Nam sinh được chăm sóc sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp, em V.X.S. (15 tuổi, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), nhập viện trong tình trạng đau tức nhiều vùng hậu môn, đau bụng, khó thở.
Tại khoa Cấp cứu, nam sinh lập tức được chỉ định phẫu thuật với chẩn đoán vết thương tầng sinh môn thấu bụng, ngực.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện ổ bụng của bệnh nhân có khoảng 700 ml dịch máu loãng, kèm 200 gram máu cục. Dị vật xuyên thủng mặt trước trực tràng, làm thủng 3 đoạn ruột non; rách mạc treo ruột non, đại tràng ngang; xuyên thủng dạ dày 2 lỗ; thủng cơ hoành trái khoảng 3 cm.
Khi kiểm tra qua lỗ thủng cơ hoành trái, ê-kíp tiếp tục thấy có rách nhu mô phổi trái. Khoang màng phổi trái có dị vật là cành cây gãy và con ốc.
Dị vật lấy ra từ phổi người bệnh. Ảnh: BVCC. |
Sau 5 giờ phẫu thuật, nam bệnh nhân đã được lấy bỏ dị vật, khâu nối lại các tổn thương, cắt 3 đoạn ruột non tổn thương và nối lại các đoạn ruột non. Các bác sĩ cũng đưa quai đại tràng sigma phía trên lỗ thủng ra làm hậu môn nhân tạo.
Kết thúc ca mổ, người bệnh được chuyển khoa Hồi sức tích cực ngoại theo dõi và đã tự thở lại sau đó 8 giờ. Hiện tại, tình trạng sức khỏe nam sinh có nhiều tiến triển và tiếp tục được điều trị, theo dõi tại khoa.
Theo TS.BS Đặng Việt Sơn, Trưởng ê-kíp mổ cấp cứu cho nam sinh, tầng sinh môn là bộ phận nằm giữa xương mu và xương cụt, bao gồm phần đáy chậu và các cấu trúc xung quanh, có chức năng bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, âm đạo, trực tràng, bàng quang, hậu môn… Vì vậy, những tổn thương ở tầng sinh môn đều có thể gây tổn thương nhiều cơ quan, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Tiến sĩ Sơn khuyến cáo mọi người nên cảnh báo và thận trọng khi tắm sông, tốt nhất không nên tắm sông, ao bừa bãi và thực hiện hành động nguy hiểm tương tự trường hợp nam sinh nói trên.
Khi cho con đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ; tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để ý giám sát con trong tầm mắt. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên chia sẻ và trang bị kiến thức đầy đủ cho con về các mối nguy hiểm dưới nước và biết các biện pháp phòng tránh, bảo vệ bản thân.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo trong trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể, mọi người tuyệt đối không tự ý rút dị vật ra, kể cả ở phòng cấp cứu.
Nếu bị chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm thời. Việc rút ra sẽ dẫn đến tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, gây khó khăn trong việc cứu sống người bệnh, thậm chí tăng nguy cơ tử vong do chảy máu ồ ạt. Việc rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên.
Khi bị tổn thương từ dị vật, mọi người nên băng cố định dị vật rồi đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình (Nhà xuất bản Công Thương liên kết công ty Cổ phần Sách Thái Hà Books) tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Giải thưởng dự kiến trao vào đầu tháng 10.