Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nhân viên boomerang trong dịch

Theo chuyên gia, nhiều người lao động Mỹ bỏ việc trong dịch Covid-19 có thể sớm quay lại với chủ cũ vì mọi thứ không như họ mong đợi.

Anthony Klotz, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Mays thuộc Đại học Texas A&M, đưa ra dự báo về xu hướng “nhân viên boomerang” trong cuộc phỏng vấn với Insider.

“Chúng ta sẽ thấy rất nhiều nhân viên nhóm này quyết định trở lại sau một năm bỏ việc vì cho rằng lựa chọn trước đó không thành công như họ mong đợi”, ông tuyên bố.

Theo Bộ Lao động Mỹ, số người bỏ việc tăng kỷ lục những tháng gần đây, với 4,3 triệu chỉ trong tháng 8. Đây là số lượng nhiều nhất được ghi nhận kể từ tháng 12/2000.

Klotz là một trong những chuyên gia tiên phong dự đoán về làn sóng bỏ việc ồ ạt, đặt ra thuật ngữ “Đại khủng hoảng lao động” vào đầu năm nay.

Nhung ‘nhan vien boomerang’ trong dich anh 1

Theo chuyên gia, xu hướng “nhân viên boomerang” đang diễn ra trong thị trường lao động Mỹ. Ảnh: Spencer Platt/Getty.

“Đại dịch cùng lệnh phong tỏa liên quan đến nó khiến mọi người phải suy ngẫm về cuộc sống và trong nhiều trường hợp đã cho họ thời gian, động lực để thay đổi”, Klotz nói với The New York Post trong cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

Thị trường việc làm tăng nhiệt và tình trạng kiệt sức của người lao động được coi là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến làn sóng bỏ việc ồ ạt. Nhưng giờ đây, Klotz cho biết nhiều nhân viên có thể quay lại chính nơi họ đã rời đi.

Hiện tại, một số người lao động kiệt sức khi nghỉ việc đã có vài tháng nghỉ ngơi. Họ cảm thấy sảng khoái và sẵn sàng quay trở lại với chủ cũ.

Klotz cũng tin rằng nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận lại họ.

“Việc tuyển dụng nhân viên mới thực sự rất khó. Với các nhân viên boomerang, chủ đã biết năng lực của họ nên rủi ro của quá trình này sẽ giảm xuống”, ông giải thích.

Tuy nhiên, đó có thể không phải là tin tốt đối với những người đã bỏ việc bốc đồng và bày tỏ sự tức tối khi ra đi.

Đối với các cá nhân đang cân nhắc nghỉ việc, Klotz nói rằng điều quan trọng là phải rời đi trong êm đẹp và giữ cánh cửa rộng mở cho tương lai.

Ông khuyên mọi người trực tiếp xin cấp trên nghỉ nếu có thể và bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc.

Nhung ‘nhan vien boomerang’ trong dich anh 2

Một số người lao động nghỉ việc do kiệt sức có thể thấy sẵn sàng trở lại với chủ cũ sau vài tháng nghỉ ngơi. Ảnh: xPACIFICA/Getty.

Dù không rõ có bao nhiêu người Mỹ sẽ quay lại cơ quan cũ, một số đã thề không bao giờ làm như vậy, đặc biệt là những nhân viên cổ cồn trắng được yêu cầu trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian.

Bloomberg đã trò chuyện với một nhân viên bất mãn vào tháng 6. Người này đã bỏ việc sau khi được lệnh quay lại văn phòng.

“Họ cảm thấy như thể nếu khuất mắt trông coi, nhân viên sẽ không làm việc. Đó là sự kiểm soát khó chịu”, cô nói về những người chủ cũ.

Theo cuộc thăm dò 1.000 người do công ty nghiên cứu dữ liệu và thị trường Morning Consult thực hiện cho Bloomberg vào tháng 5, 39% người lao động cho biết sẽ cân nhắc bỏ việc nếu chủ không cho phép họ làm việc từ xa một cách linh hoạt.

Mở dịch vụ dẫn tour online cho khách Tây trong dịch

Ngoài việc không thể đi nhiều nơi như trước, Lê Hoàng cảm thấy may mắn vì nhờ dẫn tour du lịch online, anh vẫn trụ lại với nghề trong khi hầu hết đồng nghiệp đã bỏ việc.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm