Tiếp viên hàng không từng là công việc mơ ước của nhiều người vì mang lại mức lương hậu hĩnh cùng những trải nghiệm quý giá. Tuy nhiên, đại dịch đã thay đổi mọi thứ, theo New York Times.
Veronica, một tiếp viên hàng không, đã phải từ bỏ công việc mơ ước của mình sau khi bị một chú chó becgie làm cho "tức nước vỡ bờ". Chú chó becgie là hành khách "bất trị" (theo cách gọi của Cục Hàng không Liên bang Mỹ - FAA) thứ ba trong tháng của Veronica.
Sự cố đầu tiên liên quan đến phản ứng có tính "côn đồ" của một người đàn ông trung niên khi được Veronica nhắc nhở đeo khẩu trang đúng cách trước khi lên máy bay.
Sự cố thứ hai là về một nhóm vận động viên liên tục tháo khẩu trang để trò chuyện trong chuyến bay. Một cô gái trong đoàn đã không đeo khẩu trang khi rời khỏi ghế ngồi để đi vệ sinh.
Trước sự nhắc nhở của Veronica, cô gái phản ứng đầy tức giận: "Cô chẳng có quyền gì để yêu cầu tôi như vậy".
Hai người đứng cách nhau ở một khoảng cách gần, nữ vận động viên lại có thân hình quá cao to khiến Veronica cảm giác như bản thân sắp bị hành hung đến nơi. May thay, một huấn luyện viên trong đoàn đã can thiệp kịp thời, lúc này Veronica mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Nhân vật chính trong sự cố cuối cùng là chú chó becgie Đức. Khi mới lên máy bay, biểu hiện có chút bất thường của chú chó đã thu hút sự chú ý của các tiếp viên.
Khi Veronica đang trình bày về các quy tắc an toàn cho hành khách trước giờ khởi hành, chú chó đã vồ lên người nữ tiếp viên mặc cho người chủ ra sức ngăn cản. Veronica chỉ bị xây xát nhẹ, tuy nhiên tai nạn lần này như "giọt nước tràn ly" khiến cô quyết định rời bỏ công việc yêu thích đã gắn bó suốt 6 năm.
Cô Veronica đã phải bỏ việc tiếp viên hàng không vì không chịu nổi áp lực thời dịch bệnh. Ảnh minh họa: New York Times. |
Công việc mơ ước
Các tiếp viên hàng không thường yêu công việc của mình. Nghề này có mức lương tương đối hậu hĩnh, không yêu cầu bằng đại học, bên cạnh đó còn được đào tạo thêm nhiều kỹ năng thiết thực.
Mức lương trung vị rơi vào khoảng 60.000 USD trong năm 2020, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, với khoảng 10% tiếp viên kiếm được từ 85.000 USD trở lên. Tiếp viên hàng không cũng thường có lịch trình linh hoạt và ít chịu sự giám sát trực tiếp.
Một số tiếp viên kể về niềm vui trong công việc ở những thứ đôi khi rất nhỏ, chẳng hạn: Nói đùa với hành khách, lắng nghe tâm sự và giúp họ giảm bớt muộn phiền, đôi lúc đóng vai bảo mẫu "bất đắc dĩ" để hành khách có chút thời gian nghỉ ngơi. Tính chất công việc cũng giúp các các thành viên phi hành đoàn xây dựng những mối quan hệ thân thiết và bền chặt.
Nghề tiếp viên cũng mang đến nhiều đặc quyền. Một tiếp viên có thâm niên có thể chỉ cần làm việc 9 ngày một tháng (với ba chuyến đi và mỗi chuyến kéo dài ba ngày).
Các quyền lợi khác bao gồm bay miễn phí hoặc với giá ưu đãi, được giảm tiền thuê khách sạn và thuê xe...
“Tôi được ngắm nhìn cả thế giới”, một tiếp viên hàng không đã nghỉ hưu gần đây nói. "Đây là cách duy nhất để tôi làm điều đó với mức thu nhập của mình”.
Mắc kẹt với những hành khách "bất trị"
Nhưng sự lo lắng, thù địch và giận dữ do đại dịch Covid-19 gây ra đã biến các chuyến bay trở thành những chiến trường.
Nhìn bề ngoài, tiếp viên hàng không cũng không khác mấy so với các nhân viên dưới mặt đất khi đều phải liên tục nhắc nhở hành khách về quy định đeo khẩu trang và chịu rủi ro bị hành hung.
Tuy nhiên, các chuyến bay là nơi tích tụ nhiều sự giận dữ và căng thẳng hơn cả. Có người khó chịu vì phải đeo khẩu trang. Có người tức giận với những người không chịu đeo khẩu trang. Tất cả đều cảm thấy mệt mỏi với tình trạng trễ chuyến và đôi khi hủy chuyến do thời tiết và biến chủng Omicron.
