Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người trẻ tài năng

Không chỉ là những tỷ phú với thu nhập khủng, nỗ lực ngày đêm góp phần đưa thương hiệu của nhiều sản phẩm Việt ra nước ngoài, họ còn có nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Nguyễn Thủy Tiên (sinh năm 1988) hiện quản lý và điều hành Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (Breast Cancer Network Vietnam - BCNV).

Lăn xả vì cộng đồng

Công việc hiện tại của Tiên là sự kế thừa từ người chị gái Nguyễn Khánh Thương (Thương Sobey), một nữ giảng viên ĐH KHXH&NV Hà Nội, bị mắc bệnh ung thư vú. Những ngày cùng chị gái chiến đấu lại căn bệnh quái ác, Tiên không khỏi hoang mang khi cả gia đình cô thiếu thông tin và phải vất vả tìm hiểu từng giai đoạn chữa trị.

Từ việc tìm kiếm thông tin giúp chị và những bệnh nhân khác cùng cảnh ngộ, Tiên nhận ra chưa có tổ chức nào đứng ra hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú. Bằng sự nỗ lực, hai chị em Thương Sobey và Thủy Tiên đã sáng lập và điều hành dự án “Mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam”.

Nguyễn Thủy Tiên.


Nhờ sức mạnh của cộng đồng mạng, chị em Nguyễn Thủy Tiên tổ chức sự kiện “Ngày chiếc nơ hồng” cho bệnh nhân ung thư vú vào tháng 10 hằng năm. Lần đầu tiên tổ chức (năm 2013), thu hút hàng nghìn người tham gia. Hai chiến dịch lớn nhất “Vượt qua nỗi sợ hãi” (2013) và “Mạnh hơn sợ hãi” (2014) đã khiến cả xã hội quan tâm.

Năm 2014, BCNV được công nhận là một thành viên của Tổ chức kiểm soát ung thư toàn cầu (UICC). Tháng 1/2016, Thủy Tiên lọt danh sách 30 Under Forbes của Việt Nam. Tiên chia sẻ: “Tôi đã ước gì chị gái tôi còn sống để biết tôi được Tạp chí Forbes Việt Nam lựa chọn vào danh sách 30 gương mặt trẻ tài năng Việt Nam dưới 30 tuổi năm 2016.

Đây không phải sự ghi nhận cho cá nhân tôi, mà cho cả sự nỗ lực của chị gái tôi trong thời gian còn sống với sự góp sức của hàng trăm cánh tay tình nguyện - Mạng lưới ung thư vú Việt Nam”.

Tật nhưng không tàn

Dù bị câm điếc bẩm sinh nhưng Nguyễn Thái Thành (sinh năm 1991, quê Bắc Giang) luôn khiến mọi người nể phục về sự nỗ lực và tinh thần giúp đỡ mọi người. Thành hiện là giám đốc công ty cổ phần Công nghệ Làm đẹp Thành Nguyễn ở Hà Nội, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật từ năm 2011.

Nguyễn Thái Thành.

Dự án nổi bật của 9X này trong năm 2015 là trao tặng học bổng đào tạo nghề làm tóc miễn phí cho 10 người khiếm thính. Sau dự án này, Thành nhận được rất nhiều hồ sơ xin học và phỏng vấn để chọn được những người phù hợp.

Sau quá trình đào tạo một năm, các bạn đã vững vàng để khởi đầu  với nghề mới. Đến nay, đã có 8 bạn tốt nghiệp, 2 bạn đang theo học. Các bạn mở cửa hàng riêng hoặc đi làm cho các salon khác sau khi tốt nghiệp, từng bước ổn định trong cuộc sống.

Thành cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai việc đào tạo nghề miễn phí cho người khiếm thính và năm nay mở rộng hơn cho các đối tượng là người khuyết tật dạng vận động và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Thành đang xây dựng mạng lưới các nhà tạo mẫu tóc khiếm thính Việt Nam, với mục đích kết nối người khiếm thính hành nghề làm đẹp trên mọi miền Tổ quốc, nhằm tạo thành một tổ chức có thể gắn kết người yếu thế trong chuỗi hoạt động nghề nghiệp, đồng thời qua đó hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Thành cũng đang đào tạo các học viên để tham dự cuộc thi Tay nghề Asian và chọn ra gương mặt xuất sắc tham dự cuộc thi Tay nghề Thế giới.

“Đây là cuộc thi mà tất cả các thí sinh đều là người nghe nói bình thường nên việc người khiếm thính tham gia là một bước ngoặt lớn. Thành đang đào tạo “gà” và hy vọng họ sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội cũng như được thể hiện khả năng nhiều hơn trong các sân chơi nghề nghiệp”, Thành nói.

Bên cạnh đó, show diễn “Beauty In Silence” (show diễn thời trang tóc “Đẹp tĩnh lặng”) là một show diễn Thành tổ chức hàng năm, nhằm tôn vinh công việc thầm lặng của những nhà tạo mẫu tóc khiếm thính Việt Nam.

Thành chia sẻ: “Mọi công việc Thành làm là mong muốn đẩy cộng đồng người khiếm thính đến gần hơn với người  bình thường rút ngắn khoảng cách, xóa bỏ các rào cản và định kiến”.

