Thị trấn La Rinconada ở Peru. Ảnh: Weizmann Institute of Science. |
Có hơn 80 triệu người đang sống tại độ cao từ 2.500 m so với mặt nước biển, phần lớn ở Nam Mỹ, Trung Á và Đông Phi. Tuy nhiên, đáng kể nhất phải là những cư dân sống tại dãy Andes của Peru, ở một thị trấn có biệt danh là "Thiên đường của quỷ".
Có tên chính thức là La Rinconada, 50.000 cư dân tại đây sống ở độ cao 5.000-5.300 m so với mực nước biển, biến nơi đây thành khu định cư cao nhất thế giới.
Theo LiveScience, đời sống tại La Rinconada khá khó khăn khi không có nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước hoặc xử lý rác thải. Thực phẩm được nhập khẩu từ những vùng có độ cao thấp hơn và điện chỉ được lắp đặt ở thị trấn vào những năm 2000.
Những gì diễn ra trong cơ thể và sức khỏe của người dân sống tại khu vực này mới là điều gây ngạc nhiên.
Khi một người không sống ở vùng cao và đến những nơi như La Rinconada, điều dễ nhận thấy là nhịp tim và nhịp thở sẽ tăng lên, do càng cao thì càng có ít oxy trong không khí, nên phổi và tim phải hoạt động nhiều hơn.
"Khi ở 4.500 m, không khí bạn hít vào chỉ có lượng oxy bằng 60% so với khi đang ở độ cao ngang mực nước biển", Cynthia Beall, giáo sư danh dự về nhân chủng học tại Đại học Case Western Reserve (Mỹ), cho biết.
Ban đầu, tỷ lệ huyết sắc tố cũng sẽ giảm mạnh. Một số người có thể xuất hiện triệu chứng say núi cấp tính, khi cơ thể điều chỉnh để thích ứng với môi trường oxy thấp. Tình trạng này có thể gây đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn và chán ăn.
Khi đã ở những vùng cao 1-2 tuần, nhịp tim sẽ bắt đầu ổn định do dần thích nghi và cơ thể sản sinh nhiều hồng cầu hơn để bù trừ cho tỷ lệ oxy trong không khí thấp.
Trong khi đó, những người đã sống ở vùng cao từ nhỏ được cho là có thể tích phổi tăng, đặc biệt là trước tuổi thiếu niên, theo bà Beall. Điều này giúp cư dân các vùng núi thích nghi với điều kiện không khí.
Những cư dân ở dãy Andes thường có nồng độ huyết sắc tố cao trong máu, khiến máu của họ đặc hơn. Điều này cho phép người Andes mang nhiều oxy hơn trong máu nhưng cũng khiến họ dễ mắc phải một tình trạng gọi là say núi mạn tính. Điều này xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu.
Say núi mạn tính xuất hiện ở những người sống tại độ cao trên 3.000 m trong thời gian dài, với triệu chứng mệt mỏi, hụt hơi và đau nhức. Ước tính một trong 4 người ở La Rinconada mắc tình trạng này.
Trong khi đó, những người sống tại vùng núi Tây Tạng lại không có huyết sắc tố cao nên ít khả năng mắc say núi mạn tính. Bà Beall nói cư dân tại đây thích nghi với độ cao bằng việc có lưu lượng máu chảy qua cơ thể cao hơn.
Theo đó, người Tây Tạng có đột biến gene EPAS1 làm giảm lượng huyết sắc tố trong máu. Đột biến này gần đây cũng xuất hiện ở một nhóm cư dân Andes và giới khoa học đang nghiên cứu thêm.
Học cách già đi
Bước vào tuổi xế chiều, nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Họ không còn công việc để làm, mất đi sự năng động vốn có và trở nên tự ti. Về già, hãy học cách yêu cuộc đời một lần nữa.
Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.