Chuyến bay của hãng American Airlines phải bay ngược về Sân bay Quốc tế Miami hồi giữa tháng 1 vì một hành khách nhất quyết không chịu đeo khẩu trang. Ảnh: New York Times. |
Một lý do nữa, nếu hành khách mất kiểm soát giữa chuyến bay, tiếp viên hàng không không có ai khác để cầu cứu, họ phải ở đó và giải quyết tình hình với một chút quyền hạn ít ỏi.
Trước đại dịch, những hành khách "bất trị" - có hành vi cản trở, đe dọa, hoặc tấn công thành viên phi hành đoàn - không nhiều. Thế nhưng, trong năm 2021 và đầu năm 2022, FAA đã ghi nhận 6.300 sự cố về hành khách "bất trị", trong đó hơn 4.500 vụ liên quan đến quy định đeo khẩu trang.
Vài tháng trước, sau khi một tiếp viên của hãng hàng không Southwest yêu cầu một phụ nữ thắt dây an toàn, thu gọn bàn ăn, và đeo khẩu trang đúng cách, người phụ nữ đã đứng dậy và liên tục đấm vào người tiếp viên. Hậu quả, nữ tiếp viên đã bị mẻ 3 chiếc răng.
Vì rủi ro và trách nhiệm quá lớn, Roger, người có kinh nghiệm bay 7 năm, đã từ chối vị trí tiếp viên trưởng. Roger cho biết anh đã gửi hơn 30 đơn khiếu nại về những hành khách "bất trị" và chưa bao giờ nhận được phản hồi từ hãng hàng không.
Người tiếp viên khác có tên đệm là Wilson nói rằng anh sẽ không phục vụ trên những máy bay cỡ nhỏ nữa. Năm ngoái, anh đã có trải nghiệm "nhớ đời" khi là tiếp viên duy nhất phục vụ trên một chiếc máy bay 50 ghế.
Một hành khách từ chối đeo khẩu trang và đã sử dụng cơ bắp để đe dọa Wilson. Anh không biết làm gì khi phải một mình đối diện với người đàn ông lực lưỡng giữa bầu trời. Phi công ngồi phía sau cánh cửa chống đạn chẳng thể giúp gì được cho anh lúc đó".
"Tôi mắc kẹt trong một cái hộp thiếc với người đàn ông đó. Tôi không thể chạy", anh nói.
Dù đã báo cáo sự việc, người đàn ông vẫn không bị hình thức xử phạt nào sau khi máy bay hạ cánh.
Các tiếp viên trình bày về những quy định an toàn cho hành khách trên một chuyến bay của hãng hàng không American Airlines ngày 2/12/2020. Ảnh: AFP. |
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Trong cuộc khảo sát của Hiệp hội Tiếp viên Hàng không (CWA), 71% tiếp viên cho biết họ không nhận được sự theo dõi nào từ các hãng hàng không sau khi gửi báo cáo sự cố.
Đa số nói họ không thấy nỗ lực từ hãng trong việc giải quyết hành vi thô lỗ của hành khách. Một số tiếp viên cho biết những ngày này họ chỉ nộp báo cáo một cách lẻ tẻ hoặc đã ngừng hoàn toàn. Lý do là quá mệt mỏi với việc phải viết báo cáo ngoài giờ làm việc và không thấy các báo cáo tạo ra sự thay đổi đáng kể nào.
Cảm giác đơn độc của các tiếp viên hàng không còn đến từ một khía cạnh khác.
"Tôi từng đáp một chuyến bay xuống Washington D.C., thay đồng phục, gọi một chiếc Uber và đi bộ xung quanh Quảng trường Quốc gia (National Mall) và viện Smithsonian (tổ hợp viện bảo tàng, phòng trưng bày và sở thú)", Roger kể.
“Bây giờ tôi về thẳng phòng khách sạn, đặt đồ ăn và bật tivi lên xem. Tôi đã không đi ăn cùng đồng nghiệp trong một quãng thời gian dài”.
Ngày trước, ít người làm như vậy, giờ đây thì ngược lại.
Nguyên nhân đến từ nỗi sợ Covid-19 hoặc tình trạng kiệt sức vì công việc quá tải. Một số thành phố như Tokyo hay Seoul không cho phép tiếp viên rời khỏi khách sạn vì các quy định phòng dịch.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, ngày càng có nhiều tiếp viên tham gia chương trình trợ giúp của CWA. Chương trình này cung cấp sự hỗ trợ và nguồn lực để giải quyết các vấn đề tiếp viên hàng không thường gặp phải như lệ thuộc vào ma túy, bị quấy rối, rối loạn tâm lý, các chấn thương tại nơi làm việc, cũng như các vấn đề về tài chính.
FAA cũng bắt đầu ban hành các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những hành khách "bất trị", và đã điều tra hơn 1.100 vụ việc trong năm 2021, so với khoảng 150 vụ trong những năm trước.
Veronica, giống như nhiều tiếp viên khác, hy vọng khi đại dịch qua đi và chính phủ dỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang, bạo lực và những hành động hành hung bằng lời nói sẽ giảm. Nếu điều đó xảy ra, cô chô biết sẽ trở lại bầu trời.