Người mang hoa Đà Lạt vươn xa

Với những người yêu thích hoa, cây cảnh ở Ðà Lạt (Lâm Đồng) hầu như ai cũng biết tiếng Phan Thanh Sang, sinh năm 1984, ở Đơn Dương, Lâm Đồng với khả năng nhân giống, lai tạo và kinh doanh hoa lan, xương rồng. Ðến vườn lan của Sang, người xem như bị cuốn hút bởi hàng trăm loài phong lan Việt Nam và các loại lan ngoại khác.

Anh Phan Thanh Sang giới thiệu hoa với khách hàng.

Từ khi còn là sinh viên Khoa Nông lâm Trường ĐH Đà Lạt, Phan Thanh Sang đã nhận thấy thế mạnh của địa phương là vùng sản xuất hoa nổi tiếng cả nước gắn với du lịch nên đã vừa học vừa trồng hoa để lấy kinh nghiệm.

“Với vốn kiến thức qua thời gian học tập nghiên cứu ở trường, năm 2007, khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi mạnh dạn dùng tiền thu được từ việc kinh doanh hoa, vay mượn thêm bạn bè, người thân để đầu tư phòng thí nghiệm 200 triệu đồng với đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ việc nghiên cứu và lai tạo giống.

Lần lượt nhiều giống lan hoàn toàn mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa của Đà Lạt được lai tạo, như lan hài, lan hoàng thảo (Dendrobium), lan vũ nữ (Mitoniopsis), lan hồ điệp và một số giống phong lan rừng Việt Nam”, anh Sang cho biết.

Khi chất lượng hoa lan đã được thị trường ghi nhận và đánh giá cao, Thanh Sang đã xây dựng thương hiệu Sang Còi (sau đổi thành YSA Orchid).

Sau gần 10 năm, hiện thương hiệu hoa lan Đà Lạt YSA Orchid đã có hơn 30 cửa hàng phân phối trên toàn quốc, riêng diện tích trồng lan công nghệ cao của gia đình anh Sang tại Đà Lạt và Đơn Dương đã lên tới 3 héc ta, giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đạ Ròn (Đơn Dương, Lâm Đồng).

Với mô hình kinh tế của mình, hằng năm, anh Sang thu nhập bình quân 7-8 tỷ đồng.

Nói về bí quyết, Sang cho biết: “Luôn nuôi dưỡng sự đam mê cho riêng mình, biết cách lấy ngắn nuôi dài, quyết tâm ắt sẽ thành công”. Hiện Sang theo học lớp Quản trị kinh doanh để nuôi ước mơ thành lập công ty Lan mang tên mình.

Nữ tỷ phú của vùng quê nghèo

Nguyễn Thị Hồng Vức, sinh năm 1982, ở Nam Sách, Hải Dương hiện đang là chủ trang trại nuôi cá lồng rộng hơn 7.500m2 trên sông Kinh Thầy. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, chị Vức đã mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế ngay tại quê hương một cách táo bạo nhưng đầy tiềm năng.

Từ hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, năm 2010, chị bàn bạc cùng với gia đình chuyển sang thành lập mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy. Được UBND xã Nam Tân tạo điều kiện cho nhận khoán diện tích 7.500 m2 bãi bồi trên sông, chị cùng gia đình vay vốn đầu tư 5 lồng cá với diện tích 108m2/lồng, xây dựng nhà xưởng để chứa thức ăn và trồng cỏ voi nuôi cá.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vức.

Từ khoản tiền lãi hằng năm, chị Vức tiếp tục đầu tư tổng cộng 60 lồng cá, trong đó có 30 lồng nuôi lăng, 20 lồng nuôi cá điêu hồng, 10 lồng còn lại được chị đầu tư nuôi các loại cá đặc sản.

Chia sẻ về quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, chị Vức nói: “Là thanh niên nên mình phải cố gắng phấn đấu học hỏi. Mình đã từng sang thăm mô hình nuôi trồng thủy sản ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm.

Nhận thấy sông Kinh Thầy có tiềm năng về nguồn nước phù hợp để phát triển nuôi trồng thủy sản nên mình đã thuyết phục gia đình mạnh dạn vay vốn thực hiện ước mơ làm giàu trên chính quê hương”.

Nhờ biết vận dụng đúng những kiến thức từ thực tế và áp dụng khoa học kỹ thuật vào các quy trình làm lồng, chăm sóc, chọn giống nên mỗi lồng cá của gia đình chị đã cho thu hoạch từ 4-5 tấn; trừ chi phí, cho thu lãi từ 15-20 triệu đồng/lồng.

Trung bình mỗi năm, gia đình chị Vức thu nhập từ 1-1,5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 12 công nhân ở địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Với ý chí, bản lĩnh của những người trẻ tuổi, Nguyễn Thủy Tiên, Nguyễn Thái Thành, Phan Thanh Sang và Nguyễn Thị Hồng Vức là bốn trong số những nhân vật được đề cử cho Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015.

Thần đồng dương cầm 12 tuổi được Forbes châu Á vinh danh

Thần đồng Joey Alexander Sila khiến nhạc sĩ jazz nổi tiếng Wynton Marsalis phải thốt lên rằng, ông chưa từng thấy ai có thể chơi đàn như cậu bé ấy.

http://www.tienphong.vn/Gioi-Tre/nhung-nguoi-tre-tai-nang-978172.tpo

Theo Nguyễn Hoan - Duyên Trần - Phương Anh/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm