Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những người trẻ có thú chơi máy ảnh cũ, trang sức cổ

Sau 6 năm, Trần Thu sở hữu khoảng 500 máy ảnh cũ, hiếm có. Trong khi đó, Đức Huy chi 85 triệu đồng để sỡ hữu món trang sức có tên "kim khánh triều Nguyễn".

suu tam do co anh 1

Không ít người trẻ thích hoài niệm, tìm về những thứ xưa cũ để được cảm nhận giá trị văn hóa, lịch sử ở năm tháng đó. Mỗi lần sở hữu được món đồ quý giá, lâu đời, họ cảm thấy hạnh phúc và trân trọng hơn bao giờ hết. Nhiều bạn không ngại bỏ ra số tiền lớn để sở hữu đồ cổ trưng trong nhà.

Zing có cơ hội được nghe câu chuyện của 4 bạn trẻ và chiêm ngưỡng những đồ vật xưa, hiếm có mà họ sưu tầm.

Máy ảnh phim
Trần Thu (29 tuổi, quận 3, TP.HCM)

Tình yêu với việc sưu tầm, chơi máy ảnh cũ của tôi bắt nguồn từ ông ngoại. Ông là nhiếp ảnh gia, ưa thích chụp phim. Khi qua đời, ông để lại chiếc máy "Sears KS-1", được ra mắt năm 1981 tại thị trường Mỹ và cuốn album do ông thực hiện. Mỗi lần nhớ ông, tôi đều lấy kỉ vật ra ngắm nghía và bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về các dòng máy lâu đời.

Sau hơn 6 năm, tôi sưu tầm được khoảng 400-500 máy phim cũ đến từ các hãng: Nikon, Canon, Contax, Leica, Yashica, Minolta, Pentax,… được sản xuất từ năm 1930-2000. 99% máy phim đều đã ngừng sản xuất trên thế giới và tiêu chí để tôi lựa chọn mua máy cổ là: hiếm có, ngoại hình mới, chất lượng tốt. Dù phải tìm kiếm khó khăn ở nước ngoài, giá máy hay phí vận chuyển cao tôi đều cố gắng để có được chúng.

Máy tôi mua có giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Máy cổ không có mức giá cố định, nó được trả dựa trên sự hiểu biết, cảm nhận hay sự chân thành của người mua. Thậm chí, nhiều người còn đấu giá để sở hữu loại độc nhất.

Việc mua và sưu tầm máy ảnh với tôi là thú vui duy nhất, không thể thiếu trong cuộc sống. Không chỉ giúp tôi ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời, chơi máy phim khiến tôi như được tiếp nối đam mê của ông ngày xưa.

Trang sức, cổ phục

Đức Huy, 26 tuổi, quận 5, TP.HCM

Từ năm 10 tuổi, tôi đã có hứng thú với những tờ tiền xưa, phải tích góp từng đồng tiền hiện hành để mua về vài tờ bạc cổ.

Lúc sinh thời, ngoại tôi làm nghề cầm đồ nên trong nhà có nhiều vật lạ mắt, mang tính lịch sử. Bởi vậy tôi có cơ hội được ngắm nhìn đồ cổ từ sớm và dần trở thành đam mê.

Trước đây, tôi thường sưu tập tiền, chậu gốm, tranh kiếng (tranh kính) Nam Bộ. Đến hiện tại, khi có thu nhập ổn định, tôi tập trung nghiên cứu và tìm mua những món trang sức, quần áo thuộc triều Nguyễn.

Tôi mong muốn được hiểu hơn về văn hoá và cách ăn vận ngày xưa, cũng như cách cha ông ta làm ra sản phẩm thủ công tỉ mỉ mà ngày nay khó lòng sánh được.

Các loại phụ kiện hoàng gia triều Nguyễn là thứ đắt đỏ vì được làm bằng vàng, có giá trị cao và được nhiều người săn tìm. Tôi may mắn khi vừa sở hữu được kim khánh, một loại trang sức đặc biệt dùng để khẳng định địa vị tôn quý thời nhà Nguyễn, do chính Hoàng đế ban tặng cho các quý tộc, đại thần.

Ngoài ra, tôi cũng thêm vào bộ sưu tập của mình 3 chiếc kiềng vàng phong cách triều Nguyễn, tổng giá trị lên tới 180 triệu đồng.

Cái khó của việc sưu tầm phụ kiện xưa là hiện vật dễ bị phong hóa, nhất là đồ bằng lá. Ví dụ như nón cụ, loại nón cưới của cô dâu miền Nam, làm từ lá nên đa số bị hư hỏng nặng. Tôi phải phơi nắng chúng và xịt chống mốc 3 tháng một lần. Tôi rất trân quý những chiếc nón này vì hiện tại trong nước chỉ còn lại vài chục cái.

Bên cạnh trang sức, tôi còn có đam mê với phục trang thời nhà Nguyễn. Có những bộ đồ, tôi tự tìm tư liệu lịch sử, tham khảo ý kiến các nhà sử học, các bậc tiền bối có kinh nghiệm và phục dựng lại.

Dành nhiều thời gian chơi đồ cổ khiến tôi cảm thấy trưởng thành hơn, thấm thía sâu sắc những nét đẹp thế hệ trước để lại.

