gần 300 km nên cô phải lo thêm khoản thuê xe về quê ăn Tết.
“Tôi đã tham khảo chi phí thuê xe 4 chỗ tự lái là 5 triệu đồng cho 2 ngày. Nếu cần rộng rãi hơn, xe 7 chỗ giá khoảng 7-8 triệu đồng, chưa kể tiền xăng, phí cầu đường. Tôi cứ thăm dò trước rồi đợi gần Tết xem tình hình lương thưởng thế nào rồi mới dám tính tiếp”, cô nói.
Đối phó những câu hỏi kém duyên
TS Phạm Thị Thúy cho biết nhiều người trẻ sợ Tết, thậm chí trốn về nhà ăn Tết, không phải vì thiếu tiền hay không có thời gian. Họ chán ghét những câu hỏi riêng tư như “Lương bao nhiêu?”, “Bao giờ lấy vợ/chồng?”, “Bao giờ có con?”.
Đó là trường hợp của Phạm Thương Thương (32 tuổi, Quảng Bình) - hiện sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc. Sau 2 năm ăn Tết xa nhà, cô dự định sắp xếp công việc để trở về đoàn tụ gia đình vào dịp Tết Ất Tỵ sắp tới.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui và háo hức được về quê hương sum họp, Thương ngán ngẩm khi nghĩ tới viễn cảnh bị giục cưới bởi người thân, họ hàng. Năm nay bước sang tuổi 33, Thương đang được xem là “trường hợp nguy cấp”.
“Bao giờ định lấy chồng thế?”, “Bao giờ cho bác ăn cỗ nào?”, “Hơn 30 rồi, không lo ổn định chồng con đi chứ”. Những câu hỏi han quan tâm, có phần “nhắc khéo” mà cô gái sinh năm 1992 không cần đoán cũng biết chắc sẽ phải đối mặt nếu đi chúc Tết họ hàng.
“Tôi đã có người yêu nhưng hiện chúng tôi chưa có kế hoạch kết hôn, ít nhất là trong năm sau. Vậy nên mỗi khi bị hỏi tới vấn đề này, tôi khá stress, thậm chí hơi sợ và mệt mỏi mỗi khi đối diện”, cô chia sẻ.
Thương Thương liên tục bị giục cưới khi thăm hỏi họ hàng dịp Tết. Ảnh: NVCC. |
TS Phạm Thị Thúy chỉ ra thêm một lý do khiến nhiều người trẻ sợ Tết là khác biệt trong suy nghĩ, mong muốn, nhu cầu về Tết so với thế hệ ông bà, bố mẹ họ.
“Các bạn trẻ bây giờ thích sự tự do, phóng khoáng. Họ coi Tết là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí thay vì phải tuân theo những gì mang tính hình thức, tập tục như thời xưa”, bà nói.
Theo bà Thúy, đây là điều khó tránh khỏi vì xã hội thay đổi dẫn đến quan điểm của người trẻ thay đổi. Không thể trách họ lãng quên truyền thống.
Để Tết không còn là nỗi ám ảnh, TS Phạm Thị Thúy đề xuất một số giải pháp.
Về phía người trẻ, điều cần làm trước tiên là nâng cao nhận thức cho họ về giá trị Tết. Giới trẻ nên hiểu rằng Tết là cơ hội để sum vầy, kết nối gia đình, gắn bó với quê hương sau một năm đi làm ăn xa. Tình thân chính là động lực để mỗi người phấn đấu trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, ngày Tết quan trọng giá trị tinh thần hơn là vật chất. Vì thế, các bạn trẻ cũng không nên đặt nặng áp lực tài chính khi về Tết. Họ nên “liệu cơm gắp mắm”, có ít hay nhiều tiền sẽ chi tiêu cho phù hợp.
Trong trường hợp liên tục bị người thân trong gia đình hỏi dồn về lương thưởng hay chuyện lập gia đình, con cái, người trẻ nên thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình để được thấu hiểu và tôn trọng. Việc chịu đựng chỉ tự tạo áp lực cho bản thân, dẫn đến tâm lý chán nản đến nỗi không dám về Tết.
Nếu câu hỏi riêng tư đến từ người lạ, tùy vào thái độ của đối tượng hỏi là quan tâm hay mỉa mai, các bạn trẻ có thể hồi đáp lịch sự với một nụ cười hoặc nghiêm mặt nói mình không có nghĩa vụ phải trả lời.
Theo chuyên gia, người trẻ hiện đại coi Tết là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí thay vì phải tuân theo những gì mang tính hình thức, tập tục như thời xưa. Ảnh minh họa: Thụy Trang. |
Về phía các bậc cha mẹ, nhất là những người mong con cái ở xa về Tết, họ nên tìm hiểu lý do con cái không muốn về nhà và thay đổi nếu nguyên nhân nằm ở phía mình.
Phụ huynh phải làm sao để người người trẻ giảm bớt áp lực về tài chính. Họ có thể chủ động chia sẻ rằng mình không cần quà cáp cầu kỳ để con cái cảm thấy nhẹ lòng, đỡ áy náy.
Quan trọng hơn, người lớn cần tạo nên không khí thoải mái và một cái Tết mới hiện đại, bớt đi những thủ tục rườm rà, hình thức không đáng có như mâm cao cỗ đầy, bày vẽ tốn thời gian, tiếp khách không cần thiết.
“Mỗi năm, Tết chỉ nên có 1-2 lần sum vầy gia đình, họ hàng. Nếu ngày nào cũng bày ra cỗ bàn, nhậu nhẹt rồi làm khổ phụ nữ trong nhà, việc người trẻ không dám về là điều dễ hiểu”, bà Thúy khuyến cáo.
Khi Thương Thương bước vào giai đoạn cuối 20, đầu 30 tuổi, tần suất cô nhận được những câu hỏi về chuyện riêng tư ngày càng nhiều. Vì không muốn làm mất không khí vui vẻ ngày Tết, cô thường chọn cách cười trừ hoặc lảng sang chuyện khác cho xong.
“Tôi biết người thân cũng chỉ muốn thể hiện sự quan tâm nhưng việc thúc giục như vậy chỉ khiến tôi thêm mệt mỏi. Năm nay, có lẽ tôi phải lên mạng học sẵn một số câu đối đáp vừa khéo, vừa hài hước để chuẩn bị cho mùa Tết”, Thương bày tỏ.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.