Đồ gốm
Quốc Toàn, 23 tuổi, quận 7, TP.HCM

Kết thúc giờ làm, thú vui duy nhất của tôi là về nhà ngắm những món đồ cổ. Tôi có sở thích đặc biệt với các loại chậu, bình làm từ gốm Cây Mai, loại gốm sản xuất vào từ cuối thể kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Món đắt tiền nhất trong bộ sưu tập của tôi là 2 chiếc đôn bồng giá 23 triệu đồng và chậu từ lò Đồng Hòa chế tác, nơi sản xuất gốm Cây Mai nổi tiếng trong nước, với giá 26 triệu đồng. Loại chậu thống, miệng tròn này thường được đặt trong nhà các quan triều Nguyễn, các gia đình khá giả thời xưa.

Gốm Cây Mai có niên đại hơn 120 năm, bởi vậy, việc tìm một món còn nguyên trạng rất khó, thường sẽ bị sứt, vỡ. Hiện vật chỉ bị mẻ nhẹ được đánh giá là rất quý, còn món vỡ lớn tôi sẽ phải tìm các thợ tay nghề cao để sửa lại.

Loại gốm này luôn được săn đón, thu hút bởi bảng màu men chủ đạo là xanh coban, trắng, vàng đất, xanh ve chai. Khi phối hợp các màu lại với nhau sẽ tạo nên tuyệt tác. Những thợ bây giờ không thể chế tác lại được những sản phẩm của gốm Cây Mai thời trước.

Đồng hồ, tờ nhạc, đĩa than
Xuân Duy, 28 tuổi, Long An

Năm lớp 7, tôi bắt đầu tò mò về cơ chế hoạt động của chiếc đồng hồ ở nhà ông ngoại. Tuy nó không có pin, nhưng vẫn chạy và phát ra nhạc. Tôi được ông cho xem cấu tạo bên trong của đồng hồ với loạt bánh răng cơ học nhìn rất đẹp. Từ đó, tôi bắt đầu nuôi đam mê đến bây giờ.

Hiện tại, tôi còn giữ lại 9 đồng hồ Odo nội địa và hơn 20 sản phẩm của các hãng lâu đời như Junghans, GustavBecker, Vedette, FFr,... Những chiếc đồng hồ này cần phải tra dầu mỡ định kì và nên vặn cót vừa phải vì đã mấy chục năm tuổi rồi.

Bên cạnh đó, tôi sưu tập thêm tờ nhạc xưa. Bản thân tôi thích nghe nhạc vàng, trong nhà cũng có khoảng hơn 30 tờ nhạc trước năm 1975 do bố còn cất giữ. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm nhiều hơn.

Có những tờ nhạc làm bằng chất liệu giấy offset, qua mấy chục năm sẽ mục nát nếu không bảo quản tốt. Hiện tại, tôi lưu giữ gần 400 tờ nhạc trước năm 1975 và hàng chục đĩa than có từ thập niên 30-70 của thế kỷ trước.

Sưu tầm đồ cổ là đam mê và thú vui để tôi giải tỏa căng thẳng, áp lực của cuộc sống. Trưng những vật xưa cũ trong nhà khiến tôi thấy bình yên, được trải nghiệm nét văn hóa thời xa xưa.

Sách
Trường Hùng, 28 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội

Tôi bắt đầu sưu tầm sách cũ từ năm 2014. Tôi quan tâm tới dòng sách văn học kinh điển, sách của các tác giả lớn đạt giải Nobel, tiểu thuyết lịch sử và sách văn hóa Việt Nam.

Thông thường, có nhiều cuốn sách cũ giá rẻ từ 30.000 đồng-50.000 đồng, nhưng cũng có những cuốn hàng triệu đồng. Cuốn đắt nhất tôi từng mua là Almanach những nền văn minh thế giới với giá 750.000 đồng.

Cuốn sách cũ có ý nghĩa đặc biệt với tôi nhất là bản in đầu tiên của Búp Sen Xanh (năm 1982) của nhà văn Sơn Tùng. Trong một lần tìm sách ở cửa hàng sách cũ, tôi vô tình tìm được nó. Bìa sách được vẽ bởi nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao - một người rất thân với tác giả.

Đối với một người chơi sách, bản in đầu bao giờ cũng quý giá nhất. Văn phong ở bản này được giữ nguyên, ít bị can thiệp, đánh dấu ra sự ra mắt của tác giả đối với công chúng. Tới nay, Búp Sen Xanh đã được tái bản 30 lần.

Khó khăn của tôi trong việc sưu tầm sách cổ là nhiều cuốn không còn xuất bản nữa, chỉ còn số bản hạn chế trên thị trường. Ngoài ra, các hiệu sách cũ sắp xếp sách chưa ngăn nắp, có nhiều cuốn được tìm thấy nhưng bìa nát, mối mọt, ẩm ướt... không đủ điều kiện để sưu tầm.

Sau gần 8 năm, đến hiện tại, tôi sở hữu được khoảng 1.000 cuốn sách cũ, quý hiếm. Đây là cả gia tài vô giá đối với tôi sau thời gian dài kiên nhẫn tìm tòi ở hàng trăm cửa hàng đồ cũ lớn, nhỏ trên cả nước.

Thú chơi 'lồng kính xanh' của giới trẻ

Mỗi tháng, Nhật Minh đều dành một khoản tiền để mua dụng cụ, nguyên liệu cho bể terrarium của mình. Đến lần thứ 3 thử làm, anh mới có thể nuôi thành công cây cối trong bể.

Thanh Nga

Bạn có thể quan tâm